Việc các ứng dụng công nghệ thanh toán trên nền tảng AliPay và WeChat Pay
đang giúp du khách Trung Quốc sang Việt Nam thanh toán và chuyển tiền về Trung
Quốc là hồi chuông báo động đối với công tác quản lý thanh toán xuyên biên
giới.
Chuyển tiền trái phép qua ứng
dụng thanh toán trực tuyến
Mối lo ngại về việc các dịch vụ
ví điện tử AliPay (Tập đoàn Alibaba, Trung Quốc), WeChat Pay (Tập đoàn Tencent,
Trung Quốc ) có thể chiếm lĩnh thị trường thanh toán di động Việt Nam, đánh bạt
ngân
hàng, fintech… mà Báo Đầu tư đã cảnh báo trong nhiều bài báo thời gian qua đã
hiện hữu. Hai ứng dụng này đang âm thầm thâu tóm nhiều trung gian thanh toán,
mở rộng thị trường, gia tăng kiểm soát thị phần.
Ngoài con đường hợp tác chính
thức, cơ quan quản lý nhà nước vừa phát hiện AliPay, Wechat Pay cho phép du
khách Trung Quốc tới Việt Nam thanh toán xuyên biên giới trái phép.
Mới đây, Thanh tra Ngân hàng Nhà
nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh phát hiện một cửa hàng tại địa phương chuyển
trái phép hơn 200.000 Nhân dân tệ (khoảng 700 triệu đồng) về Trung Quốc mà
không thông qua ngân hàng trung gian của Việt Nam. Trong vụ việc này, khách du
lịch Trung Quốc sang Việt Nam đã mua hàng bằng thẻ nội địa Trung Quốc hoặc ứng
dụng ví điện tử QR code AliPay, WeChat Pay, chứ không phải thẻ thanh toán quốc
tế.
Điều đáng nói là, các máy POS
được sử dụng để thanh toán đều do một số ngân hàng Trung Quốc phát hành, nhưng
được “đặt chui” tại Việt Nam, kết nối Internet trực tiếp với AliPay, WeChat Pay
và các ngân hàng/tổ chức thanh toán khác của Trung Quốc.
Với công nghệ hiện nay, khách
Trung Quốc thậm chí không cần quẹt thẻ ở máy POS, mà chỉ cần sử dụng các ứng
dụng AliPay, WeChat Pay để thanh toán tại chỗ. Chủ cửa hàng chỉ cần nhờ người
đứng tên mở tài khoản tại Trung Quốc là có thể nhận tiền hoặc chuyển tiền lậu
từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại.
Tất nhiên, các giao dịch này
không thông qua hệ thống Cổng Thanh toán quốc gia hay các ngân hàng và trung
gian thanh toán của Việt Nam. Cơ quan quản lý Việt Nam cũng không thể có được
dữ liệu về quy mô giao dịch, số lượt hay tần suất giao dịch.
Thất thu lớn
Không chỉ riêng Quảng Ninh mà tại
nhiều địa phương khác như Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, rất nhiều cửa hàng
kinh doanh nhỏ, khách sạn tư nhân… đều đã treo biển chấp nhận thanh toán bằng
AliPay hay WeChat Pay. Đây là hình thức “phổ cập” AliPay và WeChat Pay một cách
không chính thức.
Còn qua con đường chính thức, từ
cuối năm 2017, lần lượt AliPay và WeChat Pay đều đã công bố việc bắt tay với
các đối tác trong nước để triển khai dịch vụ tại Việt Nam.
Tháng 11/2017, Tập đoàn Alibaba
của tỷ phú Jack Ma đã ký kết hợp đồng hợp tác với Công ty cổ phần Thanh toán
quốc gia Việt Nam (NAPAS), đơn vị duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép
cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài
chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam. Theo thỏa thuận này, ngoài việc
thanh toán bằng thẻ UnionPay, khách du lịch Trung Quốc có thể chi tiêu, mua sắm
qua ứng dụng thanh toán AliPay tại các đơn vị bán hàng của Việt Nam.
Ngay sau đó, ví điện tử VIMO của
Công ty cổ phần Công nghệ Vi Mô tuyên bố đã trở thành đơn vị trung gian thanh
toán đầu tiên cho phép du khách Trung Quốc sử dụng ví điện tử WeChat Pay thanh
toán bằng đồng Việt Nam tại các cửa hàng chấp nhận VIMO khi đến du lịch tại
Việt Nam.
Đại diện AliPay và WeChat Pay đều
“hứa hẹn”, việc họ đi theo khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam sẽ kích cầu
chi tiêu của khách du lịch nước này, giúp Việt Nam tăng doanh thu từ khách du
lịch Trung Quốc.
Tuy nhiên, đại diện nhiều công ty
du lịch lữ hành cho biết, thực tế không diễn ra “màu hồng” như vậy. Hiện rất
nhiều tour du lịch Trung Quốc sang Việt Nam là tour 0 đồng. Chi phí ăn, ở được
cắt giảm tối thiểu, khách du lịch bị ép phải vào tham quan, mua sắm ở các điểm
mua sắm do tour chỉ định.
“Các điểm mua sắm này thường là
do người Trung Quốc sang Việt Nam mở và móc nối trước với tour, nên du khách có
tăng chi tiêu thì doanh thu cũng không đổ vào túi của các doanh nghiệp Việt”, ông
Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty lữ hành du lịch Tuấn Anh nói.
Giờ đây, với việc các cửa hàng,
điểm mua sắm phục vụ khách Trung Quốc lén lút thanh toán bằng Nhân dân tệ thông
qua AliPay, Wechat Pay, doanh thu thậm chí còn được chuyển thẳng về Trung Quốc,
vừa trốn được thuế, vừa không bị các lực lượng chức năng của Việt Nam kiểm
soát.
Đe dọa an ninh tiền tệ
Các chuyên gia cảnh báo, hoạt
động thanh toán chui này đang khá phổ biến và ảnh hưởng lớn đến an ninh tiền tệ
quốc gia. Đây là hình thức xuất khẩu tại chỗ, nhưng không thu được tiền về Việt
Nam.
WeChat Pay và AliPay và là hai nền tảng thanh toán trực tuyến lớn nhất
Trung Quốc hiện nay. Năm 2016, tổng dung lượng giao dịch của hai đơn vị này đạt
gần 2.000 tỷ USD với khoảng 1 tỷ người dùng thường xuyên, trong đó WeChat Pay
có 600 triệu khách hàng còn AliPay có 450 triệu khách hàng.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ
tịch Công ty Luật SBLAW, hoạt động thanh toán chui này vi phạm quy định về quản
lý ngoại hối của Nhà nước do đồng tiền niêm yết, giao dịch và thanh toán đều
bằng ngoại tệ. Mặt khác, hành vi này còn gây thất thoát thuế do các giao dịch
hoàn toàn xử lý tại nước ngoài.
Ngày 17/5/2018, thông tin từ UBND
tỉnh Quảng Ninh cho biết, lực lượng liên ngành địa phương đang điều tra việc
chuyển tiền trái phép về Trung Quốc của các cửa hàng tại TP. Hạ Long, Móng Cái
chuyên phục vụ khách Trung Quốc.
Theo ông Hồ Quang Huy, Phó chủ
tịch UBND TP. Hạ Long, địa phương này sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng tăng
cường kiểm tra và đề nghị các cửa hàng dán cảnh báo với khách hàng không thanh
toán trái phép bằng máy POS.
Câu hỏi đặt ra là, tại Việt Nam
hiện còn bao nhiêu máy POS và điểm chấp nhận thanh toán AliPay/WeChat Pay trái
phép? Rõ ràng, việc hỗ trợ các ví điện tử Trung Quốc “đi theo” du khách Trung
Quốc chưa mang lại hiệu quả, không những thế còn có thể khiến cho các ví điện
tử, các cổng trung gian thanh toán nội địa bị mất thị trường tiềm năng hay thất
thu một khoản không nhỏ.
Có thể thấy, việc AliPay và
WeChat Pay dung túng, tiếp tay cho các hoạt động thanh toán xuyên biên giới
trái phép, nếu không có những giải pháp xử lý tận gốc vấn đề, sẽ phát sinh
nhiều hệ luỵ nguy hiểm cho doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế.
Tú Ân
https://baodautu.vn/ke-ho-giup-alipay-wechat-pay-tiep-tay-chuyen-tien-ra-nuoc-ngoai-d81908.html
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire