21/09/2019
Bộ Ngoại giao Trung Quốc :"Việt Nam ngay lập tức dừng các hoạt động dầu khí ở bãi Tư Chính".
Trung Quốc lại tiến hành leo thang đối với bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng, vào ngày 19-9 đã lớn tiếng yêu cầu "Việt Nam ngay lập tức dừng các hoạt động dầu khí ở bãi Tư Chính". Rất ngang ngược. Ngay từ thập niên 1980, Việt Nam đã thực hiện chủ quyền của mình ở bãi Tư Chính thông qua việc thăm dò dầu khí ở đó.
Vào tháng 7-2017 và tháng 3-2018, phía Trung Quốc yêu cầu phía Việt Nam yêu cầu hãng Repsol ngưng triển khai dự án Cá Rồng Đỏ ( Red Empiror) tại hai lô 136.03 ở bãi Tư Chính và lô 07.03 gần bãi Tư Chính. Vào thời điểm đó, thành phố Vũng Tàu- trung tâm của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam chìm trong nỗi buồn và uất hận. Vào thời điểm tháng 3-2018, tôi đã viết bài Vũng Tàu Tháng Ba: Nước Mất Chủ Quyền Dân Mất Việc Làm. Bài viết này đã gây bão mạng, chỉ riêng ở một blog nó đã được 250 ngàn lượt đọc trong vòng 5 ngày. Với tôi, nếu Việt Nam giữ được bãi Tư Chính, Việt Nam sẽ có một tương lai sáng sủa, nếu Việt Nam không giữ được bãi Tư Chính, Việt Nam sẽ bị nô dịch bời Trung Cộng.
VŨNG TÀU THÁNG BA: NƯỚC MẤT CHỦ QUYỀN, DÂN MẤT VIỆC LÀM
Vũng Tàu quanh năm nắng gió mặn mòi. Thành phố là một bán đảo, biển cả bao quanh ba mặt. Thành phố này là tập hợp của những cư dân phiêu lãng và đam mê biển cả. Trong cộng đồng đa sắc đa thanh ấy có một tiểu cộng đồng đặc biệt: Dân Dầu Khí- theo cách gọi của người dân Vũng Tàu.
DÂN DẦU KHÍ
Một kỹ sư trong ngành dầu khí đã viết những câu thơ nao lòng về Vũng Tàu: “Một đời thương mến biển- Chọn quê anh đến Vũng Tàu”. Nhà thơ Nguyễn Duy cũng đã viết những câu thơ bay bướm về Vũng Tàu khi ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam chỉ vừa mới đi những bước đầu tiên: “Em sẽ có thành phố dầu kỳ lạ- Nhà máy mọc lên trên bờ bãi sình lầy- Đây Núi Lớn và kia thành Tuy Hạ- Thênh thang trời cho mây khói bay”.
Trên bản đồ dầu khí thế giới, Vũng Tàu xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1973, khi hãng dầu Mobil của Mỹ tiến hành khoan thăm dò tại vùng mỏ Bạch Hổ - mỏ có trữ lượng dầu khí cao nhất Việt Nam hiện tại do Xí nghiệp liên doanh Việt- Nga Vietsovpetro khai thác. Năm 1979, Việt Nam mời gọi các hãng dầu nước ngoài đến thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi vùng biển Vũng Tàu. Các hãng dầu ồ ạt kéo đến, toàn các hãng tên tuổi của Anh, Canada, Úc, Na Uy, Nhật Bản, và Liên xô cũ. Việt Nam và Liên xô cũ thành lập Liên doanh dầu khí Vietsovpetro theo hiệp định được ký kết giữa hai chính phủ, và nhận miếng bánh ngon nhất là mỏ Bạch Hổ. Vũng Tàu đã chính thức trở thành thủ đô của dầu khí Việt Nam, khi mà dầu và khí được khai thác ngoài khơi Vũng Tàu, các cơ sở dịch vụ hậu cần được thiết lập tại thành phố, các cảng dầu khí chuyên dụng cũng đã hình thành và phát triển, và hàng chục ngàn chuyên gia- kỹ sư- công nhân dầu khí đã làm việc và định cư tại thành phố hiền hòa này.
Người nước ngoài dầu khí cũng tề tựu tại Vũng Tàu. Ở đó có một người Mỹ gốc Việt thành công rực rỡ với dự án dầu khí Cá Ngừ Vàng. Ở đó có dự án JVPC có mỏ dầu mang tên rất Nhật Bản: Vừng Đông, và ông tổng giám đốc vì quá yêu Vũng Tàu nên lấy tên Việt là Hòa Văn Phúc từ phiên âm tên của ông là Fukuoka. Ở đó có người phụ nữ Anh bé nhỏ có một tâm hồn rất Việt Nam nhưng là chủ tịch của tập đoàn BP Việt Nam. Ở Vũng Tàu có nhiều thứ lắm…
Ảnh hưởng tích cực của ngành công nghiệp dầu khí đối với Việt Nam nói chung và Vũng Tàu nói riêng hiện hình lên rất rõ.
MẤT MÁT NHIỀU QUÁ
Bao nhiêu năm qua, Vũng Tàu tràn ngập niềm vui. Nỗi buồn, nếu có, cũng chỉ thoáng qua.
Nhưng, giờ đây mọi chuyện đã khác, nỗi buồn đã hiện hình rõ ràng hơn, chua xót hơn và thường xuyên hơn.
Tháng 7-2017, Vũng Tàu đã bắt đầu buồn.
Ngày đó, chính xác là ngày 22-7-2017, hãng dầu Repsol của Tây Ban Nha đã buộc phải ngừng khoan thăm dò mỏ khí đốt ở lô 136-03 thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cách Vũng Tàu khoảng 450 km về phía đông nam. Khi đó, mũi khoan của Repsol đang tiến triển tốt và chỉ còn khoảng 7 ngày nữa là hoàn thành. Tại sao phải ngừng khoan? Chính phủ Trung Quốc cho rằng lô 136-03 đang có tranh chấp, nếu phía Việt Nam không ngừng khoan, quân đội Trung Quốc sẽ tấn công một số tiền đồn của Việt Nam trên biển Đông.
Thông tin này nhanh chóng lan truyền trong cộng đồng dầu khí Vũng Tàu, tạo nên hai trạng thái cảm xúc trái ngược: tức giận và buồn bã. Nhiều cơ sở dịch vụ hậu cần dầu khí ở Vũng Tàu lo không có việc làm, lo hợp đồng bị phá vỡ. “Mong những chuyện không hay này mau chóng qua đi”, đó là câu nói đầu môi của dân dầu khí vào những ngày tháng buồn năm ngoái.
Tháng 3-2018 này, nỗi buồn chua xót hơn, trĩu nặng hơn.
Chiều cuối tuần trong một câu lạc bộ thể thao bé nhỏ ẩn khuất trong khu dân cư thật trầm lặng, khác hẳn sự ồn ã, náo động của ngày thường. Các thành viên của câu lạc bộ, đa phần là dân dầu khí, mang vẻ mặt suy tư và ảo nảo. “Có chuyện gì mà nhiều người có mặt đám tang thế?”, một thành viên ngoài ngành dầu khí cất tiếng hỏi.
-Ông đúng là dân ngoại đạo, chẳng biết gì cả, chán bỏ mẹ. Repsol lại dừng khoan ở lô 07-03 rồi, lô này chuẩn bị khoan khai thác thương mại, có trữ lượng 45 triệu thùng dầu và 172 tỉ m3 khí đấy. Đất nước không chỉ mất chủ quyền, mất tài nguyên mà còn mất rất nhiều thứ khác. Còn anh em bọn tôi thì sẽ mất việc làm, mất thu nhập. Mất mát nhiều quá, không buồn sao được.
-Tại sao lại phải ngừng khoan?
-Bọn Tàu gây áp lực
-Nhưng đó là chủ quyền của mình mà…
-Ông đi mà hỏi các sếp ấy…Đêm qua các sếp ở PetroVietnam cấp tập bay từ Hà Nội vô để giải quyết vụ Repsol. Không biết rồi chuyện sẽ đi đến đâu….?
Im lặng đi vào từng hơi thở. Nỗi buồn đi vào những mi mắt hờ hững và trĩu nặng. Nhiều thành viên dân dầu khí của câu lạc bộ lẳng lặng ra về.
Anh là chuyên gia quản trị dự án dầu khí, không ra về như những người khác. Anh nói một mình, nói như nói với chính mình, như nói bâng quơ:
-Không chỉ là Cá Rồng Đỏ mà còn hơn thế nữa. Mất mát nhiều quá! Tại sao lại thế? Rồi đây, dân dầu khí biết làm gì?
Dân dầu khí Vũng Tàu! Họ đã vui với nắng, với gió, với biển cả, với những thành phố nổi trên biển. Giờ đây họ mang nặng nỗi buồn nhớ sóng.
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire