Xuân Dương: "Bên cạnh các lỗi cũ như “Lỗi đánh máy”, “Lỗi văn thư”, “Lỗi bàn phím”, “Lỗi
soạn thảo”,… cũng nên đưa thêm vào đó các loại lỗi dự kiến sẽ được sử dụng
trong tương lai, chẳng hạn “Lỗi văn phong”, “Lỗi hành văn”, “Lỗi ngữ pháp” và
không nên quên cả “Lỗi mổ cò”!
(GDVN) - Làm công chức Bộ Giáo dục và Đào tạo sai sót đáng tiếc xảy ra như
cơm bữa, nếu kỷ luật hết thì lấy ai làm việc?
Khi còn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phạm Vũ Luận từng lý giải
chuyện bộ này dự trù xin kinh phí 34.000 tỷ đồng đổi mới chương trình, sách
giáo khoa giáo dục phổ thông như sau:
“Trong Tờ trình của Chính phủ và các tài
liệu liên quan gửi lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có con số này cũng như
bất kỳ con số nào về kinh phí”.
Cấp dưới của ông Luận là ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ
thông, thường trực Ban soạn thảo Đề án được báo chí trích ý kiến như sau:
“Trong 34.275 tỷ đồng có đến 7-8 đầu
việc. Mà bản thân người xây dựng đề án cũng không nhớ chính xác được khái toán
chi tiết cho từng đầu việc”. [1]
Ông Phạm Vũ Luận thừa nhận “Đây là một sai sót đáng tiếc” bởi lý do bất khả
kháng là ông không có mặt ở nhà, ông đang công tác ở nước ngoài, đây là do cấp
dưới thực hiện.
Có điều sau đó không thấy ai phải chịu trách nhiệm về “sai sót đáng tiếc”
này.
Có lẽ “đáng tiếc” nhất là số tiền trên đã không được duyệt!
Làm công chức Bộ Giáo dục và Đào tạo sai sót đáng tiếc xảy ra như cơm bữa,
nếu kỷ luật hết thì lấy ai làm việc?
Để tránh bị cho là nhận định chủ quan, xin kể thêm những sự “đáng tiếc”
khác, chẳng hạn chuyện cả xã hội dậy sóng vì quyết định “Cộng điểm ưu tiên cho
Bà mẹ Việt Nam anh hùng thi thi tuyển đại học, cao đẳng” hay hay chuyện phong
giáo sư, phó giáo sư vừa xảy ra hồi đầu năm 2018 mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu
cầu xem xét trách nhiệm.
Khi câu chuyện 34 nghìn tỷ nêu trên xảy ra ông Phạm Vũ Luận giải thích “Vào những ngày Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức cuộc giải trình, tôi phải
đi công tác nước ngoài trên cương vị Chủ tịch hội đồng bộ trưởng giáo dục các
nước ASEAN nên không thể tham gia trực tiếp”.
Ngược lại, câu chuyện mới nhất là dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy
định sinh viên bán dâm lần thứ tư (hiện cũng đã được làm rõ là có lỗi và bị
loại bỏ-nv) thì bị đuổi học xảy ra ngay trong thời gian Bộ trưởng Bộ Giáo dục
và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ họp Quốc hội và phải trả lời chất vấn của các đại
biểu về nhiều bất cập của giáo dục.
Phải chăng đây cũng là “sai sót đáng tiếc” hay có gì đó còn hơn thế, nghĩa
là cấp dưới của Bộ trưởng Nhạ không được “tế nhị” cho lắm khi chọn thời điểm để
“xin ý kiến” dư luận về chuyện bán dâm của sinh viên?
Có điều dù Bộ trưởng ở nước ngoài hay trong nước thì cấp dưới vẫn làm và
hình như cả hai trường hợp hai vị Bộ trưởng đều không “tham gia trực tiếp””?
Dự án trình Quốc hội và Thông tư của Bộ mà hai vị Bộ trưởng không “tham gia trực tiếp” thì thứ trưởng nào phải chịu trách
nhiệm?
Vì dự thảo không hề có “Lỗi đánh máy”, bản đăng trên Cổng thông tin điện tử
thì không thể có “Sơ xuất in ấn” nên mới xuất hiện một loại “lỗi” mới là “Lỗi
cập nhật”?
Mà nói đến “Lỗi cập nhật” tại Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có phải mới chỉ
xảy ra lần đầu?
Trong bài viết về vụ gian lận thi cử tại một số địa phương mùa hè năm 2018
[2], người viết đã tìm kiếm Quyết định thành lập và danh sách thành viên “Ban
Chỉ đạo thi trung học phổ thông quốc gia”.
Mặc dù tìm thấy số Quyết định này (Quyết định số 1277/QĐ-BGDĐT) nhưng không
thể tìm được văn bản dù đã bỏ nhiều công sức tìm kiếm.
“Lỗi cập nhật” văn bản mới có phải là nguyên nhân chính khiến Thứ trưởng
Nguyễn Thị Nghĩa phải lên tiếng giải thích? Và cũng có phải là nguyên nhân
khiến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ xem xét kỷ luật những người làm
sai?
Báo Infonet.vn dẫn ý kiến của đại biểu Quốc hội tại diễn đàn Quốc hội ngày
30/10/2018 như sau:
“Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phó giám
đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Phú Yên) đánh giá dự thảo thông tư ban
hành quy chế công tác học sinh sinh viên có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở
và đi ngược lại mục tiêu giáo dục.
Nhiều cử tri nghi ngờ về năng lực, tâm
lực, uy lực của bộ máy giáo dục hiện nay.
Xin bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản
lý của mình khi thường xuyên nêu quan điểm sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử
lý nghiêm, rút kinh nghiệm, song rồi tiếp tục sai. Giải pháp nào để duy trì sự
tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay".
Có lẽ nên có sự phân biệt các phạm trù “năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy giáo dục” bởi “Bộ máy giáo dục”
của một quốc gia bao gồm nhiều yếu tố hợp thành, chẳng hạn cơ chế, chính sách,
chủ trương đường lối vĩ mô và mối quan hệ giữa giáo dục với các lĩnh vực khác,…
Uy lực của bộ máy giáo dục thời gian qua quả thật quá yếu vì Bộ Giáo dục và
Đào tạo chỉ quản lý nội dung, chương trình mà không quản lý con người và ngân
sách (trừ một số lượng nhỏ các trường do bộ này chủ quản).
Ảnh chụp màn hình Cổng Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 31/10/2018 |
Riêng “năng lực, tâm lực” thì lại chỉ liên quan
đến con người và người viết cũng đồng tình với ý kiến đại biểu Phạm Thị Minh
Hiền, rằng việc để xuất hiện không ít văn bản “tai tiếng” tại Bộ Giáo dục và
Đào tạo cho thấy người dân nghi ngờ “năng lực và tâm lực” của một bộ phận chuyên
viên, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo là có cơ sở.
Sau những lùm xùm gian lận thi cử trong kỳ thi
trung học phổ thông quốc gia 2018 tại một số tỉnh, ngày 31/10/2018 tra cứu
thông tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn thấy có tin:
“Kỳ thi THPT Quốc gia 2017: Đổi mới tích cực, gọn nhẹ, thiết thực, khách
quan, công bằng (Nguồn VTV1)”?
Nếu quả thật kỳ thi năm 2017 là “tích cực, gọn nhẹ, thiết thực khách quan,
công bằng” thì vì sao không phát huy “thành tích” nay mà để kỳ thi 2018 công an
phải bắt giam hàng loạt cán bộ, phải xem xét kết quả của hàng loạt thí sinh?
Nếu quả thật kỳ thi đã “Đổi mới tích cực, gọn nhẹ, thiết thực” thì vì sao
năm 2019 sẽ lại thay đổi cách chấm thì (theo cụm)?
Đây có phải “Lỗi cập nhật” thông tin hay chỉ vì thông tin này của Đài
Truyền hình Việt Nam có lợi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cần giữ lại?
Chỉ cần đọc báo cáo tổng kết năm học 2017 của Bộ đã thấy không ít “sạn” về
số liệu, bố cục cũng như khả năng tổng hợp, về điều này người viết đã đề cập
trong bài “Nhìn vào những con số trong báo cáo của Bộ Giáo dục”. [3]
Bộ Giáo dục và Đào tạo không chỉ là cơ quan quản lý nhà nước ngành giáo dục
mà còn là cơ quan soạn thảo một số dự án luật và văn bản quy phạm pháp luật.
Vì dự thảo luật được nhiều cơ quan, cá nhân góp ý nên chắc sẽ ít “Lỗi cập
nhật văn bản”, vấn đề nằm ở chỗ có hay không “Lỗi cập nhật kiến thức” của những
người chắp bút?
Nếu “Lỗi cập nhật kiến thức” được lặp đi lặp lại thì lấy gì bảo đảm Luật
Giáo dục đang chuẩn bị sửa đổi không lặp lại vết xe của Bộ Luật Hình sự, Luật
Bảo hiểm,…?
Nói một cách công bằng, tất cả những lỗi liên quan đến giáo dục không thể
một mình Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu, song những lỗi xuất hiện trong các
văn bản quy phạm pháp luật thì không thể đổ cho ai khác ngoài cơ quan bộ, nói
chính xác là những nhân sự mà Bộ Giáo dục hiện có.
Chừng nào còn đó những con người xem “Lỗi cập nhật kiến thức” là của ai đó
chứ không phải của mình thì chừng đó những văn bản bị “lỗi cập nhật” vẫn còn
xuất hiện và không biết đến lúc đó xuất hiện thêm kiểu “lỗi” gì mới?
Người viết xin phép gợi ý các vị lãnh đạo giáo dục nên lập dự án xây dựng
bộ “Từ điển lỗi” dùng cho công tác văn phòng.
Bên cạnh các lỗi cũ như “Lỗi đánh máy”, “Lỗi văn thư”, “Lỗi bàn phím”, “Lỗi
soạn thảo”,… cũng nên đưa thêm vào đó các loại lỗi dự kiến sẽ được sử dụng
trong tương lai, chẳng hạn “Lỗi văn phong”, “Lỗi hành văn”, “Lỗi ngữ pháp” và
không nên quên cả “Lỗi mổ cò”!
Và lỗi gì thì lỗi, cũng không thể bỏ qua suy nghĩ rằng: Có hay không một âm
mưu phá hoại từ chính bên trong?
Tài liệu tham khảo:
[1]
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/thu-thanh-minh-cho-so-xuat-34000-ty-cua-bo-giao-duc-3035189/
[2]http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Giao-duc--Van-de-khong-nam-o-Ha-Giang-1-post188179.gd
[3]
http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Nhin-vao-nhung-con-so-trong-bao-cao-cua-Bo-Giao-duc-post179227.gd
Xuân Dương
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire