17/06/2019

TRUNG QUỐC: NỀN PHÁP TRỊ TÀN ĐỘC





Để tách Thần quyền khỏi Thế quyền, châu Âu mất khoảng 16-17 thế kỷ. Nước Mỹ may mắn hơn. Các lưu dân cựu lục địa đã mang tất cả những tinh hoa của mình sang vùng đất mới để rồi ngay từ đầu lập quốc, xứ sở Cờ Hoa đã có thể chế tam quyền phân lập. Cho dù Ki-tô giáo có được coi như một đức tin nền tảng của xã hội và khi đăng quang nhậm chức, Tổng thống Hoa Kỳ có đặt tay lên Kinh thánh để thề bồi, nhà thờ cũng chưa bao giờ can thiệp được vào chính trường Mỹ. 

Trung Quốc thì không như vậy. Thần quyền và Thế quyền luôn hợp nhất trong một ngôi vị từ mấy ngàn năm nay: “Thiên tử”/Con Trời. Hoàng đế là người phải có chân mạng “thế thiên hành đạo”. Năng lực của ông ta là “Thiên phú” và quyền hành là “Thiên định”. Thực tế ấy tồn tại hơn 2000 năm ở Trung Quốc, chỉ gián đoạn khoảng thời gian ngắn với sự can thiệp của các nước đế quốc hoặc sau đó là tình trạng cát cứ của các thế lực quân phiệt thời Trung Hoa dân quốc bị khủng hoảng.

Dưới các triều đại quân chủ kiểu cũ, Khổng giáo được coi là nền tảng đạo đức xã hội Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, mọi vương triều đều áp dụng triệt để các nguyên tắc chính của Pháp gia để trị quốc. Sự kết hợp giữa Khổng giáo với các nguyên tắc Pháp gia được khởi nguồn từ Hán Vũ Đế (140-87 TCN) và duy trì đến hết đời nhà Thanh (1911). Nguyên tắc quan trọng nhất trong sự kết hợp này là “các bậc quân vương phải nắm vững quyền thế, không chia sẻ cho kẻ khác”.

Từ 1949, Mao Trạch Đông đã tái lập lại gần như nguyên vẹn trật tự vương quyền dưới hình thức mới: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Về danh nghĩa, mỹ từ thường được dùng trong bộ máy tuyên truyền là “tập thể đảng cộng sản lãnh đạo, nhà nước quản lý bằng pháp quyền”, nhưng trên thực tế, Mao là Hoàng đế thâu tóm mọi quyền hành. Mỗi lời ông ta nói đều là khuôn vàng thước ngọc. Mỗi việc ông ta làm, đều không thể phê phán. Chỉ chưa đến 10 năm thời Cách mạng văn hóa, “Mao tuyển” đã được in mấy chục triệu bản, phát không đến từng người dân. Cuốn sách này chỉ đứng sau Kinh thánh về chỉ số phát hành trên thế giới. Tam quyền phân lập hay nhà nước pháp quyền chỉ là giấc mơ xa trên đất nước tỷ dân.

Mao chết, một vài người khác thế chỗ giữ chân Tổng Bí thư/Chủ tịch nước, nhưng một thời gian dài, Đặng Tiểu Bình mới là người chấp chính trên thực tế. Mao là người chủ trương bắt tay với Mỹ và đã thực hiện điều đó trên thực tế từ năm 1972, nhưng Đặng mới thực sự là người mở cửa Trung Quốc. Chính nhờ các chính sách của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc mới có những bước đột phá trong phát triển kinh tế cũng như khoa học và công nghệ. Tuy vậy, trong chính sách đối nội, Đặng vẫn kế thừa phần nào đường lối mà Mao đã vạch ra trước đó. Trung Quốc vẫn là một bộ máy toàn trị độc đảng. Quyền ra quyết định là thuộc về Trung Nam Hải, trụ sở TW Đảng Cộng sản Trung Quốc, chứ không phải ở Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, nơi vẫn diễn ra các cuộc họp Quốc hội Trung Quốc. Điểm hội tụ vẫn là Tổng/Chủ, một chân mệnh đế vương. Điều khác biệt lớn nhất là chế độ đó hiện nay đã dựa trên nền tảng kinh tế - quân sự vừng mạnh và những thành tựu khoa học công nghệ mới - bao gồm cả các tri thức nhân loại được đánh cắp bằng nhiều cách khác nhau. Mức độ nguy hiểm và tàn độc không hề thay đổi.

Dưới thời Mao và những kẻ kế cận, tính chất chuyên chế độc tài toàn trị đã đạt đến đỉnh cao. Và sự tàn độc cũng hiếm thấy trong lịch sử. Không ở đâu trên trái đất này mạng người lại rẻ rúng như ở Trung Quốc. Mấy chục triệu người chết đói trong “Cải cách ruộng đất” và sau đó là “Đại nhảy vọt”. Muỗi. Mấy triệu người bị đấu tố/hãm hại đến chết trong “Đại cách mạng văn hóa”. Cũng muỗi. Hàng triệu người đang sống trong các nhà tù ở Tây Tạng và Tân Cương. Chuyện nhỏ. Mấy trăm ngàn sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn? Đã có các quân đoàn PLA với xe tăng và AK47. Bên cạnh đó là kho tạng sống với mấy triệu thành viên Pháp luân công. Trung Quốc khác hoàn toàn với phần còn lại của thế giới.

Sẽ như thế nào, nếu mô hình này được xuất khẩu toàn cầu? Khmer Đỏ chỉ sau 4 năm cầm quyền ở Campuchia, đã có chừng 25% dân số bị giết chết. Đó chính là bài học sống động đối với việc nhập khẩu mô hình CNXH kiểu Trung Quốc.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire