Vũ Quang Việt
Thứ Hai, 3/9/2018, 12:27
(TBKTSG) - Việt Nam hiện nợ Trung Quốc bao
nhiêu là câu hỏi đáng hỏi, bởi vì chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã
cảnh báo về các điều kiện không ưu đãi khi vay “tín dụng ưu đãi” của Trung
Quốc.
Báo cáo “Cập nhật định hướng thu hút, và sử
dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn 2021-2025”
(3-8-2018) đã viết như sau (trích nguyên văn): “...tín dụng ưu đãi của
Trung Quốc tương tự như các khoản tín dụng xuất khẩu, là các khoản vay có
điều kiện (chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc) và có điều kiện
vay kém ưu đãi hơn so với vốn ODA của các nhà tài trợ khác tại Việt Nam.
Lãi suất khoảng 3%/năm, phí cam kết 0.5%, phí quản lý 0,5%, thời hạn vay 15
năm, thời gian ân hạn năm năm... Tuy nhiên, một số dự án sử dụng vốn vay, nhà
thầu, thiết bị Trung Quốc cũng thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo
chất lượng, tăng tổng mức đầu tư... ảnh hưởng hiệu quả đầu tư. Do đó, định
hướng trong thời gian tới đối với việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung
Quốc cần được xem xét, cân nhắc”.
Kể từ năm 2017, Việt Nam đã ra khỏi danh sách các nước nghèo được ưu tiên nhận vốn ưu đãi từ tổ chức quốc tế, do đó cần thay đổi chính sách phát triển dựa vào vốn nước ngoài. Ảnh: Internet |
Lãi suất vay từ Trung Quốc như vậy là rất cao so với lãi suất 0% của Đan Mạch, 0,2% của Tây Ban Nha, 0,6-1,2% của Nhật, 1,04% của Pháp, 0,75% của Đức, 1,75% của Ấn Độ... Còn với các tổ chức quốc tế, lãi suất là 0,9% (Libor 6 tháng + 0,4-0,9%) tức là hiện nay vào khoảng 1,3-1,8%/năm và với thời hạn vay rất dài có thể tới 30 năm, thời gian ân hạn ít nhất là 5 năm.
Như vậy, câu hỏi quan trọng vẫn là cho đến nay
số nợ của Việt Nam với Trung Quốc là bao nhiêu? Tại sao Việt Nam tiếp tục
vay Trung Quốc để phải nhập công nghệ phế thải với điều kiện rất không ưu
đãi? Và tình hình chính trị sẽ ra sao nếu công ty Việt Nam vay mượn tiền
Trung Quốc phải chấp nhận chuyển giao sở hữu công trình cho ngân hàng
chủ nợ của họ, một giải pháp bình thường trong thương mại, khi không trả
được nợ?
Mặc dù số nợ Trung Quốc cần theo dõi, nhưng rất
tiếc không thể tìm thấy câu trả lời trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
nói đến ở trên. Bản báo cáo chỉ nói đến số tiền vay ODA từ Trung Quốc là
250 triệu đô la Mỹ, tức là chỉ khoảng 3,7% so với tổng số vay ưu đãi của
Việt Nam là 6,78 tỉ đô la trong thời gian 2016-2017.
Phải nói kể từ năm 2011, Bộ Tài chính chỉ công
bố tổng số nợ nước ngoài và đã chấm dứt việc công bố nợ từng nước. Bản tin
nợ nước ngoài số 7 công bố năm 2011 cho thấy tổng số nợ của Chính phủ Việt
Nam với Trung Quốc tính đến hết năm 2010 lên đến 552 triệu đô la Mỹ và
khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh là 1,12 tỉ đô la. Như vậy tổng số nợ Trung
Quốc tính đến cuối năm 2010 mà Chính phủ trách nhiệm là 1,64 tỉ đô
la.
Theo một nghiên cứu chi tiết về các khoản nợ
của các nước trong đó có Việt Nam với Trung Quốc, thì tổng số nợ của Việt
Nam với Trung Quốc (bao gồm cả Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, doanh
nghiệp tư) có thể đã lên tới 4 tỉ đô la Mỹ, chỉ có thể tính đến hết năm
2013 (xem biểu 1 đính kèm). Số liệu trên cũng chưa thể tính trừ đi khoản nợ
gốc đã trả.
Tuy thế, nếu dựa
vào số liệu nợ Trung Quốc là 4,1 tỉ đô la năm 2013, tính ra bằng 6,3% tổng
số nợ nước ngoài của Việt Nam (kể cả nợ của doanh nghiệp) là 63,5 tỉ đô la
vào năm 2013. Dựa vào cùng tỷ lệ trên, và với số nợ nước ngoài hiện nay ước
là 100 tỉ đô la Mỹ, có thể ước nợ Trung Quốc vào năm 2018 đã trên 6 tỉ đô
la. Ngân hàng Thế giới tính số nợ nước ngoài của Việt Nam là 86,9 tỉ đô la
vào cuối năm 2016.
Số nợ Trung Quốc thật sự có thể lớn hơn số
trên, vì từ sau năm 2010, Bộ Tài chính chỉ theo dõi và công bố nợ công tức
là nợ của Chính phủ và nợ của doanh nghiệp do Nhà nước bảo lãnh, theo định
nghĩa của Việt Nam. Từ 2011, bộ đã chấm dứt công bố nợ nước ngoài bao gồm
cả nợ của doanh nghiệp tư nhân. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có bản hướng
dẫn về nội dung quản lý nhà nước đối với vay và trả nợ của doanh nghiệp
(03/VBHN-NHNN, 12-7-2017). Như thế về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước nắm
được thông tin nhưng không công bố.
Việc quản lý nợ nước ngoài là quan trọng, chứ
không chỉ nợ công. Mất khả năng chi trả, có thể đưa đến khủng hoảng kinh tế
ngay lập tức, khi các ngân hàng nước ngoài chặn tài khoản quốc gia để đòi
nợ. Đó là chưa kể đến các doanh nghiệp nước ngoài đòi con nợ chuyển sở hữu
(tức là vĩnh viễn, chứ không chỉ là 99 năm).
Kể từ năm 2017, Việt Nam đã ra khỏi danh sách
các nước nghèo được ưu tiên nhận vốn ưu đãi từ tổ chức quốc tế, do đó cần
thay đổi chính sách phát triển dựa vào vốn nước ngoài, thay vì dựa vào mình
là chính, có thể đưa Việt Nam đến bẫy nợ Trung Quốc. Do đó, để có thể theo
dõi kinh tế Việt Nam nhằm có chính sách đúng đắn, Bộ Tài chính cần theo dõi
sát sao và công bố nợ nước ngoài của Việt Nam, dù là nợ của Chính phủ hay
của doanh nghiệp. Nếu không tự nguyện, Quốc hội nên có nghị quyết yêu cầu
Bộ Tài chính thực hiện việc làm trên.
Sri Lanka đã rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc khi
không thể trả nợ tiền mượn xây dựng cảng nên đã phải nhượng cảng nước sâu
Hambantoba cho Trung Quốc trong 99 năm. Mới đây, Thủ tướng mới của
Malaysia, ông Mahathir, đã yêu cầu Trung Quốc xóa bỏ các công trình đầu tư
chung, từ làm xe lửa cao tốc, nới biển xây khu vực công nghệ, cảng, và dự
án nhà ở cho người Trung Quốc. Ông Mahathir lấy lý do không muốn phải rơi
vào thế nhượng địa khi mất khả năng chi trả (theo NYT ngày 20-8-2018).
https://www.thesaigontimes.vn/td/277786/viet-nam-muon-cua-trung-quoc-bao-nhieu-.html
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire