31/07/2018

BỖNG NHỚ NGƯỜI BẠNỞ PRAHA

MÊNH MÔNG TH S Đ GIÓ CUN ĐI
S 47 

Tương Lai
Praha cổ kính
và tôn nghiêm
Một lần đi thăm lại những người bạn ở các nước Đông Âu để có dịp nhận ra cảnh cũ người xưa sau ba thập kỷ giờ ra sao, là một mong mỏi có vẻ “lãng man” trong tôi về chuyến viếng thăm dối già e khó thực hiện được rồi đây.  Nhớ lại chuyến đi với anh bạn thân ở Đan Mạch đến bốn nước Bắc Âu nhân một hội thảo khoa học ở Thụy Điển rồi tiện thể lái ô tô đi thăm thêm Na Uy, Phần Lan rồi trở về Đan Mạch đi câu cá với anh. Nay anh hứa : chỉ cần tôi thu xếp được thời gian và sức khỏe tạm ổn thì “ kỳ này ta đi thăm lại Đông Âu” mà anh biết tôi khao khát.



   Praha sẽ là lựa chọn đầu tiên vì có quá nhiều kỷ niệm, trong đó có giáo sư Srovnal từng nhận lời mời của tôi đến thăm và thuyết trình một buổi tại Viện của tôi. Ông là người đã phản đối sự kiện quân của khối Varsava tấn công vào Praha năm 1967 để lật đổ Dubček. Sau buổi thuyết trình trước toàn viện, lúc ngồi riêng bên tách trà, ông trầm ngâm nhắc lại câu của Dubček: “Họ có thể dẫm đạp hoa, nhưng họ không thể ngăn cản mùa xuân”. Srovnal bị tước mọi chức vụ, tước bỏ cả danh hiệu viện sĩ Viện Hàn lâm Tiệp Khắc là vì sớm nhận ra sự thật nghiệt ngã ấy.
Tôi nhớ trong mười mấy năm làm viện trưởng, có hai lần tôi trực tiếp đưa hai người bạn nước ngoài đi “thực tế”, một là giáo sư François Houtart, nhà Thần học giải phóng và nhà Xã hội học người Bỉ, từng có công lớn giúp chúng tôi đào tạo chuyên gia xã hội học và cũng là người tiến hành một nghiên cứu xã hôi học điển hình [case study] về nông thôn tại một xã ở đồng bằng Bắc bộ, sau này, ông và đồng nghiệp, bà tiến sĩ Geneviève Lemercinier, đã hoàn thành và xuất bản cuốn sách:“Xã hội học về một xã ở Việt Nam: Tham gia xã hội, các mô hình văn hóa, gia đình, tôn giáo ở xã Hải Vân” [Sociologie d’une commune vietnamienne: participation  sociale, modèles culturels, famille, religion, dans la commune de Hai Van).
Praha cổ kính
và tôn nghiêm
Người  hai là giáo sư Srovnal. Lần ấy, tôi đưa ông đi thăm Đà Nẵng để có điều kiện mời Srovnal ra biển, vì Tiệp Khắc là một quốc gia không có biển. Còn vì một lẽ khác nữa, Đà Nẵng là thành phố đầu tiên Viện chúng tôi tiến hành một khảo sát xã hội học sau năm 1975, ở đó vẫn còn nhiều người bạn có thể tạo điều kiện thuận lợi giúp tôi đưa Srovnal đến những nơi mà nhà xã hội học Tiệp Khắc muốn tìm hiểu. Ngồi bên một chiếc bàn tre dưới cái ô khá rộng của Công ty Du lịch Đà Nẵng dựng trên bãi biển Non Nước, ông bạn tôi tỏ vẻ thú vị nhâm nhi ly cà phê đá mà ông chưa hề thưởng thức vì trước đó ông có khẩu vị cà phê hoàn toàn khác. Xe đưa chúng tôi đến bãi biển này cũng là xe của khách sạn Phương Đông hợp đồng với Công ty Du lịch này. Srovnal tỉ mỉ đếm xem có bao nhiêu chiếc ô dựng lên bãi biển và bao nhiêu khách đang ngồi. Ông ta không biết được là vào giờ chúng tôi ngồi uống cà phê bên bãi biển là giờ “biển động”, không ai được xuốn tắm. Cũng nhờ sự ưu ái của Đà Nẵng mà ông bạn Tiệp Khắc của tôi được xuống nước theo lời cầu khẩn thiết tha của ông: “tôi đã đứng sát mép nước mà không cho tôi xuống biển là tôi có tội với biển”. Phải có 8 người bảo vệ của Công ty xuống nước và ông chỉ được bơi trong phạm vi được kiểm soát.
Thế rồi năm sau, tôi đến Praha theo lời mời của Viện Triết học-Xã hội học Tiệp khắc [bởi theo mô hình Xô Viết, trong Viện Hàn Lâm không có Viện Xã hội học đứng riêng, trừ Ba Lan và Hungari nếu tôi nhớ không nhầm]. Srovnal buồn buồn nói với tôi và Y Minh : “đáng tiếc là tôi không giư lời hứa với các anh đưa đến biệt thự của tôi ở trên đồi Praha rất đẹp”! Qua đường phố ngoằn ngoèo ngập tuyết, ông đưa chúng tôi đến một căn hộ nhỏ. Thì ra, sau khi mất hàm Viện sĩ, vợ ông, một danh ca nổi tiếng đã ly dị ông và sống trong ngôi biệt thự. Nhìn Srovnal lóng ngóng trèo từng nấc chiếc thang gỗ để lấy một hộp các tông to bản ở trên cùng của tủ sách, ông cẩn trọng mở ra, lấy tấm ảnh một thiếu phụ tuyệt đẹp chìa cho tôi và không nói thêm tiếng nào! Trong ánh mắt ông, tôi đọc thấy nỗi u hoài trầm lặng, chua xót. Giữ chặt tay ông tôi cũng chẳng biết nói gì.
Nơi an nghỉ của Dubček
tại Bratislava, Slovakia
Những ngày ở Praha tôi biết ra nhiều chuyện từ những cuộc “đi tham quan” với Srovnal . Trước khi đi, tôi đã được Cao Xuân Hạo cho đọc một tài liệu để biết rằng Gorbachev từng thừa nhận chính sách “glasnost và perestroika” [tự do hoá] của mình rất giống với "chủ nghĩa xã hội với khuôn mặt người" của Dubček, nên cũng hiểu thêm những gì mà Srovnal đã giới thiệu. Sau năm 1989 Dubček trở lại chính trường, làm Chủ tịch Nghị viện Liên bang, chức vụ mà ông giữ tới tận tháng 6 năm 1992 và là người lãnh đạo Đảng Dân chủ xã hội Slovakia trước khi mất. Nỗ lực xây dựng “chủ nghĩa xã hội mang khuôn mặt con người” của Dubček được hưởng ứng trên khắp cả nước, giai đoạn tự do ngắn ngủi này được gọi là “Mùa xuân Praha” và Dubček bị tước mọi chức vụ như bị giam lỏng. Nhưng đúng là có thể dẫm đạp lên hoa song không thểngăn được Mùa Xuân. Sau một thời gian thăng trầm, Dubček vinh quang trở lại thủ đô Prague, trở thành nhà lãnh đạo của tiến trình xây dựng lại đất nước sau khi xóa bỏ thể chế toàn trị kiểu Xô Viết. Tiến trình này về sau được gọi là Cách mạng Nhung.
sinh viên Praha nắm tay
nhau trên đường phố
Srovnal đã kể cho tôi nghe về cuộc “cách mạng nhung” năm 1989 này, xin gợi lại đôi nét tôi còn nhớ được. Khởi đầu cho cuộc xuống đường ngày 17.11.1989 của sinh viên nhân tưởng niệm một sinh viên Tiệp Khắc bị phát xít Đức bắn chết vào ngày 17-11-1938. Sau cuộc tưởng niệm, sinh viên không trở về nhà, họ nắm tay nhau đi trên đường phố hô to khẩu hiệu đòi dân chủ và tự do. Các văn nghệ sĩ, trí thức và cả công nhân hưởng ứng. Chính quyền đã loan tải lời kêu gọi, yêu cầu các gia đình của sinh viên khuyên bảo họ không được tham gia biểu tình. Chính đấy lại là nhân tố thúc đẩy thêm dòng người đổ ra đường ngày một đông thêm, kể cả những người lúc đầu chỉ muốn đi tìm con. Khi dòng người tràn khắp đường phố thì chính quyền hoảng hốt đã phải ra lệnh đưa lực lượng dã chiến và an ninh ngăn chặn. Thế rồi trong đoàn biểu tình hòa bình, các thiếu nữ cầm những bông hồng trên tay đã bước tới trước đoàn quân trao tặng cho họ. Những người mẹ, người cha đội con mình trên vai đồng thanh hát bài ca Tổ Quốc Tôi. Các cháu bé cũng  bập bẹ hát theo bố mẹ “Tổ quốc tôi ở đâu”, Tổ quốc tôi cũng là Tổ quốc của các anh, xin các anh đừng đánh trẻ thơ, xin các anh đừng đánh trẻ thơ. Không ít những người lính dã chiến đã chúc mũi súng xuống đất, rồi sau đó cùng hòa vào dòng người trên đường phố.
quảng trường ngập tràn
 người với khẩu hiệu
tự do
người Praha trước một
xe tăng Xô Viết bị
đốt cháy
 Tôi đã được đứng giữa quảng trường Václav, nơi đây đã diễn cuộc biểu tình với sự tham gia của cả trăm ngàn người. Vậy là sau khi “hoa bị giẫm nát” trên quãng trường Quảng trường “Con ngựa” này[tên dân gian đặt cho quãng trường Václav]mùa Xuân của Praha” đã hồi sinh lại đất nước mình. Ở đây, nghe nói, vì tôi không có dịp trở lại Praha, người ta đã dựng lên những tấm pano lớn trưng bày hình ảnh của những cuộc biểu tình, hình ảnh của những kẻ thù của nhân dân, các nhân vật cộm cán trong bộ máy lãnh đạo, công an, mật vụ. Trên những tấm pano đó người ta ghi dòng chữ  “Ký ức của dân tộc!”. Ký ức ấy phải chăng không thể tách rời với nét đẹp cổ kính của Praha với những đền đài, cung điện của một thành phố thuộc vào hạng đẹp nhất của châu Âu như tôi được biết. Tôi  cũng đã đến quảng trường Staromestske mà người ta còn gọi là “quãng trưởng con gà”, trải dài và bao quanh bởi những công trình cổ kính từ thế kỷ XI, XII với kiến trúc Roma những nhà thờ, đền đài, cung điện và khách sạn tuyệt đẹp. Chính cái “Mùa xuân Praha” này đã làm sụp đổ một huyền thoại về hệ thống XHCN tươi đẹp và bất khả xâm phạm để phơi bày bộ mặt phản dân chủ của một thể chế toàn trị. Những vết đạn của xe tăng Xô Viết đã xé nát niềm tin của những người cộng sản và lực lượng cánh tả ở châu Âu và của thế giới. Đấy là một trong những lực đẩy làm đổ sụp bức tường Berlin ô nhục vào ngày 9.11.1989.
Praha không khuất phục
 Thế rồi “Mùa Xuân Bắc Kinh” nổ ra đúng một thập kỷ sau khi “hoa bị giẫm nát” trong “Mùa Xuân Praha” với độ tàn khốc được nâng lên cấp số nhân với tính chất man rợ của chế độ toàn trị Phương Đông dưới bàn tay Đặng Tiểu Bình bằng vụ thảm sát Thiên An Môn. Và cũng thế rồi ở Việt Nam, từ đầu óc thiển cận và nô lệ của người chóp bu hoảng sợ trước sự sụp đổ của hệ thống XHCN đã đẩy tới sự dại dột bám lấy cái phao cứu sinh từ Bắc Kinh để tự mình chui vào cái thòng lọng oan nghiệt thít chặt cổ dân tộc mình suốt mấy thập kỷ qua. Cái thòng lọng ấy ngày càng thít chặt đầu óc của một bộ phận lãnh đạo chóp bu muốn bám lấy cái ghế quyền lực nhân danh ý thức hệ XHCN cũ nát mà chế độ toàn trị kiểu hoàng đế đỏ họ Tập dẫn dắt. Quen thói dùng luật rừng với những bản án bỏ túi để xử lý công dân nước mình, người ta đã liều mạng áp dụng nó với các nước văn minh.
Mang hoa tưởng niệm sinh viên
 Jan Palach đã tự thiêu để
phản đối cuộc tấn công của xe tăng Xô
Viết và khối Vacsava.
Để rồi hôm nay, trên đất nước hồi sinh với “Mùa xuân Praha” mà tôi tha thiết đến thăm lại thì trong vụ bê bối bắt cóc” vừa rồi sau chuyện xin không được thì cướp “Việt Nam đã trở thành một mối nguy an ninh trong lĩnh vực xuất khẩu tội phạm có tổ chức”như ông Bộ trưởng Nội vụ Czech Jan Hamacek vừa tuyên bố! Thật nhục nhã và chua xót. Czech có số người Việt đang sinh sống đông nhất so với ở các nước châu Âu khác. Có khoảng 100.000 người Việt ở đây và là cộng đồng người thiểu số lớn thứ 3 ở quốc gia trung Âu này, chỉ sau người gốc Ukraine và người gốc Slovakia.Hơn nữa, như báo chí chính thống của Việt Nam từng ca ngợi “Czech là quốc gia có nền kinh tế thân thiện nhất với Việt Nam”.
Đừng quên rằng Czech chỉ là hệ lụy liên quan đến vụ bắt cóc tại Đức, một nước có một hệ thống luật pháp nghiêm minh và hết sức chặt chẽ, lại đang giữ vị trí kinh tế và chính trị hàng đầu ở Châu Âu. Theo tường thuật của Trung Khoa-Thoibao.de tại phiên tòa Thượng thẩm Berlin ngày 25.7.2018 và theo Báo chí & Truyền hình Đức đã đăng về phán quyết của Tòa thượng thẩm Berlin hôm 25.7.2018 thì: Bà Regine Grieß Chánh án chủ tọa phiên tòa đã mời cả phòng xử đứng lên, nghe đọc bản tuyên án, kết tội Nguyễn Hải Long trong đại án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và cô Đỗ Thị Minh Phương. Bản luận tội với trên 20 trang, được tòa đọc sau đó gần 90 phút đã miêu tả rất chi tiết về tình hình chính trị Việt Nam sau Đại hội đảng cộng sản lần thứ 12…
Vào ngày 6.7.2017, bên lề hội nghị G20 tại Hamburg, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng đương nhiệm của Việt Nam đã trực tiếp trao cho Thủ tướng Đức Angela Merkel văn bản đề nghị dẫn độ Trịnh Xuân Thanh. Bà thủ tướng Đức khi tiếp nhận đã nói với Chính phủ Việt Nam “ việc này thuộc thẩm quyền của bên tư pháp độc lập “.Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 6.7.2017 tại khách sạn Atlantic ở Hamburg. Tòa thượng thẩm Berlin cho rằng lệnh bắt cóc ông TXT được người đứng đầu đảng cộng sản VN đưa ra. Ngay sau đó Chính phủ Việt Nam đã tổ chức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh “ như thời chiến tranh lạnh”, gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có giữa quan hệ hai nước. Thoibao.de lưu ý rằng : “Phán quyết của Tòa thượng thẩm có giá trị pháp lý tại Đức và quốc tế, điều này sẽ gây bất lợi lớn cho tất cả những quan hệ quốc tế từ nay về sau của Chính phủ Việt Nam”.
Vậy là “chủ nghĩa xã hội với khuôn mặt người” mà Dubček đề xướng đã đem lại “mùa xuân Praha” cho dân tộc Tiệp Khắc (sau này tách ra thành Czech và Slovakia ngày 1.1.1993 với cuộc “ly hôn nhung” bốn năm sau cuộc “cách mạng nhung” 17.11.1989) còn “chủ nghĩa xã hội” với ông Nguyễn Phú Trọng thì mang gương mặt gì đây?
Xin nhờ ông Tổng Bí thư giải đáp cho và mong rằng những người gánh vác trọng trách với dân tộc hãy tỉnh táo giúp trả lời câu hỏi này. Câu hỏi của lương tâm và danh dự Việt Nam trước thế giới.  Nếu trên quãng trường Václav của Praha cổ kính người ta trương những tấm panô to với dòng chữ Paměť národa” -“Ký ức của dân tộc!” ghi lại các cuộc biểu tình của thanh niên, sinh viên, văn nghệ sĩ, trí thức, công nhân và những kẻ từng đàn áp họ, thì rồi đây, trên những quãng trường ở Hà Nội, Sài Gòn và những thành phố khác, thanh niên, trí thức , thợ thuyền, dân cày và những người dân mất đất từng rầm rộ xuống đường biểu tình trong hòa bình và từng bị đàn áp, những tấm pano được dựng lên sẽ ghi những gì đây?
Hình ảnh gợi nhớ con
 phố hẹp dẫn đến nhà
Srovnal
Những gì cần ghi và phải ghi thì rồi người ta sẽ nghĩ ratùy theo diễn biến của thời cuộc tàn khốc hay hòa hoãn nhưng điều chắc chắn là thế nào cũng có những pano như vậy, vì những người sẽ làm ra lịch sử và những tội đồ của lịch sử, ngớ ngẩn thay, thường lại ở cạnh nhau!
Vì vậy mà trong nỗi da diết nhớ đến Mùa Xuân Praha mà thầm nhớ đến ông bạn Praha, nhớ đến con đường ngập tuyết dẫn đến nhà ông với một hoài niệm khôn nguôi về một thời gian đã mất.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire