03/08/2019

Nhà thơ HOÀNG HƯNG trả lời phỏng vấn của Đại học YALE HOA KỲ


(Ngày 30/7/2019, qua điện thoại)




-          Ông có thể cho biết về công việc sáng tác và dịch thuật của bản thân?



Ảnh: Manuel Casimiro
HH: Tôi sinh ra trong một gia đình trí thức chịu ảnh hưởng Tây phương. Con đường thơ của tôi có ảnh hưởng sâu của văn hoá Tây phương. Tôi bắt đầu làm thơ từ 11 tuổi, cũng dịch mấy bài thơ trong sách học tiếng Pháp. Năm 19 tuổi, tôi xuất hiện trên văn đàn và sớm được coi là một trong các nhà thơ thuộc thế hệ gọi là “chống Mỹ”, nằm trong dàn đồng ca yêu nước, lãng mạn cách mạng. Nhưng từ cuối 1960, tôi dần dần tách khỏi dàn đồng ca, vì trăn trở, hoài nghi số phận của đất nước đi theo lý tưởng “XHCN” (sự hoài nghi này sau được thấy là đúng, với sự tan rã của Liên Xô khối XHCN toàn cầu). Đây là một trong những bài thơ tôi viết hồi đó:



Các anh bảo chúng tôi

Đi chiến đấu cho ngày mai tươi đẹp


Chúng tôi đi

              Vì không sợ chết

Chúng tôi chết

              Vì sợ sống hèn


Nhưng sẽ ra sao cái ngày mai ấy?




Những đoạn thơ như thế mà công an tìm thấy trong nhà tôi đã khiến nhà cầm quyền cho tôi là “suy thoái tư tưởng” sâu xa, dẫn đến việc tôi bị vào trại cải tạo năm 1982.


Sau 1975, thơ tôi có bước ngoặt quan trọng tôi chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn sống. Tôi có cơ hội đọc nhiều sách triết học và văn học nước ngoài mua ở vỉa hè Sài Gòn, và bắt đầu chịu ảnh hưởng nhiều của văn học Mỹ. Thơ tôi viết thời đó có sự trộn lẫn giữa sự khát khao, điên rồ, thất vọng với một thứ “siêu thực Phật giáo”. Sau này, khi đọc thơ của nhóm Beat, tôi thấy có những tương đồng, và tôi có dịch thơ của Allen Ginsberg, cũng như có trao đổi thư từ thân thiết với ông.



Rồi tôi bị bắt tù 39 tháng (1982-1985). Nguyên do là tôi bị nghi ngờ mưu toan chuyển ra nước ngoài bản thảo thơ của một nhà thơ lớn tuổi, nổi tiếng nhưng bị coi là phản động. Không may là từ chuyện đó, công an tìm ra những bản thảo thơ của tôi mà họ coi là phản động gấp 100 lần.



Sau khi ra tù, tôi viết loạt thơ về trải nghiệm tù đầy, nói lên “thân phận con người”, thơ tôi trở thành mang tính hiện sinh.



Đây là 1 bài được biết đến nhiều nhất:



Người về

Người về từ cõi ấy
Vợ khóc một đêm con lạ một ngày

Người về từ cõi ấy
Bước vào cửa người quen tái mặt

Người về từ cõi ấy
Giữa phố đông nhồn nhột sau gáy

Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui
Hai năm còn mộng toát mồ hôi
Ba năm còn nhớ một con thạch thùng
Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối

Một hôm có kẻ nhìn trân trối
Một đêm có tiếng bâng quơ hỏi
Giật mình
một cái vỗ vai

(Bản tiếng Anh lần đầu in ở tạp chí Mỹ Poetry International năm 199…, do HH & Joseph Duemer dịch)


Khoảng 20 năm lại đây, nhất là từ chuyến đi dài tới Ấn Độ và vùng núi Himalaya, thơ tôi có xu hướng trở về tinh thần “tân cổ điển” mang Thiền vị.



Đây là một bài trong số đó:


TUYẾT SƠN

Cố đợi ngày trời trong

Có thể ngắm rặng tuyết sơn

Xa ngoài trăm cây số

Chờ hết một mùa

Trời mờ mịt sương



Đường lên núi súng nổ

                                 Xe cháy

Sáng nay đôi chim hạc bay về

Mang trên cánh

                          Tuyết núi xa



(Bản tiếng Anh của Hoàng Hưng & Ellen Bass, trong tập Poetry & Memoir của International Poetry Library S.F. năm 2012)



Sau khi ĐCS VN có chính sách “Đổi mới”, thơ của tôi được in nhiều ở VN. Riêng loạt thơ về nhà tù của tôi thì không được xuất bản (3 lần bị từ chối), phải công bố trên mạng. Năm ngoái, tôi cho xuất bản bên Mỹ tập thơ song ngữ “Ác Mộng – Nightmares”, (có thể tìm trên Amazone.com : https://www.amazon.com/mong-Nightmares-Vietnamese-Hoang-Hung/dp/1724825194/ref=sr_1_fkmr0_1?keywords=Hoang+hung+ac+mong+nightmares+hoanghung&qid=1564678724&s=gateway&sr=8-1-fkmr0)có lời tựa của nhà thơ Ellen Bass (chủ tịch Academy of American Poets), có lời bình của Allen Ginsberg, nhà thơ Robert Creeley (cựu chủ tịch Academy of American Poets).



Về dịch thuật, chuyện vui là tôi tự học tiếng Anh chủ yếu trong thời gian ở tù, với 1 quyển từ điển Anh – Pháp và… báo Moscow News của Liên Xô, nên ông có thể thấy tiếng Anh của tôi (nghe và nói) không tốt lắm. Nhưng vì trong thế hệ tôi, rất ít người đọc được tiếng Anh, tiếng Pháp… nên tôi cố gắng dịch thơ Âu Mỹ để giới thiệu những trào lưu mới, hiện đại, hậu hiện đại cho các đồng nghiệp của mình và bạn đọc VN. Trong số tác giả tôi dịch từ tiếng Pháp, tiếng Anh, có Apollinaire (Pháp), Lorca (Tây Ban Nha), Whitman, W. Stevens, Allen Gínberg, Robert Creeley,Charles Simic, Louise Gluck (Mỹ), Margaret Atwoods (Canada), Harry Martinson, Nelly Sachs (Thuỵ Điển)…



Tôi biết dịch thơ là rất khó, nhất là vì nhạc tính của thơ gốc với nhạc tính của bản dịch rất khác nhau. Nhưng tôi vẫn phải cố gắng.



-          Hiện giờ, ở VN, việc sáng tác, xuất bản thơ và dịch thuật của ông và các nhà văn khác có hy vọng gì tốt hơn? Có bị nguy hiểm về mặt chính trị?



HH: Tôi tiếp tục viết và dịch, nhưng cũng chủ yếu đăng trên mạng. Xuất bản sách thì khó, vì tên tôi không được nhà cầm quyền thích. Tôi vừa đăng thơ của một nhà thơ vừa được phong là Thi khôi Hoa Kỳ. Năm năm trước, tôi và một số đồng nghiệp lập ra một tổ chức của các nhà văn độc lập trong và ngoài nước, một tổ chức“underground”. Vì thế tôi bị sách nhiễu, theo dõi suốt, tuy tôi nghĩ có lẽ nhà cầm quyền sẽ không bắt tôi vào tù lần nữa, vì tôi đã già rồi và cũng có chút tên tuổi.




-          Vậy là việc xuất bản sáng tác và dịch thuật của ông vẫn khó khăn vì ông bị coi là bất đồng?



HH: May là nhờ mạng xã hội như FB (công an VN chưa ngăn chặn hoàn toàn) nên chúng tôi có thể đăng mọi thứ trên mạng.



Việc xuất bản thơ sáng tác của tôi thì khó, tập thơ của tôi đã bị từ chối 3 lần. Dịch thuật thì OK. Gần đây tôi đã xuất bản 2 tập thơ dịch, của Walt Whitman và Ocean Vuong (một nhà thơ trẻ Mỹ gốc Việt, được giải Thơ T.S. Eliot. (Xem: https://tiki.vn/troi-dem-nhung-vet-thuong-xuyen-thau-p6200087.html)





-          Việc in sách dịch có nguy hiểm gì không?



HH: Tôi thấy hiện nay, ĐCS VN cho in nhiều sách dịch, trừ các tác phẩm trực tiếp phê phán CNCS và chế độ CS, hay chế độ toàn trị. Những sách khác thì OK. Thí dụ những sách của G. Orwell như “Trại súc vật”, “1984”… Năm ngoái, Văn đoàn chúng tôi trao Giải cho bản dịch cuốn “1984” (lưu truyền underground, và post lên website http://vanviet.info

của chúng tôi) nhưng cuộc gặp mặt để trao giải đã bị công an cản phá. Họ cho là phê phán chính họ, thật buồn cười!



-          Hiện nay ông đang đọc những sách gì?



HH: Giờ đây tôi tập trung hết thời gian cho cố gắng giới thiệu các lý thuyết hiện đại về Giáo dục của thế giới vào VN. Vì trước đây tôi là thầy giáo, và bây giờ tôi thấy hệ thống giáo dục của VN quá lạc hậu so với thế giới, có lẽ lạc hậu đến 70 năm. Vì suốt thời gian dài họ bắt chước giáo dục Liên Xô, họ không biết đến những lý thuyết giáo dục mới của Âu Mỹ. Điều này thật nguy hiểm cho thế hệ trẻ của VN. Vì vậy tôi muốn đóng góp vào việc giới thiệu những lý thuyết giáo dục mới của Mỹ và các nước khác. Tôi đã xuất bản 3 cuốn dịch từ tiếng Pháp của Jean Piaget, sắp xuất bản 1 cuốn của lý thuyết gia giáo dục Mỹ Howard Gardner, và sẽ xuất bản tiếp Jerome Bruner, cũng là người Mỹ.



Tôi đã 77 tuổi, không biết còn làm việc được bao lâu nữa, nên tôi quyết định tập trung cho công việc này. 




Nghe bài PV tiếng Anh tại đây:

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire