Nguyên Đại tá Bộ Công An
Cách đây 4 năm, trước việc
các LLVT (gồm quân đội và công an) bị huy động tùy tiện và trái pháp luật vào
các cuộc cưỡng chế, giải tỏa đất đai bất hợp pháp, và nhất là vào việc ngăn chặn,
cản trở các cuộc biểu tình yêu nước của toàn dân phản đối nhà cầm quyền Trung
Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Tổ quốc, ngày 2/9/2014, hai mươi (20) cựu sĩ
quan Quân đội và Công an chúng tôi đã cùng nhau ký kiến nghị gửi tới Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (sau đây gọi tắt là “Kiến
nghị 20”). Kiến nghị nêu 4 yêu cầu rất cụ thể. Tôi xin đề cập 2 trong 4 đòi hỏi
của “Kiến nghị 20” này như sau:
Kiến nghị 1 nêu rõ: “Không được huy động Quân đội và Công an vào bất cứ
việc gì có hại cho nhân dân. Quân đội có nhiệm vụ Hiến định là “Bảo vệ Tổ quốc
chống ngoại xâm”, do vậy tuyệt đối không được huy động Quân đội vào những việc
mang tính đối kháng với nhân dân, như giải tỏa đất đai, ngăn chặn các cuộc biểu
tình yêu nước ôn hòa... Công an có nhiệm vụ Hiến định là “Bảo vệ An ninh quốc
gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm”, do vậy
tuyệt đối không lạm dụng Lực lượng Công an vào việc đàn áp những người dân vô tội
đấu tranh đòi giải quyết những quyền lợi hợp pháp của mình!” (hết trích 1)
Kiến nghị 4 nêu cụ thể: “Là người chủ và người bảo vệ đất nước, Nhân
dân và LLVT Việt Nam phải được biết chính xác hoàn cảnh thực tế của Quốc gia.
Vì vậy, Nhà nước phải báo cáo rõ với nhân dân về thực trạng quan hệ Việt-Trung,
và về những ký kết liên quan đến lãnh thổ trên biên giới, biển đảo... Về Hội
nghị Thành Đô, có tin nói Tân Hoa xã và Hoàn cầu Thời báo đã công bố nội dung
thỏa thuận giữa 2 bên, trong đó trích dẫn: “Việt
Nam mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu tự trị thuộc chính quyền Trung
ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng và Quảng Tây...
Phía Trung Quốc đồng ý và chấp nhận yêu cầu nói trên, và cho Việt Nam thời hạn
30 năm (1990-2020) để ĐCSVN giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc
gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Hoa”. Chúng tôi không rõ thật giả
thế nào, yêu cầu Chủ tịch và Thủ tướng cho chúng tôi và nhân dân biết rõ thỏa
thuận tại Thành Đô năm 1990” (hết trích 2)
Kiến nghị trên được gửi
ông Tư Sang và Ba Dũng đã tròn 4 năm. Đến nay cả 2 ông đều đã nghỉ hưu để “ráng
làm người tử tế”! Song rất buồn và đáng trách, giống hệt như các Lãnh đạo cao cấp
khác, 2 ông Tư và Ba này đã không trả lời “Kiến nghị 20” một câu! Phải chăng
trong đầu và trái tim họ đã mất hết suy nghĩ về nghĩa vụ và trách nhiệm của người
lãnh đạo đối với công dân, mà trong trường hợp này lại là đồng đội, đồng chí của
mình? Đây quả là cách ứng xử lạ lùng và kỳ cục nếu không nói là thiếu chuẩn mực
đạo đức và luật pháp, mà chỉ duy nhất thấy ở lãnh đạo các quốc gia theo thể chế
độc tài, toàn trị!
Trong số 20 cựu sỹ quan
LLVT ký tên, người trẻ nhất nay cũng đã 77 tuổi, còn người cao tuổi nhất đã bước
sang tuổi đại thượng thọ: 103 tuổi! Đó là lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Ủy
viên Trung ương Đảng, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại TQ. Tướng Vĩnh vào
Đảng năm 1939, được phong hàm Thiếu tướng năm 1959! Trong tất cả sỹ quan cấp tướng
do đích thân Chủ tịch HCM tấn phong, cụ là người duy nhất còn sống cho đến nay!
Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh kể lại cho tôi chuyện sau: Lúc đương chức, cả 2 ông
Tư Sang và Ba Dũng đều cử phái viên đến thăm cụ. Một lần ông Ba Dũng cử 1 vị tướng
đến thăm với mục đích thẳng băng là yêu cầu cụ bớt phê phán và lên án ông ta!
Ông tướng này (chỉ bằng tuổi con cụ) nói: “Bác
nguyên là Trung ương Ủy viên, tôi cũng là nguyên Ủy viên Trung ương. Bác là sỹ
quan cấp tướng, tôi cũng cấp tướng!” Nghe đến đây, cụ bèn ngắt lời khách: “Không dám! Tôi vào Đảng khi anh còn chưa
sinh. Còn khi tôi được phong hàm tướng và tham gia BCHTW, có lẽ lúc đó anh mới chỉ
học cấp 1. Anh so sánh như vậy là khập khiễng! Vả lại khi tôi được phong tướng
và được bầu vào Trung ương, thời kỳ ấy Đảng ta còn rất trong sạch, chứ đâu như
bây giờ! Nay tất cả là do đồng tiền chi phối và quyết định, khác hẳn trước đây”!
Biết là thất thố và không thể đối đáp tiếp, ông tướng nọ vội vàng cáo lui, lẳng
lặng ra về!
Đến nay có 1/5 số ký
“Kiến nghị 20” đã rời cõi tạm về nơi vĩnh hằng! Đó là Thiếu tướng Lê Duy Mật và
4 đại tá: Bùi Văn Bồng, Phạm Hiện, Nguyễn Thế Trường và Lê Hồng Hà! Xin mạn
phép hỏi ông Tư Sang và Ba Dũng: Vì lý do gì mà các ông không phúc đáp và trả lời
4 vấn đề nêu trong “Kiến nghị 20” gửi các ông 4 năm trước? Thực sự là do đâu? Chắc
ở dưới suối vàng, 5 sỹ quan quá cố và khả kính kia sẽ không tha thứ cho 2 ông về
tội đã phớt lờ bổn phận và đạo lý của mình! Bốn yêu cầu trong “Kiến nghị 20”
đâu phải là những đòi hỏi vô lý, ngược lại đấy là những vấn đề rất thiết thực, nằm
trong khuôn khổ và phù hợp với Hiến pháp! Trong số ký “Kiến nghị 20” có nhiều
người đáng tuổi cha chú hai ông, họ góp phần xương máu trong 3 cuộc kháng chiến
chống ngoại xâm để các ông được cơ cấu “làm
đày tớ của dân” (lời Chủ tịch HCM)! Đảng bố trí các ông ngồi vào 2 trong 4
ghế tứ trụ triều đình để phục vụ ai? Các ông đã coi khinh, không lên tiếng trả
lời, vậy lương tâm các ông còn không? Các ông hành xử bất tín, bất nghĩa, vô chính
trị như vậy là ý muốn cá nhân hay theo chỉ đạo của ai đó, thưa 2 ông?
Mong rằng cách ứng xử thiếu
văn hóa, khiếm nhã và vô đạo lý nói trên sẽ không bao giờ lặp lại trong sinh hoạt
chính trị, nhất là trong tư duy của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta!
Hà Nội, ngày 2/9/2018.
N.Đ.Q.
(P/s: Xin mời quý độc giả đọc toàn văn bản “Kiến
nghị 20” dưới đây:)
KIẾN NGHỊ của
20 cựu sĩ quan LLVT
gửi Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ CHXHCN Việt Nam.
Ngày 2 tháng 9 năm 2014.
KÍNH GỬI:
- Chủ tịch nước Trương Tấn
Sang, Thống lĩnh các Lực lượng Vũ trang nhân dân,
Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Chúng tôi là những người
lính trọn đời “Trung với Nước, Hiếu với Dân”, luôn trăn trở với nhiệm vụ
bảo vệ Tổ quốc và Nhân dân. Đứng trước tình hình nghiêm trọng, đe dọa an ninh,
chủ quyền và sự phát triển của Quốc gia, chúng tôi vô cùng lo lắng và thấy cần
phải kiến nghị với Lãnh đạo Nhà nước một số điểm như sau.
1.
Lực lượng vũ trang mang tên Nhân dân phải luôn luôn vì Nhân dân, nên không được
huy động Quân đội và Công an vào bất cứ việc gì có hại cho Nhân dân. Sức mạnh
của Lực lượng vũ trang chỉ có được khi dựa vào Nhân dân, nên không được đánh
mất tín nhiệm đối với Nhân dân. Vì vậy, để bảo vệ uy tín của Quân đội là lực
lượng có nhiệm vụ hiến định “quốc phòng”, tức là bảo vệ Tổ quốc trước
ngoại xâm, cần chấm dứt ngay việc huy động Quân đội vào những sự vụ mang tính
đối kháng với Nhân dân, như giải tỏa đất đai, ngăn chặn các cuộc biểu tình yêu
nước ôn hòa… Để khôi phục uy tín của Công an, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ hiến
định “bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh
phòng, chống tội phạm”, tuyệt đối không lạm dụng lực lượng Công an vào việc
đàn áp những người dân vô tội, chỉ yêu cầu giải quyết quyền lợi hợp pháp của
mình.
2. Các chiến sĩ Lực
lượng vũ trang chỉ có thể yên tâm rèn luyện và sẵn sàng hy sinh xương máu để
bảo vệ Tổ quốc khi tin tưởng rằng cống hiến của họ luôn được Nhà nước ghi nhận
thỏa đáng và gia đình của họ sẽ được Nhà nước chăm sóc chu đáo. Việc cố tình
phớt lờ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 và mấy trận chiến
bảo vệ biển đảo không chỉ phủ nhận lịch sử, xúc phạm đồng bào và chiến sĩ đã hy
sinh xương máu vì Tổ quốc, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần và quyết
tâm chiến đấu của Lực lượng vũ trang. Đó là sai lầm không được phép tái phạm.
Để khắc phục hậu quả, phải nhanh chóng giải quyết những cách cư xử không đúng
đối với với thương binh và gia đình liệt sĩ. Đặc biệt, phải sớm khôi phục danh
dự và quyền lợi đã bị lãng quên của các liệt sĩ và thương binh đã hy sinh xương
máu trong chiến tranh biên giới phía bắc và ngoài biển đảo, gấp rút tu bổ các
nghĩa trang liệt sĩ dọc biên giới phía Bắc đã bị bỏ bê hơn hai chục năm qua.
3. Lực lượng vũ trang
cần được xác định rõ ràng và chính xác đối thủ, không thể mơ hồ biến thù thành
bạn hoặc coi bạn là thù. Đối tượng tác chiến của Quân đội phải là những thế lực
có thể đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong hiện tại và
tương lai, chứ không thể là những đối thủ đã thuộc về quá khứ. Đối tượng khống
chế của Công an phải là những kẻ tội phạm và các hành vi vi phạm hiến pháp,
pháp luật, dù ở trong hay ngoài bộ máy cầm quyền, chứ không thể là những người
dân vô tội. Lịch sử đã chỉ ra rằng Nhân dân ta phải thường xuyên đề cao cảnh
giác trước nguy cơ ngoại xâm từ nước láng giềng phương Bắc. Việc Trung Quốc hạ
đặt giàn khoan HD 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của của chúng ta, tuy nay đã
tạm rút đi, nhưng vẫn cho thấy họ không hề từ bỏ quyết tâm bá chiếm Biển Đông.
Lịch sử cũng cho thấy, sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều nước cựu thù đã
hợp tác với nhau rất hiệu quả và bền vững, ví dụ như mối quan hệ giữa CHLB Đức
và ba nước Mỹ, Anh, Pháp, giữa Nhật Bản và Mỹ, giữa Việt Nam và hai nước Pháp,
Nhật Bản. Do đó, không thể vì những quan niệm bảo thủ, giáo điều mà đánh mất
các cơ hội hợp tác với các cường quốc tiên tiến văn minh, nhằm phát triển kinh
tế, công nghệ, nâng cao sức mạnh quốc phòng và tăng cường sự ủng hộ quốc tế
trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.
4. Là người chủ và người
bảo vệ đất nước, Nhân dân và lực lượng vũ trang phải được biết chính xác hoàn
cảnh thực tế của Quốc gia. Vì vậy, Nhà nước phải báo cáo rõ ràng với Nhân dân
về thực trạng quan hệ Việt-Trung và về những ký kết liên quan đến lãnh thổ trên
biên giới, biển đảo và các hợp đồng kinh tế ảnh hưởng lớn đến an ninh và chủ
quyền của Quốc gia. Về Hội nghị Thành Đô, có tin nói rằng Tân Hoa xã và Hoàn
cầu Thời báo của Trung Quốc đã công bố nội dung thỏa thuận giữa hai bên, trong
đó trích dẫn: “Việt Nam mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu
vực tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho
Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây... Phía Trung Quốc đồng ý và chấp nhận đề nghị
nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt
Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các
dân tộc Trung Quốc”. Chúng tôi không biết thật giả thế nào, yêu cầu Chủ
tịch và Thủ tướng cho chúng tôi và nhân dân biết rõ thỏa thuận tại Hội nghị
Thành Đô năm 1990. Chuyến đi thăm Trung Quốc gần đây của đặc phái viên Tổng Bí
thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã thỏa thuận với phía Trung Quốc về ba nguyên tắc
chỉ đạo phát triển quan hệ Việt-Trung mà nội dung chỉ nhắc lại những câu sáo
ngữ, không nói gì tới thực trạng và các biện pháp chấm dứt các hành động ngang
ngược của thế lực bành trướng Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh
thổ của nước ta trong mưu đồ bá chiếm Biển Đông. Chưa biết bên trong còn có
những thỏa thuận cụ thể gì, nhưng toàn dân và toàn quân yêu cầu lãnh đạo Đảng
và Nhà nước có đối sách đúng đắn trước mưu đồ và hành vi xâm lược của thế lực
bành trướng Trong Quốc, không thể chấp nhận thái độ thể hiện sự thần phục họ, và
càng đòi hỏi phải công khai, minh bạch thực trạng quan hệ giữa hai bên.
Trên đây là mấy đòi hỏi
cấp bách, nhằm khôi phục uy tín của Quân đội và Công an trong Nhân dân, đồng
thời tăng cường sức chiến đấu của Lực lượng vũ trang, để có thể đáp ứng được những
thách thức to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
DANH SÁCH KÝ TÊN:
1. Lê Hữu Đức, Trung tướng,
nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu.
2. Trần Minh Đức, Thiếu
tướng, nguyên Phó Tư lệnh hậu cần Mặt trận Trị Thiên - Huế.
3. Huỳnh Đắc Hương, Thiếu
tướng, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào.
4. Lê Duy Mật, Thiếu tướng,
nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 2, cựu Chỉ huy trưởng Mặt trận
Vị Xuyên (Hà Giang) 1979-1984.
5. Bùi Văn Quỳ, Thiếu
tướng, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Binh chủng Tăng-Thiết giáp.
6. Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu
tướng, nguyên Chính ủy Quân khu 4.
7. Bùi Văn Bồng, Đại tá,
nguyên Trưởng Đại diện báo Quân đội Nhân dân tại khu vực Đồng bằng sông Cửu
Long.
8. Phạm Quế Dương, Đại tá,
nguyên TBT tạp chí Lịch sử Quân sự.
9. Nguyễn Gia Định, Nghệ sĩ
ưu tú Điện ảnh quân đội.
10. Lê Hồng Hà, nguyên
Chánh Văn phòng Bộ Công an, Ủy viên Đảng đoàn Bộ Công an.
11. Phạm Hiện, Đại tá,
nguyên Chánh Văn phòng B.68 Đoàn chuyên gia giúp Campuchia.
12. Phạm Xuân Phương, Đại
tá, nguyên chuyên viên Cục Nghiên cứu Tổng cục Chính trị.
13. Nguyễn Đăng Quang, Đại
tá, nguyên cán bộ Bộ Công an.
14. Đào Xuân Sâm, Cựu chiến
binh Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm khoa Quản lý kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia
Hồ Chí Minh.
15. Tạ Cao Sơn, Đại tá,
nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 2.
16. Đoàn Sự, Đại tá, nguyên
Phó Cục trưởng Cục Xuất bản Tổng cục Chính trị.
17. Lê Văn Trọng, Đại tá,
nguyên Trưởng Ban lịch sử Cục Nghiên cứu Bộ Tổng Tham mưu.
18. Nguyễn Thế Trường, Đại
tá, nguyên TBT báo Quân giải phóng Trung Trung bộ.
19. Nguyễn Văn Tuyến, Đại
tá, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên cán bộ Viện Lịch sử Quân sự.
20. Nguyễn Huy Văn (tức Kim
Sơn), Đại tá, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Phó Trưởng phòng Sở chỉ huy
Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu ./.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire