Một trong những điều khoản của Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU, vừa
được Ủy ban châu Âu thông qua tại Brussels, đưa ra yêu cầu về thúc đẩy dân chủ
và tôn trọng nhân quyền, một vấn đề được cho là đã cản trở tiến trình đàm phán
hiệp định này.
Thỏa thuận thị trường mở toàn diện đầu tiên của khối này với một nước châu
Á đang phát triển được Ủy ban châu Âu phê duyệt hôm 17/10 để chờ phê chuẩn của
các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu.
Bên cạnh việc cung cấp các cơ hội lớn về kinh tế, hiệp định thương mại này
còn đảm bảo đầu tư và phát triển phải song hành với thúc đẩy dân chủ và tôn
trọng nhân quyền.
Điều 6 của hiệp định này lưu ý: “Có một sự liên kết thể chế và pháp lý giữa
Hiệp định Thương mại Tự do và Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU-Việt Nam. Liên
kết này cho phép các biện pháp được coi là phù hợp trong trường hợp vi phạm
nhân quyền, bao gồm cả biện pháp đình chỉ Hiệp định Thương mại.”
Thương mại và nhân quyền
Tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) bắt đầu
từ 2013. Trong hai năm qua, cùng lúc với sự leo thang các hành động đàn áp nhắm
vào các nhà bất đồng chính kiến, nhiều phái đoàn ngoại giao Việt Nam đã đến
châu Âu để ráo riết thúc đẩy việc ký kết EVFTA. Đây cũng là một mục tiêu hàng
đầu trong các chuyến thăm châu Âu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng
Ba, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào tháng 4, và Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc bây giờ.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel trong cuộc gặp với ông Phúc ở Brussels hôm
17/10 cho biết chính phủ của ông ủng hộ việc sớm ký và phê chuẩn EVFTA.
Là người Việt Nam tôi cũng mong muốn được thông qua như vậy để giúp các
doanh nghiệp và người dân có công ăn việc làm và kinh tế phát triển. Nhưng
(tôi) cũng không hy vọng gì vào cái chuyện mở cửa này để nhà cầm quyền Việt Nam
thay đổi, cải thiện hơn sự độc tài của mình."
Huỳnh Ngọc Chênh, cựu nhà báo và blogger |
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ nhì của EU ở Đông Nam Á, chỉ sau
Singapore, trong khi EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của
Việt Nam với doanh thu hàng hóa đạt 47,6 tỷ euro (gần 54,8 tỷ USD).
Hai nhà hoạt động dân chủ trong nước nói với VOA họ cho rằng hiệp định này
sẽ tốt cho kinh tế Việt Nam và giúp quốc gia Đông Nam Á hội nhập sâu hơn với
thế giới. Tuy nhiên, theo họ, không thể kỳ vọng rằng hiệp định này sẽ giúp cải
thiện nhân quyền hay đem đến dân chủ ở Việt Nam.
“Là người Việt Nam tôi cũng mong muốn được thông qua như vậy để giúp các
doanh nghiệp và người dân Việt Nam có công ăn việc làm và kinh tế Việt Nam phát
triển," cựu nhà báo và blogger Huỳnh Ngọc Chênh nói với VOA. "Nhưng
(tôi) cũng không hy vọng gì vào cái chuyện mở cửa này để nhà cầm quyền Việt Nam
thay đổi, cải thiện hơn sự độc tài của mình."
Việt Nam đã ký nhiều hiệp ước với các tổ chức quốc tế như WTO và các tổ
chức về nhân quyền, nhưng chính phủ Việt Nam không tôn trọng những cam kết về
nhân quyền đã ký một khi đã đạt được mục đích, theo blogger Chênh, người trong
năm năm qua đã bị cấm xuất cảnh vì thể hiện những ý kiến chỉ trích chính phủ
trên mạng.
“Việc đàn áp những người bất đồng chính kiến ngày càng mạnh hơn. Những năm
trước những người bất đồng chính kiến chỉ bị vài năm tù nhưng bây giờ mức độ
đưa người ta vào tù vì bất đồng chính kiến lên rất nặng, từ 10 năm đến 20 năm,
như ông Lê Đình Lượng vì bảo vệ môi trường và biểu đạt chính kiến,” theo ông
Chênh.
Một tòa phúc thẩm hôm 18/10 y án 20 năm tù đối với ông Lượng với cáo buộc
“Lật đổ chính quyền nhân dân” – đây là mức án cao nhất cho những người tranh
đấu vì dân chủ ở Việt Nam.
Chủ động đấu tranh
Một số nước thành viên đã bày tỏ lo ngại về thành tích nhân quyền của Việt
Nam. Uỷ viên châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom, trong một cuộc họp
báo đã thừa nhận có vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
Những việc ký kết hay tham gia vào hiệp định thương mại tự do này sẽ mang
đến nhân quyền cho Việt Nam? Không có. Nhân quyền ở Việt Nam chỉ được cải thiện
với sự đấu tranh không ngừng nghỉ, không mệt mỏi của nhân dân Việt Nam.
Nguyễn Quang A, Tiến sỹ và nhà hoạt động dân chủ |
Tháng trước, 32 dân biểu quốc hội châu Âu đã đồng ký tên vào một bức thư
gửi tới Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu Federica Mogherini và bà
Malmstrom để yêu cầu khối này tăng sức ép buộc Việt Nam cải thiện thành tích
nhân quyền trước khi thông qua EVFTA.
Tuy vậy, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người tham gia buổi điều trần về nhân
quyền Việt Nam gắn với EVFTA ở Ủy ban Nghị viện EU hôm 10/10, cho rằng cần có
cách tiếp cận tích cực chứ không nên thụ động dựa vào sức ép quốc tế để buộc
Việt Nam cải thiện nhân quyền.
“Những việc ký kết hay tham gia vào hiệp định thương mại tự do này sẽ mang
đến nhân quyền cho Việt Nam? Không có. Nhân quyền ở Việt Nam chỉ được cải thiện
với sự đấu tranh không ngừng nghỉ, không mệt mỏi của nhân dân Việt Nam, tạo sức
ép 24/7 đối với chính quyền thì tình hình nhân quyền mới được cải thiện.”
Tiến sĩ Quang A từng tham gia các cuộc biểu tình chống thảm họa Formosa và
nhiều lần bị nhà cầm quyền Việt Nam cấm xuất cảnh, ông nói “sức ép của quốc tế
là rất đáng trân trọng nhưng đó chỉ là những nhân tố tạo thuận lợi mà thôi.”
Theo bà Malstrom, thỏa thuận thương mại “sẽ không làm cho Việt Nam bỗng
chốc trở thành một nền dân chủ.” Nhưng bà khẳng định “nó là một công cụ trong
hộp công cụ mà chúng tôi có trong quan hệ với Việt Nam và các nước khác.”
Nguồn: voatiengviet.com
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire