09/02/2019

Lưỡi dao Trung Quốc tại châu Phi: Các khoản vay


The New York Times International Edition

Monday, January, 14, 2019

Nguyên tựa bài báo: China’s edge in Africa: Loans

Tác giả bài báo: Edward Wong

Người dịch: Du Lam

Từ năm 2000 đến 2014, quốc gia này đã tiếp nhận ít nhất là 1,24 tỷ đô la trong các khoản vay của Trung quốc, và hiện nay họ đang tìm cách vay thêm một khoản nữa là 2,2 tỷ đô la cho ngành đường sắt.
(ảnh minh họa của Dân Quyền)


Hoa Kỳ lên án ‘bẫy nợ”, cái mà đã khiến cho các nhà thầu gặp khó khăn hơn trong công cuộc cạnh tranh.

Lớn lên ở ngoại ô bang Ohio, Rajakumari Jandhyala chưa bao giờ tưởng tượng được rằng bà sẽ làm công việc kinh doanh dầu mỏ, mà lại càng ít tưởng tượng được hơn rằng việc công việc kinh doanh dầu mỏ ấy sẽ diễn ra trên chiến tuyến cạnh tranh toàn cầu của Mỹ với Trung Quốc. Đã dành hai thập kỷ để làm cố vấn chính sách cho châu Phi, gần đây nhất bà lại là một quan chức phụ trách công tác viện trợ trong chính quyền Obama.


Nhưng vào năm 2016, bà đã nghe thấy người ta nói về một cuộc gọi thầu xây dựng một nhà máy lọc dầu ở Uganda, có thể là lớn nhất ở Đông Phi, và bà đã nộp đơn tham gia đấu thầu. Bà đã đến Kenya với tư cách là một nhà đầu tư. Bà đã tuyển dụng các nhân viên điều hành cao cấp dầu khí từ hãng GE (General Electric). Một nhà thầu Ý cũng tham gia vào nhóm các công ty tạo thành một tập đoàn.

Vấn đề chính là những lợi thế lớn lao của những người tham gia đấu thầu: hai công ty năng lượng của Trung Quốc, mà một trong số họ llại à một công ty đại gia dầu mỏ nhà nước với sự hỗ trợ của Bắc Kinh.

Trung quốc đang ráo riết tìm kiếm các dự án đầu tư và các hợp đồng trên khắp thế giới, và có lẽ không nơi nào mà có thể nhận thấy điều đó một cách rõ ràng hơn là ở Châu Phi, nơi mà các công ty Trung Quốc đã giành được các hợp đồng xây dựng các đập thủy điện, đường sá, sân vận động, sân bay và đường sắt. Hết quốc gia này đến quốc gia khác, các chính phủ đã vay nợ rất nhiều từ Trung Quốc để thanh toán cho các dự án này.

Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Châu Phi là trọng tâm của Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường (một cách dịch khác: Nhất đới Nhất lộ - người dịch) được khởi xướng bởi Tổng Chủ Tập Cận Bình, một chương trình trị giá hàng nghìn tỷ đô la để xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh trên toàn cầu.

Chính quyền Trump cáo buộc Trung quốc là đã tiến hành một sự cho vay mang tính chất cướp bóc nhằm gài bẫy nợ đối với các quốc gia này, sau đó thôn tính các tài sản chiến lược như các cảng biển và truyền bá các thói hư tật xấu như tệ đoan tham nhũng và chuyên quyền, độc đoán. Để đáp lại, Hoa Kỳ đã tuyên bố các nỗ lực nhằm trợ giúp các doanh nghiệp Mỹ trong công cuộc cạnh tranh.

“Chúng tôi tối ưu hóa các chương trình tài chính và phát triển quốc tế, mang đến cho các quốc gia nước ngoài một sự thay thế công bằng và minh bạch đối trọng với nền ngoại giao bẫy nợ của Trung quốc”, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã nói như vậy trong một bài phát biểu vào hồi tháng Mười. Nhà Trắng cũng đã công bố một chiến lược châu Phi nhắm vào Trung quốc.

Ý tưởng là nhằm thách thức chương trình cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, đồng thời cũng nhằm đẩy lùi các hoạt động thương mại, tấn công mạng và mở rộng các cơ sở quân sự và sự hiện diện tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương (của TQ). Nhưng mối đe dọa từ Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường đối với lợi ích của Mỹ là điều đang còn phải tranh cãi, và không rõ Hoa Kỳ cần phải - hoặc có thể - tham gia cạnh tranh đến mức nào. Các khoản tiền mà chính quyền Trump dành riêng cho các chương trình của Mỹ chỉ là số lẻ trong những cam kết của Bắc Kinh.

Tại châu Phi, các doanh nghiệp Mỹ hầu như vắng bóng trong khi các công ty Trung quốc đã bắt chặt rễ tại đất này, nuôi dưỡng các đồng minh hùng mạnh thông qua các phương tiện hợp pháp và cả bất hợp pháp. Một số các phương tiện nhắm tới các quan chức châu Phi đơn lẻ và các thành viên gia đình của họ với việc hối lộ bằng tiền mặt hoặc trả tiền cho các hợp đồng dịch vụ, như đại diện pháp lý hoặc bảo hiểm.

Hồ sơ đấu thầu dự án nhà máy lọc dầu trị giá 4 tỷ USD của bà Jandhyala là một trường hợp điển hình mà Hoa Kỳ thường phải đối mặt khi họ cố gắng thi đấu mặt đối mặt với Trung quốc trong công cuộc phát triển cơ sở hạ tầng - và trong điều kiện mà các công ty Mỹ có thể thắng thế.

Công cuộc cạnh tranh đã lên đỉnh điểm vào hồi đầu năm ngoái, khi bà Jandhyala và các giám đốc điều hành các tập đoàn khác đối mặt trong một phòng hội nghị bên hồ Victoria để chống lại các quan chức Uganda ủng hộ các công ty Trung quốc. Yoweri Museveni, tổng thống người hùng của Uganda trong suốt 33 năm qua, đã triệu tập một cuộc họp ngay trong khuôn viên dinh thự của ông để cố gắng giải quyết cuộc tranh chấp gay gắt này.

Như một dấu hiệu của cuộc đấu đá nội bộ dữ dội, cơ quan tình báo nội địa của Uganda đã điều tra ba quan chức được cho là ủng hộ tập đoàn Mỹ và đặt vấn đề nghi ngờ khả năng tài trợ của họ (tập đoàn Mỹ) đối với dự án này, theo bản sao của một báo cáo của cơ quan này mà phóng viên New York Times đã được nhìn thấy.

Trong một bài phát biểu vào hồi tháng Tư, ông Museveni đã ca ngợi các công ty phương Tây vì cuối cùng thì họ cũng đã tỉnh thức và đã đến với châu Phi. Nhưng ông cũng lưu ý rằng “người Trung Quốc đã tỉnh thức - họ thực sự, thực sự, thực sự rất năng động và ngay và luôn”.

“Vì vậy, tại sao không tận dụng lợi thế của cả hai?” - ông Museveni đặt câu hỏi



Tranh giành phần thưởng

(Vùng) hồ lớn châu Phi từ lâu đã cám dỗ những người bên ngoài tìm kiếm sự giàu có, bao gồm cả các quốc gia châu Âu, những quốc gia mà đã bắt đầu cướp bóc lục địa đen này từ hồi thế kỷ 19. Nhưng vào năm 2006, bốn thập kỷ sau khi chấm dứt sự cai trị của người Anh ở Uganda, một phần thưởng chưa được khai thác bởi các chế độ thực dân đã được phát hiện: các mỏ dầu bên hồ Albert là những mỏ nằm trong số những mỏ lớn nhất ở Đông Phi, đủ để biến đổi nhiều phần của đất nước nghèo khổ Uganda.

Chính phủ Museveni đã nhiều năm đàm phán với các công ty nước ngoài trước khi đồng ý một kế hoạch khai thác và xây dựng một đường ống phía đông nam dẫn đến bờ biển Tanzania, nơi dầu thô có thể được vận chuyển đi khắp thế giới.

Nhưng ông Museveni cũng khăng khăng xây dựng một nhà máy lọc dầu ở Uganda để giảm bớt sự phụ thuộc của khu vực vào nhiên liệu nhập khẩu. Lúc đầu, hợp đồng đã đến với những người Nga, nhưng sau đó họ đã rút lui.

Bà Jandhyala, 53 tuổi, đã nghe nói về kế hoạch của một chuyến đi có tính chất thăm dò tới Uganda vào năm 2016, chuyến thăm đầu tiên của bà kể từ một thập kỷ trước đó bà làm việc cho văn phòng của thủ tướng Uganda với tư cách là cố vấn về tiến trình hòa bình để chấm dứt cuộc nổi dậy.

Từ một không gian làm việc chung ở Washington, bà đã tuyển dụng các đối tác cho những gì mà bà hy vọng sẽ là dự án đầu tiên cho Yaatra Ventures, được bà thành lập vào năm 2015 để đầu tư vào cơ sở hạ tầng châu Phi.

Bà nói “Với G.E., đây là một công ty Mỹ, một công ty mà có thể mang tới những khả năng”.

Bà không phải là người duy nhất cảm nhận được cơ hội. Uganda đã nhận được hơn 40 lời đề nghị được tham gia xây dựng nhà máy lọc dầu.

Một nhà thầu hàng đầu có tên là Dongsong, một công ty tư nhân chuyên về thủy điện và khai thác có trụ sở tại thành phố Quảng Châu, miền nam Trung quốc. Một đề nghị được nêu lên mà không đi theo các kênh (quy trình) chính thức là đến từ Tập đoàn Dầu khí Hải ngoại Quốc gia Trung quốc, (the China National Offshore Oil Corporation, viết tắt là CNOOC), công ty dầu khí nhà nước lớn nhất thứ ba (của TQ).

Cả hai công ty đều có văn phòng tại Kampala, thủ đô của Uganda và trong nhiều năm đã làm việc chặt chẽ với Bộ Phát triển Năng lượng và Khoáng sản. Dongsong đang xây dựng một nhà máy chế biến quặng phốt-phát và phân bón trị giá 620 triệu đô la ở miền đông Uganda. CNOOC là một trong ba công ty nước ngoài đã đạt được thỏa thuận khai thác dầu.

Nhưng các đề xuất của họ bao gồm các điều khoản nặng nề, theo các cuộc phỏng vấn và đánh giá nội bộ của chính phủ (Uganda) mà phóng viên bản báo The New York Times có được nhìn thấy.

Công ty Dongsong thì muốn có một khoản vay do nhà nước (Uganda) bảo lãnh - điều khoản này có nghĩa là chính phủ Uganda phải chịu trách nhiệm về khoản nợ này nếu dự án thất bại - và khăng khăng đòi hỏi rằng 60% nhân công lao động và nguyên liệu phải được nhập khẩu từ Trung Quốc. CNOOC, trong khi đó, lại muốn được quyền tiếp cận nhiều hơn vào các mỏ dầu.

Công ty Hoa Kỳ lại có một tư duy tiếp cận khác, đề xuất rằng công ty dầu khí nhà nước Uganda và các quốc gia Đông Phi khác sẽ sở hữu tới 40% cổ phần của công ty tư nhân mới, công ty mà sẽ xây dựng và điều hành nhà máy lọc dầu. Công ty Hoa Kỳ sẽ tài trợ cho dự án bằng cách bán cổ phần cho các nhà đầu tư cũng như bằng cách đi vay, nhưng nó không yêu cầu nhà nước Uganda phải bảo lãnh các khoản vay này.

Những điều khoản đề xuất của công ty Mỹ có nghĩa là ít rủi ro về nợ hơn đối với Uganda, nhưng đã có những câu hỏi về khả năng huy động vốn đối với công ty này của Mỹ. Ngược lại, các hồ sơ dự thầu của Trung quốc đã hứa tài trợ ngay lập tức từ các ngân hàng nhà nước Trung Quốc. Và tại Bộ năng lượng, các quan chức của Bộ này là những ủng hộ viên lâu năm của các công ty Trung Quốc.

Robert Kasande, một quan chức hàng đầu của bộ năng lượng cho biết “Rốt cuộc, chúng tôi phát triển rất nhiều dự án đòi hỏi vốn đầu tư cơ bản rất lớn. Chúng tôi rất cần tài chính. Người Trung quốc có thể đáp ứng nhu cầu đó”.



‘Hãy nhớ tên tôi'

Những người lính Uganda với những khẩu tiểu liên AK đứng bảo vệ tổng hành dinh của Dongsong tại Campala, một biệt thự trên đỉnh đồi với một bể bơi và tầm nhìn bao quát thủ đô. Lü Weidong, người sáng lập công ty, hàng năm lại bay sang đây vài lần để giải quyết công việc.

Ông Lü Weidong ngồi sau một chiếc bàn trà bằng gỗ hồng được khảm những con rồng trong văn phòng tại Trung quốc của ông ấy và nói rằng “Tham vọng lớn nhất của tôi là khi tôi đi bộ vào các ngôi làng ở Uganda, thì dân làng sẽ xếp hàng và chào đón tôi bằng những tràng pháo tay. Tôi hy vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển công nghiệp của Uganda và để lịch sử của Đông Phi và Uganda sẽ ghi nhớ tên tôi”.

Gầy gò, đầu hói và ăn chay, ông Lü nhân cách hóa chiến lược “vươn ra biển lớn” của Bắc Kinh, chiến lược này khuyến khích các doanh nghiệp Trung quốc xác lập vị thế của họ trên trường quốc tế. Sau khi tập trung vào các dự án thủy điện trong nước, Dongsong tìm kiếm các cơ hội trong ngành khai khoáng ở hải ngoại.

Ông Lü, 50 tuổi, một cựu giám đốc ngân hàng, là một thành viên thuộc cơ quan tư vấn chính trị do đảng cộng sản TQ kiểm soát (Tức là Hội nghị chính trị hiệp thương TQ, thường gọi tắt là Chính Hiệp – người dịch), cho biết ông đã mạo hiểm tới Uganda sau một cuộc gặp gỡ tình cờ với tổng lãnh sự (Uganda) tại Quảng Châu. Sau đó ít lâu, ông đã có được một thỏa thuận trong lĩnh vực khai khoáng. “Mọi quyết định đều được quyết định bởi thiên đàng”, ông nói.

Ông Lü gây ấn tượng với nhóm bằng các bài thuyết trình khéo léo và bằng những chuyến xe buýt đưa đón đúng giờ, một quan chức trong chuyến đi cho biết như vậy. Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng tập đoàn Dongsong, bao gồm một công ty nhà nước Trung quốc có kinh nghiệm xây dựng các nhà máy lọc dầu tại châu Phi.

Dongsong cũng giành được một lời hứa tài trợ từ một trong những ngân hàng nhà nước lớn nhất Trung Quốc – với điều kiện là Uganda phải bảo lãnh cho khoản vay này.

Mô hình này là mô hình phổ biến trên khắp châu Phi, nơi mà các khoản vay từ các ngân hàng nhà nước Trung Quốc tài trợ cho sự bùng nổ xây dựng, phần lớn là bởi các công ty và công nhân Trung Quốc. Những khoản vay này thường bao hàm những điều khoản ngặt nghèo hơn so với các gói viện trợ của Ngân hàng Thế giới. Mặc dù lãi suất có thể thấp, nhưng quốc gia vay phải trả nợ nhanh hơn nhiều, theo AidData, một trung tâm nghiên cứu tại William và Mary, một trường đại học thuộc Williamsburg, bang Virginia (Mỹ).

Điều này khiến cho một số quốc gia gặp phải nguy cơ cao trong vấn đề khủng hoảng nợ, các nhà phân tích nói. Ví dụ, ở Kenya, một ngân hàng Trung quốc có thể tiếp quản một cảng biển nếu Nairobi không trả được một khoản vay 3,2 tỷ đô la cho một dự án đường sắt.

Các nhà phân tích nói rằng gánh nặng nợ nần của Uganda là có thể xử lý được, mặc dù nước này đã gia tăng các khoản vay. Từ năm 2000 đến 2014, quốc gia này đã nhận được ít nhất 1,24 tỷ đô la trong các khoản vay của Trung quốc, AidData cho biết như vậy. Hồi năm 2015, họ đã đồng ý vay thêm 1,9 tỷ đô la cho hai con đập được xây dựng bởi các công ty Trung quốc, và hiện tại họ đang tìm kiếm thêm một khoản vay 2,2 tỷ đô la cho ngành đường sắt.

Ngoài ra, Dongsong còn được hưởng những lợi thế độc nhất trong cuộc đấu thầu xây dựng một nhà máy lọc dầu.

Kể từ năm 2013, Dongsong đã thuê Abmak Associates làm cố vấn pháp lý tại Uganda cho nó, theo hồ sơ của công ty.

Giám đốc điều hành của công ty luật này là Henry A. Kaliisa, con trai của Fred Kabagambe Kaliisa, người mà trong hơn hai thập kỷ là quan chức của bộ năng lượng hùng mạnh nhất của Uganda. Ông này đã bị sa thải trong một vụ bê bối về một con đập nhưng vẫn còn có một ảnh hưởng to lớn.



Người Mỹ trên đấu trường



Các quan chức Uganda cũng đưa tập đoàn Mỹ vào danh sách chốt và cũng đã bay tới Washington. Bà Jandhyala và một đối tác tài chính, Ronald Mincy, đã tổ chức đón tiếp phái đoàn này trong một không gian làm việc chung. Một quan chức (trong phí đoàn Uganda) đã hỏi họ rằng Quý vị có tiền không?

Trong một báo cáo nội bộ sau đó, nhóm nghiên cứu này đã đánh giá Dongsong cao hơn nhưng cũng vẫn đề nghị mời cả người Mỹ và người Trung Quốc đến Campala (thủ đô Uganda) để đàm phán song song. Chính phủ (Uganda) đã ấn định thời gian phó hội là tháng 6/2017.

Nhưng ông Lü đã hỏi rằng Dongsong liệu có phải là nhà thầu được ưu tiên hay không và từ chối tham dự cuộc họp hoặc gửi bất kỳ một ai đến dự cuộc gặp này. Các quan chức Uganda đã quyết định bắt tay vào các cuộc đàm phán cuối cùng với chỉ những người Mỹ sau khi họ đã đến để tham dự cuộc họp.

Trong một lá thư gửi cho bộ trưởng năng lượng của Uganda mà phóng viên bản báo (tờ The New York Times) được tận mắt nhìn thấy, ông Lü đã đáp trả bằng cách đe dọa là sẽ đâm đơn kiện quá trình này.

Cũng trong khoảng thời gian đó, một nhà dự thầu Trung quốc khác, CNOOC, lặng lẽ nổi lên với những nỗ lực muộn mằn trong công cuộc đấu thầu xây dựng nhà máy lọc dầu này và kiểm soát các mỏ dầu bổ sung. (CNOOC đã không hồi đáp các câu hỏi bằng văn bản của bản báo [tờ The New York Times] về dự án này).

Bà Jandhyala tìm kiếm sự trợ giúp từ Washington. Tập đoàn đầu tư tư nhân nước ngoài (OPIC = Overseas Private Investment Corporation), một cơ quan tài chính phát triển của chính phủ Mỹ, không có khả năng cam kết với loại dự án đòi hỏi một khoản tài chính tới cỡ tỷ đô do các ngân hàng Trung Quốc đề xuất, nhưng OPIC đã hồi đáp bằng một lá thư trong đó nói rằng OPIC sẽ xem xét một khoản vay là 250 triệu đô la và nhận bảo lãnh cho khoản vay này.

Bà Jighyala nói rằng “Điêu này đã mang lại cho nhiều người khác một sự vững tin”.

Bộ Thương mại (Hoa Kỳ) cũng xác định rằng dự án này là nằm trong “lợi ích quốc gia”, và chỉ thị cho Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Uganda tiến hành vận động hành lang.

Đại sứ Hoa Kỳ, Deborah Malac, cho biết bà đã nêu vụ việc của tập đoàn Mỹ với bộ trưởng năng lượng (của Uganda), Irene Muloni, người mà bà (đại sứ Hoa Kỳ) mô tả là người chống lại tập đoàn Mỹ. Bà (Deborah Malac) nói bà cũng đã nói chuyện với ông Museveni cả chục lần. Bộ trưởng Thương mại (Mỹ) Wilbur Ross cũng đã gửi hai bức thư và cũng đã gọi điện.

“Có rất nhiều người của các bên quan tâm chịu ơn Trung quốc và TQ đã cố gắng để phá hỏng quá trình này”, bà Malac nói.

Trong số những người hoài nghi có Sam Kutesa, bộ trưởng ngoại giao (Uganda), bà nói.

Tháng 12 năm ngoái, một tòa án ở New York đã kết án một đại diện của một công ty năng lượng Trung quốc về việc đã hối lộ cho các quan chức châu Phi, bao gồm 500.000 đô la cho ông Kutesa. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Kutesa mô tả khoản thanh toán này là một khoản đóng góp cho một quỹ tài chính của mình và nói rằng ông không có khái niệm rõ ràng về việc ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc đấu thầu xây dựng nhà máy lọc dầu này.

Tại Uganda, tất cả mọi quyết định quan trọng đều nằm trong tay ông Museveni. Các quan chức dùng mánh khóe thủ đoạn để lừa phỉnh ông, nhưng ông cũng tương kế tựu kế, để họ dùng mánh khóe thủ đoạn để lừa phỉnh lẫn nhau.

Điều đó đã mang lại cho người Mỹ một cơ hội. Mặc dù không được các quan chức năng lượng tán thành, nhưng ông Museveni lại nghiêng về ý tưởng cân bằng giữa người Mỹ và người Trung quốc trong ngành công nghiệp dầu mỏ, và ông quan tâm tới tới sự can dự của G.E (Tập đoàn General Electric).

Hồi tháng Một (2018), ông đã triệu tập một cuộc họp bên bờ hồ Victoria và buộc các quan chức năng lượng phải ngồi lại với bà Jandhyala và các đối tác của bà. Sau đó, ông buộc nội các phê duyệt. Và đến tháng Tư (2018) thì thỏa thuận được ký kết.

Abigail Grace, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Xã hội mới của Mỹ, người mà đã từng làm việc trong Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, nói rằng các nhà ngoại giao Mỹ trên toàn thế giới cần phải được huấn luyện để đối phó với các vấn đề Trung Quốc.

Bà nói “Ví dụ này cho thấy rằng mặc dù đa số đều nghĩ rằng Trung Quốc có thể có ưu biết thế, nhưng chúng ta vẫn có thể giành chiến thắng nếu chúng ta hành động cùng nhau”.



Hồi tháng 10 (2018), Tổng thống Trump đã ký một dự luật thành lập một cơ quan mới để thay thế Tập đoàn Đầu tư tư nhân ở nước ngoài và cung cấp cho cơ quan mới này một ngân sách tài chính là 60 tỷ đô la - gấp đôi ngân sách trước đó, mặc dù vẫn là chỉ là một số lẻ so với những cam kết chi tiêu của Trung quốc.

Trong khi đó, G.E. đã bắt đầu các bán cổ phần của mình trong công ty dịch vụ mỏ dầu trong tập đoàn của bà Jandhyala. Sự ra đi của nó có thể làm suy yếu niềm tin của người Uganda vào thỏa thuận này, và vẫn không chắc chắn về khả năng của GE trong việc đảm bảo tài chính.

Người Trung Quốc dường như vẫn tiếp tục tiến xa hơn. Ông Lü cho biết ông dự định sẽ tiến hành khai mở các mỏ mới tại Mozambique. Và hồi tháng 9 (2018), CNOOC đã đạt được điều họ thực sự muốn: Uganda đã đồng ý cho nó một dự án mới để thăm dò tại vùng hồ Albert.

Tại lễ ký kết Bắc Kinh, ông Museveni và ông Kutesa mỉm cười khi họ nắm tay các giám đốc điều hành người Trung quốc.

Uganda đang lo lắng về số người đàn ông TQ lấy phụ nữ của họ. Chiến dịch cho vay nợ đi kèm với chiến dịch đồng hóa? 
 (ảnh minh họa của Dân Quyền)




THE END

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire