Lê Thiếu Nhơn
Phan Hồng Giang |
Tư duy “con của lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc của dân tộc” (Phát
biểu của Đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn
Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch
Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) là thứ tư duy vớ
vẩn và ngây ngô!"
Làm sao để có được
“hạt giống đỏ” thực sự có ích cho quá trình phát triển đất nước? Báo NNVN đã có
cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Khoa học Phan Hồng Giang - nguyên Viện trưởng Viện
Văn hóa Nghệ thuật, nguyên Ủy viên Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ
quốc gia, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương.
Tiến sĩ Khoa học Phan Hồng Giang. |
•
Quy định số
205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy
quyền vừa ban hành đã tạo được nhiều ý kiến hưởng ứng và tranh luận trong xã
hội. Chống chạy chức, chạy quyền không chỉ liên quan đến “lợi ích nhóm” mà còn
tác động đến đội ngũ cán bộ nguồn - những “hạt giống đỏ” vẫn đang đối mặt không
ít thị phi.
Thưa Tiến sĩ Khoa
học Phan Hồng Giang! Ông là một dịch giả vào hàng trưởng lão của giới cầm bút
nước ta. Lẽ ra, chúng ta nên có một cuộc đối thoại về văn chương. Thế nhưng,
khi thời cuộc đang đặt ra nhiều câu hỏi ngổn ngang, thì bàn chuyện thi phú e rằng
không phù hợp lắm. Xin hẹn ông dịp khác. Hôm nay, tôi muốn nghe ý kiến của ông
về “hạt giống đỏ”, vì ông cũng là một nhân vật xuất thân trong gia đình thuộc
hàng danh giá.
Khái niệm “hạt
giống đỏ” chỉ mới xuất hiện vài năm gần đây. Thời của chúng tôi, làm gì có “hạt
giống đỏ”. Ngay cả chế độ phong kiến, cha truyền con nối về vương quyền, nhưng
cũng không tuyển chọn người tài theo kiểu “hạt giống đỏ”.
Người nào giỏi
giang, cứ ra ứng cử khoa bảng mà giúp đời, giúp nước, giúp dân. Lịch sử Việt
Nam đã có bao nhiêu đại quan được truyền tụng, cũng có xuất thân từ nông dân
chân lấm tay bùn đấy chứ.
Một cậu bé chăn
trâu trở thành Trạng Nguyên, một anh thợ cày thi đậu Bảng Nhãn, hoặc một chú
tiều phu đề danh Thám Hoa là biểu tượng của những điều tốt đẹp nhất mà ai cũng
mơ ước. Thế nhưng, khi “hạt giống đỏ” đã có mặt, thì mọi thứ phải khác và sẽ
khác. Dù bệ phóng từ truyền thống gia đình rất quan trọng, nhưng theo tôi, “hạt
giống đỏ” không có nghĩa là bố cõng con vào quan trường…
Cái tư duy “hạt
giống đỏ” rất bất ổn. Một xã hội muốn phát triển lành mạnh thì mọi người phải
bình đẳng trước pháp luật và bình đẳng trước cơ hội. Nước Mỹ có nhiều gia tộc
chính khách nổi tiếng, nhưng cơ chế dân chủ đã tạo điều kiện cho một người da
màu như ông Obama cũng có thể bước chân vào Nhà Trắng.
Khi và chỉ khi khả
năng sáng tạo của từng cá nhân được khuyến khích tuyệt đối, thì sẽ tạo ra sức
mạnh to lớn cho dân tộc thịnh vượng. Ở nước ta, “hạt giống đỏ” vẫn chưa chứng
minh được giá trị thực sự của họ. Ngay hàng bộ trưởng, thì mới có vài ba người
được biết đến!
Ở trung ương thì
ít, nhưng ở các địa phương thì “hạt giống đỏ” nhiều lắm. Xã hội đã nói nhiều
đến trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh ở thành phố Đà Nẵng. Tôi cứ phân vân thế
này, liệu họ có năng khiếu làm chính trị hoặc có đam mê làm chính trị? Bởi lẽ,
sau khi cha anh họ không còn “một tay che trời” thì họ cũng xin rút khỏi vị trí
mà họ đang nắm giữ. Ví dụ các trường hợp Nguyễn Bá Cảnh và Trần Văn Mẫn ở Đà
Nẵng hoặc Lê Phước Hoài Bảo ở Quảng Nam…
Ở trung ương luôn
luôn đặt trong tình trạng “quan trên trông xuống, người ta trông vào” nên tình
trạng “hạt giống đỏ” ít hơn. Còn ở địa phương ít bị sự giám sát của dư luận
hơn. Vì vậy, cha mới tìm cho con cái ghế béo bở để ngồi. Đôi khi cũng không
phải mưu cầu vai trò lãnh đạo mà cũng chỉ nhắm vào kinh tế. Những chỗ như Sở
Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư… vẫn được nhiều
lãnh đạo dòm ngó và sắp xếp cho con em mình.
Rõ ràng, có nhiều
con đường vun vén cho “hạt giống đỏ” khôn khéo và vững chắc hơn cách đi của ông
Nguyễn Xuân Anh! Nói thẳng ra, cũng vì sức tác động của dư luận địa phương rất
yếu, nên lãnh đạo tỉnh cũng chẳng khác gì “ông vua” được quyền lựa chức và ban
chức cho con em mình!
Thực tế có không ít
chuyện cười ra nước mắt. Cha làm lãnh đạo đầu tỉnh thì trước khi về hưu cũng
tranh thủ đẩy con mình vào dàn tỉnh ủy viên. Người dân ở địa phương có thể cam
phận “bịt tai, nhắm mắt” nhưng Trung ương không thể không biết. Vì cỡ tỉnh ủy
viên là cán bộ do Trung ương quản lý rồi. Nếu Trung ương quyết liệt ngăn chặn,
thì vẫn khống chế được những biểu hiện tiêu cực. Phải chăng có sự nể nang nhau
đúng chuẩn “quan trường tương hỗ”?
Tôi cũng cho rằng ở
cấp trung ương có bất cập về “quy hoạch” các “hạt giống đỏ”. Theo tôi, có hai
nguyên nhân quan trọng.
Thứ nhất, vai trò
của nhân dân đã bị đứng ngoài cuộc, mọi văn bản quy hoạch đều đóng dấu “mật”
thì chẳng ai biết trắng đen sấp ngửa ra sao.
Thứ hai, quyền đề
bạt và bổ nhiệm nằm trong tay một số ít người nên họ tự tung tự tác. Ở tỉnh,
chỉ cần ông Bí thư Tỉnh ủy, ông Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy và ông Chủ tịch
UBND tỉnh đồng ý, thì chẳng tìm đâu ra một ý kiến dám phản biện.
Người ta dựa vào
thái độ của ba vị trên để gật đầu theo. Cho nên, hành trình của “hạt giống đỏ”
chỉ là sự quyết định của một nhóm người có quyền lực không được kiểm soát.
Phong trào “hạt
giống đỏ” dường như không có sự cá biệt. Nếu ông Bí thư Tỉnh ủy muốn con mình
vào vị trí nọ, thì cũng phải nhân nhượng để ông Chủ tịch UBND tỉnh đưa con mình
vào vị trí kia. Sự thỏa hiệp có vẻ êm thắm ấy, thực ra chứa đựng rất nhiều mưu
mẹo và không ít khuất tất. Chúng ta nỗ lực xây dựng chính quyền “của dân, do
dân, vì dân” nhưng lại chưa hoàn thiện cơ chế song hành “ủy nhiệm quyền lực” và
“giám sát quyền lực” từ phía dân.
Quyền lực không
được kiểm soát thì tự nhiên sẽ tha hóa, đó là điều không thể ngụy biện. Không
thể có ai nhờ đọc đôi lần “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá
nhân” mà thành lãnh đạo gương mẫu lập tức. Lãnh đạo gương mẫu hay không, phải
dựa vào nỗ lực bản thân và thông qua sự đánh giá của nhân dân. Những người có
quyền bố trí và bổ nhiệm có thể ban đầu cũng rất trong sáng, nhưng thoải mái
ngụp lặn trong cái quyền vô biên của mình mà dần dần biến chất.
Vì sao? Vì họ thừa
khôn ngoan để nhận ra sự trong sáng của họ cũng chẳng có lợi ích gì. Ngược lại,
họ mắt nhắm mắt mở thì bản thân họ được cung phụng, mà vợ con họ cũng được
hưởng thụ những vật chất do những người xung quanh mang lại.
Chỉ cần ưu ái cho
ông A hoặc bà B thì họ sẽ nhận được quà, được tiền… Vì vậy, để chống chạy chức
chạy quyền thì có thể hy vọng “lãnh đạo tự động từ chức khi cảm thấy mình không
xứng đáng” ư? Theo tôi, đó là ảo tưởng. Chả ai dại gì tự cảm thấy mình hèn kém
khi đang nắm quyền lực cả.
Trước đây, ông từng
nêu lên 4 biểu hiện của tình trạng suy thoái đạo đức xã hội ở nước ta. Thứ
nhất: Kiếm tiền bất chính. Thứ hai: Bạo lực lên ngôi. Thứ ba: Giả dối thắng
thế. Thứ tư: Con người vô cảm. Tôi không tin “hạt giống đỏ” có thể nảy mầm xanh
tốt trong dòng chảy thời cuộc như vậy…
Tôi cũng nghĩ vậy.
Một đồng chí lãnh đạo cấp cao từng phải thốt lên: “Ngày nay người ta ăn của dân
không chừa thứ gì!”. Kiếm tiền như thế không chỉ là bất chính mà còn vô liêm
sỉ, hết sức bẩn thỉu. Ngày nay, không ít người Việt Nam chúng ta trở nên hung
hãn, gương mặt bặm trợn, lúc nào cũng sẵn sàng nói chuyện bằng dao gậy.
Bạo lực đường phố,
bạo lực học đường, bạo lực gia đình... bạo lực đẻ ra bạo lực, nguy hiểm nhất là
bạo lực ngay cả trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ nhân dân... Và không
ít lần súng đã nổ trong các cơ quan công quyền mà chung qui cũng vì tranh
giành. Có lẽ đối với không ít người, giả dối là cách đỡ hao tâm tổn trí nhất để
đạt được điều mình muốn.
Bởi thế mà giả dối
thường giành phần thắng vì nó thường hay làm mọi người thấy “dễ chịu thoải mái”
dù biết là đang lừa nhau. Tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” của những năm đầu
Đổi mới có vẻ đã mai một khá nhiều.
Ông là con trai nhà
văn - nhà phê bình Hoài Thanh, một gương mặt uy tín trên diễn đàn văn hóa Việt
Nam. Không thể phủ nhận, ông cũng từng được xếp vào hàng ngũ “trâm anh thế
phiệt”. Xin được hỏi thẳng, cụ thân sinh có tác động gì trên quan lộ của ông
không?
Hoàn toàn không!
Điều duy nhất cha tôi căn dặn là đừng ngộ nhận về chính mình. Cha tôi chủ
trương để con phát triển tự nhiên theo năng lực và đam mê. Tôi thi điểm cao, đủ
tiêu chuẩn đi du học và làm Tiến sĩ Khoa học vào năm 1986 ở Liên Xô.
Theo quan sát của
tôi, thế hệ được gọi là “con ông cháu cha” trước đây đều vào đời rất hồn nhiên.
Các bậc lãnh đạo như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công…
đều không xem con em mình là “hạt giống đỏ”. Vậy mà giờ đây, chỉ sau mấy chục
năm, mọi chuyện đã nháo nhào chạy chức chạy quyền…
Tôi đã học chung
với không ít con em lãnh đạo cấp cao. Nếu có chút khác biệt thì chỉ là manh áo
lành lặn hơn mà thôi. Các cụ ngày xưa không đẩy con em mình vào quan trường vì
họ xem công việc làm lãnh đạo đòi hỏi sự hy sinh và sự cống hiến. Còn bây giờ,
“quyền” lại đi liền với “lợi”, lãnh đạo dùng “quyền” để kiếm “lợi” cho mình và
cho cả con cháu mình.
Nghĩa là chúng ta
đang khủng hoảng thiếu văn hóa quan trường?
Đúng! Tôi thấy
nhiều lãnh đạo không có tư chất gì nổi trội hơn người khác. Cho nên, họ không
thể làm gương cho người khác, mà hình thành tâm lý chụp giật lợi ích và thao
túng chức vụ theo nhiệm kỳ. Một khi đã hụt hẫng văn hóa thì sẽ bị cuốn theo
những cám dỗ vật chất, không còn biết tự trọng, không còn biết xấu hổ.
Đôi khi tôi thấy
rằng, người cha vì thấy được quy tắc “quyền sinh ra lợi” nên kéo đứa con ít tư
chất của mình vào quan trường, cũng là một việc nhẫn tâm. Bởi lẽ, ông ta không
thể thoát khỏi quy luật “sinh - thành - trụ- diệt” để bao bọc và che chở cho
con mình, mà chốn quan trường thì lúc nào cũng đầy cạm bẫy.
Động cơ ấy cũng
xuất phát từ sự hụt hẫng văn hóa. Không nhận thức được giá trị làm người, thì
làm sao nhận thức được giá trị làm quan. Mỗi người một tư chất, không phải cha
lão luyện quan trường thì con cũng tường tận mánh khóe thăng tiến. Mỗi khi nghĩ
đến người cha Nguyễn Bá Thanh đã khuất và sự non nớt của con trai Nguyễn Bá
Cảnh lúc đối mặt nguy nan, thì tôi thấy tội nghiệp.
Khi nền tảng văn
hóa không được chú trọng, thì văn hóa quan trường càng ngày càng suy sụp!
Bác Hồ từng nhắc
nhở “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Vai trò của văn hóa rất lớn.
Chúng ta cũng có Nghị quyết nhấn mạnh “phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trọng
tâm, xây dựng văn hóa làm nền tảng tinh thần”, nhưng ai cũng lao theo vế đầu mà
không đề cao vế sau.
Tôi thấy kỳ lạ là
tại sao không có ông Giám đốc Sở Văn hóa nào được vào Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh
đạo ngành văn hóa cũng không có nhiều nhân vật văn hóa tiêu biểu. Chúng ta có
phải đang trong tình trạng khủng hoảng thiếu nhân lực văn hóa đâu! Người có khả
năng, người có uy tín vẫn ở khắp nơi đấy chứ!
Nói ra thì cay
đắng, nhưng sự thật thì văn hóa đang bị rẻ rúng. Có những đô thị trung tâm cả
nước mà có lúc người ta cũng đưa một vị chuyên làm tài vụ lên nắm vai trò lãnh
đạo Sở Văn hóa. Những nhân vật văn hóa không có tiếng nói trong chính quyền,
nên các chuẩn mực khác cũng lung lay.
Phía sau mỹ từ “hạt
giống đỏ” lại phơi bày thực trạng về công tác cán bộ, đó là dùng người thân
thay vì dùng người tài...
Cứ nhìn vào tỉnh Hà
Giang thì sự thật mười mươi. Khi ông Triệu Tài Vinh làm Bí thư Tỉnh ủy thì hàng
loạt người thân nắm giữ các vị trí quan trọng của tỉnh Hà Giang. Hiện tại, ông
Triệu Tài Vinh đã được điều về làm Phó Ban Kinh tế trung ương thì xã hội đang
chờ xem điều gì sẽ xảy ra ở Hà Giang.
Tiến sĩ Khoa học Phan Hồng Giang trò chuyện với phóng viên báo NNVN tại nhà riêng. |
Bây giờ về mặt
chiến lược thì chúng ta vẫn kêu gọi trọng dụng người tài, nhưng tiêu chí về
người tài thì vẫn loay hoay. Định nghĩa về người tài cũng được văn bản hành
chính hóa thì tôi e rằng còn lâu mới huy động được sức sáng tạo và sự đóng góp
của những người tài thực sự.
Tôi cho rằng, quan
trọng nhất là tầm nhìn của lãnh đạo. Chỉ khi lãnh đạo biết trân trọng người tài
thì mới có thể sử dụng người tài. Ông Lê Duẩn khi nói chuyện với lớp du học
sinh chúng tôi đã rất chân thành thổ lộ: “Người cơ cực đi theo cách mạng thì
đáng quý một phần, còn người tri thức đi theo cách mạng thì đáng quý mười
phần”.
Khi người ta dấn
thân cho sự nghiệp chung, nếu chỉ vì muốn rổ khoai nhà mình to bằng rổ khoai
hàng xóm thì đơn giản lắm, còn vì muốn dân tộc hùng cường thì mới cần lao tâm
khổ tứ. Trong bối cảnh hội nhập, chọn lựa những cán bộ thèm khát “rổ khoai” thì
tương lai mờ mịt.
Cụ Lê Duẩn dù không
được học hành qua nhiều trường lớp nhưng nhờ tư chất và rèn luyện thì cụ cũng
thành một chính khách đáng kính nể. Cả đời cụ Lê Duẩn không tơ hào riêng tư, và
cụ cũng không biến con em mình thành “hạt giống đỏ” để đưa vào hàng ngũ lãnh
đạo cấp cao. Mới đây, con trai của cụ Lê Duẩn là Tiến sĩ Lê Kiên Thành có bộc
bạch rằng: Đời ông và đời con của ông cũng thấy cuộc sống bình thường, nhưng
khi bồng đứa cháu trên tay thì ông thấy sợ hãi. Đó là sự sợ hãi mơ hồ nhưng rúng
động, vì ông liên hệ với môi trường xung quanh. Ông Lê Kiên Thành chột dạ vì
không biết cháu mình sẽ phải lớn lên trong một xã hội lệch lạc như thế nào… Từ
trường hợp Lê Duẩn - Lê Kiên Thành, chúng ta có thể nghĩ đến những gia đình
khác. Những xáo trộn, những bất an, những day dứt, những hoang mang…
Cốt lõi vẫn là dân
chủ. Chỉ có dân chủ thực sự mới thay đổi được thực trạng đáng âu lo hiện nay.
Nguồn lực quan trọng nhất của mỗi dân tộc vẫn là con người. Khi dân chủ hóa thì
con người được phát huy mọi khả năng sáng tạo và tạo ra động lực thúc đẩy tiến
bộ và văn minh. Dân chủ hóa sẽ xóa bỏ bất bình đẳng giữa các cá nhân, ai cũng
ngang nhau về cơ hội cống hiến, chứ không phải một số ít người được hưởng lợi
từ quy hoạch.
Theo ông làm sao để
có “hạt giống đỏ” đúng nghĩa?
Hãy bỏ khái niệm và
tư duy “hạt giống đỏ” đi. Đừng xem ai là “hạt giống đỏ” để gò ép quy hoạch
khiên cưỡng nữa. Cứ nghĩ trong đầu anh ta là “hạt giống đỏ” để chăm bẵm và ưu
ái cho anh ta, thì anh ta sẽ chẳng có điều kiện cọ xát thực tế mà trưởng thành.
Để mọi cá nhân cạnh tranh với nhau, và nhân dân sẽ bình chọn “hạt giống đỏ” cần
thiết cho đất nước đi lên. Công khai và minh bạch thì sẽ lộ diện “hạt giống đỏ”
hay “hạt giống lép” ngay!
Nghĩa là không thể
trông cậy vào tư duy “con của lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc của dân tộc”.
Đó là thứ tư duy vớ
vẩn và ngây ngô!
Xin cảm ơn ông!
Bổ nhiệm người thân làm lãnh đạo đã đáng lo, mà bổ nhiệm người… hầu làm
lãnh đạo còn đáng lo hơn. Bởi lẽ, một kẻ vô năng chỉ nhờ ngoan ngoãn, nịnh
bợ, cơm dâng nước rót cho cấp trên mà được ngồi vào vị trí quyền lực thì chắc
chắc sẽ là mầm mống tai tương cho thiên hạ.
Muốn tránh bổ nhiệm người thân và người hầu vào vị trí lãnh đạo, thì phải
có khả năng sử dụng người tài. Chúng ta cứ rao giảng “hiền tài là nguyên khí
quốc gia”, nhưng chính sách thu hút người tài vẫn bỏ ngỏ.
Từ xa xưa, tiền nhân đã đúc kết 4 điểm mấu chốt trong việc sử dụng người
tài. Đến giờ, những chuẩn ấy vẫn luôn thời sự. Đó là phải biết, phải dùng,
phải tin và không để trà trộn kẻ tiểu nhân bên cạnh người tài.
Người Nga cũng có câu ngạn ngữ, đại ý một vại mật ong có thể hỏng chỉ vì
một giọt mật đắng. Một người ngu có thể cân bằng 10 người thông minh, ý nói
về mức độ phá hoại của người ngu dốt. Những đúc rút đó vẫn còn nguyên giá trị
trong thu hút và trọng dụng nhân tài hiện nay.
|
LÊ THIẾU NHƠN
Thứ tư ngày 16 tháng 10 năm 2019 9:19 AM
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire