05/10/2018

VNTB - Trung Quốc: Tham thì thâm


Phạm Nguyên Trường dịch (VNTB) | Tác giả Brahma Chellaney | 




Đầu đề những bài báo có tính giật gân về cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc không được làm lu mờ những phản ứng dữ dội trên diện rộng nhằm chống lại các hoạt động thương mại, đầu tư và cho vay mang tính con buôn của của nước này. Trên thực tế, vị thế “ngồi mát ăn bát vàng” của Trung Quốc có thể sắp cáo chung.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (trái) cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh, ngày 20 tháng 8 năm 2018. Ảnh: AFP


Trong chuyến thăm chính thức gần đây tới Trung Quốc, Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad, đã chỉ trích nước chủ nhà là đã dùng những dự án cơ sở hạ tầng to lớn - và các khoản vay khó trả - nhằm khẳng định ảnh hưởng của nước này trước với các quốc gia nhỏ bé hơn. Những lời cảnh báo của Mahathir ở Bắc Kinh nhằm chống lại “phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân” được nhiều người chú ý vì được cho là táo bạo, đồng thời thể hiện được cuộc phản công trên diện nhắm chống lại các hoạt động hoạt động thương mại, đầu tư và cho vay mang tính con buôn của của nước này.


Từ năm 2013, dưới sự bảo trợ của chiếc ô mang tên “Sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường”, Trung Quốc đã tài trợ và triển khai các dự án to lớn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở các quốc gia trên thế giới nhằm làm cho quyền lợi của những nước này tương thích với quyền lợi của Trung Quốc, đồng thời giành được vị thế chính trị trong những khu vực chiến lược và xuất khẩu sản phẩm thặng dư của Trung Quốc. Bằng cách đấu thầu các dự án thiếu minh bạch và không công khai trong sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường, Trung Quốc thường xuyên thổi phồng quá mức giá trị của những dự án này, làm cho các nước phải gồng mình lên để trả nợ.



Khi các nước này bị rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc, họ có thể bị buộc phải thực hiện những giao dịch thâm chí còn tệ hơn để bù đắp cho chủ nợ vì những khoản nợ không thể nào trả nổi. Đáng chú ý nhất, tháng 12 năm ngoái, Sri Lanka buộc phải chuyển hải cảng Hambantota, có tính chiến lược, do Trung Quốc xây dựng cho Trung Quốc theo hợp đồng thuê kéo dài 99 năm, chẳng khác gì chế độ thực dân, vì nước này không còn khả năng trả nợ.



Kinh nghiệm của Sri Lanka là hồi chuông cảnh tỉnh cho các quốc gia khác đang mắc những khoản nợ lớn với Trung Quốc. Sợ rằng mình cũng có thể mất những tài sản có tính chiến lược, các nước này hiện đang cố gắng loại bỏ, giảm quy mô hoặc thương lượng lại các hợp đồng. Mahathir, người từng mở đường cho các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Malaysia, đã kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh bằng cách hủy bỏ các dự án của Trung Quốc trị giá gần 23 tỷ USD.



Các nước khác như Bangladesh, Hungary và Tanzania cũng đã hủy bỏ hoặc thu nhỏ các dự án thuộc sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường. Myanmar, hy vọng sẽ bảo đảm được cơ sở hạ tầng mà họ đang cần nhưng không bị rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc, đã đe dọa hủy bỏ và đã đàm phán, giảm chi phí xây dựng cảng Kyaukpyu từ 7,3 tỷ USD xuống còn 1,3 tỷ USD.



Ngay cả các đối tác gần gũi nhất của Trung Quốc cũng đang phải cảnh giác với sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường. Pakistan, từng cộng tác lâu dài với Trung Quốc nhằm kiềm chế Ấn Độ và là nước nhận tài trợ Một Vành Đai, Một Con Đường lớn nhất, chính phủ mới được giới quân sự hậu thuẫn đã tìm cách xem xét lại hoặc đàm phán lại các dự án nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ đang xấu đi. Ở Campuchia, một nước vay nợ hàng đầu khác của Trung Quốc, lo ngại về việc trở thành thuộc địa của Trung Quốc cũng đang gia tăng.



Ở những nơi khác cũng có những phản ứng dữ dội như thế. Hội nghị Các Đảo Thái Bình Dương hằng năm trong thời gian gần đây là một trong những Hội nghị gây ra nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử của nó. Chính sách của Trung Quốc đối với khu vực, cùng với hành vi của lãnh đạo phái đoàn Trung Quốc tại chính sự kiện này, đã thúc đẩy tổng thống Nauru - nước cộng hòa nhỏ nhất thế giới, chỉ với 11.000 dân - lên án sự hiện diện “đầy kiêu ngạo” của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương. Ông tuyên bố, Trung Quốc không thể “ra lệnh cho chúng ta.”



Về lĩnh vực thương mại, cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang của Tổng thống Mỹ, Donald Trump, chống lại Trung Quốc đang giành hết đầu đề các bài bái, nhưng mục đích của Trump đi xa hơn hẳn việc phê phán Trung Quốc. Với các chính sách khác nhau, từ trợ cấp xuất khẩu và hàng rào phi thuế quan đến vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ và hướng thị trường trong nước về phía có lợi cho các công ty Trung Quốc, Trung Quốc, theo lời của Graham Allison ở Đại học Havard, là “nền kinh tế có tính bảo hộ, trọng thương và trấn lột lớn nhất trên thế giới”.



Là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước. Bắc Kinh đã tận dụng vai trò này bằng cách sử dụng thương mại để trừng phạt những nước không chịu tuân theo ý mính, trong đó có cấm nhập khẩu một số sản phẩm cụ thể, ngăn chặn xuất khẩu những mặt hàng chiến lược (ví dụ, đất hiếm), chặn đứng du lịch từ Trung Quốc và khuyến khích người tiêu dùng trong nước tẩy chay hoặc biểu tình phản đối các doanh nghiệp nước ngoài.



Thực tế là Trung Quốc đã trờ thành đất nước đầy sức mạnh và giàu có bằng cách không tuân thủ luật lệ thương mại quốc tế. Nhưng giờ đây, nước này đang nhận lãnh hậu quả, vì ngày càng có nhiều nước áp đặt thuế chống bán phá giá hoặc thuế nhập khẩu mang tính trừng phạt đối với hàng hóa của Trung Quốc. Và, khi nhiều nước cảm thấy lo lắng về trước việc Trung Quốc sẽ buộc phải theo ý mình bằng cách lôi họ vào bẫy nợ, sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường sẽ không còn suôn sẻ như xưa nữa.



Ngoài thuế nhập khẩu của Trump, EU đã đệ đơn khiếu nại lên WTO về việc Trung Quốc buộc phải chuyển giao công nghệ, coi đấy là điều kiện để được tiếp cận thị trường. Các khoản trợ cấp xuất khẩu của Trung Quốc và các hoạt động làm méo mó thị trường khác được lập ra nhằm đối phó với sự phản đối quốc tế ngày càng lớn hơn. Theo quy định của WTO, các nước có thể áp đặt thuế nhập khẩu đối với món hàng hóa được trợ cấp từ nước ngoài mà chó thể làm thiệt hại cho các ngành sản xuất ở trong nước.



Hiện nay, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, không những phải bảo vệ Một Vành Đai, Một Con Đường, sáng kiến trong chính sách đối ngoại của chính ông ta, mà còn đối mặt với những lời chỉ trích trong nước – dù đã bị bịt miệng – về việc phô trương tham vọng toàn cầu của Trung Quốc và do đó, tạo ra phản ứng quốc tế dữ dội, mà Mỹ chính là người lãnh đạo. Tập Cận Bình đã bỏ qua châm ngôn nổi tiếng nhất của Đặng Tiểu Bình: “Ẩn mình chờ thời”. Thay vào đó, Tập Cận Bình quyết định theo đuổi chiến lược hung hăng không cần che đậy, làm cho nhiều người tự hỏi liệu Trung Quốc có đang nổi lên như một đế quốc kiểu mới hay không.



Thương mại quốc tế đã mang về cho Trung Quốc những lợi ích to lớn, tạo điều kiện cho nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời cũng làm cho hàng trăm triệu người thoát cảnh đói nghèo. Đất nước này không thể cho phép mình đánh mất những lợi ích đó trước phản ứng quốc tế nhằm chống lại các hoạt động thương mại và đầu tư không công bằng của chính mình.



Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối nhằm tài trợ cho việc mở rộng vị thế của mình trên toàn thế giới làm cho nước này dễ bị tổn thương hơn trước những phản ứng hiện nay. Trên thực tế, nếu Trung Quốc thay đổi chiến lược và tuân thủ luật lệ quốc tế, thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối sẽ bị ảnh hưởng. Tóm lại, dù chọn biện pháp nào, thời kì “ngồi mát ăn bát vàng” của Trung Quốc có thể sắp cáo chung.



Brahma Chellaney, Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở ở New Delhi và cộng tác viên Học viện Robert Bosch ở Berlin, là tác giả của chín cuốn sách, trong đó có Asian Juggernaut, Water: Asia’s New Battleground, and Water, Peace, and War: Confronting the Global Water Crisis.



 Nguồn: Project-syndicate

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire