07/11/2019

"THA PHƯƠNG CẦU VIỆC" LÀ NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ CỦA ĐỊA PHƯƠNG!



Không thể “lấy thúng úp voi”, ngày 31/10/2019, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án hình sự "Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài trái phép", sau một tuần 39 người chết trong container được báo đài khắp thế giới loan tin.
Tương tự, ngày 28/10/2019, Công anThủ Đức khởi tố, bắt tạm giam 2 người cầm đầu băng nhóm móc túi trên xe buýt ở KDL Suối Tiên, sau nửa tháng báo Pháp Luật TPHCM đăng loạt bài tệ nạn này.
Chuyện móc túi có tổ chức phổ biến trên 100 tuyến xe buýt, tất cả tài xế, người bán vé và hành khách đi thường xuyên đều biết. Cũng như, chuyện vượt biên bằng container lạnh qua Anh, chính quyền, công an và dân tình các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh… đều biết từ lâu.
Mời các bạn xem bài viết trên trang cá nhân của một đại tá – cựu trưởng phòng quản lý xuất nhập cảnh - Công an TPHCM, sẽ rõ:


Anh Nguyen Van
27 tháng 10 lúc 14:46 •
Vụ việc 39 người nhập cư bất hợp pháp vào Anh bị chết trong xe đông lạnh đang gây rúng động dư luận trong và ngoài nước.
Nhớ lại năm 2008, mình có dịp được cử đi công tác Anh cùng với hai đồng nghiệp Cục quản lý XNC để tiếp nhận công dân VN vi phạm pháp luật bị Anh trục xuất (hồi hương cưỡng bức). Chuyến công tác kéo dài 21 ngày, phỏng vấn được 30 người VN đang bị giam giữ tại các nhà tù ở Luân đôn và các vùng lân cận. Trong 30 người chỉ có 2 khai cư trú ở tp.HCM, còn lại là cư trú ở Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Số này khai nhận bị bọn buôn người dụ dỗ sang lao động tại châu Âu với thu nhập cao, nhưng thực chất là đưa họ sang Anh để trồng cây cần sa.
Lộ trình xuất phát từ cửa khẩu Nội bài sang Đông Âu, tìm đường sang Pháp, sau đó được bố trí trốn trong các xe đông lạnh qua eo biển Manche để vào Anh. Cảnh sát Anh cho biết, hầu hết số bị bắt khi trồng cần sa là số làm thuê, còn số cầm đầu rất ít khi bị phát hiện bắt giữ. Thủ đoạn của chúng là thuê nhà của người bản xứ rồi trồng cần sa trong phòng ngủ, tầng hầm..với năng lượng từ đèn điện.
Nên khi nào cảnh sát thấy chỉ số điện ở đồng hồ cao bất thường là đột kích kiểm tra. Băng nhóm tội phạm người Việt lại đối phó bằng cách câu trộm điện. Cảnh sát phát hiện ra và lại phải dùng xe tuần tra có trang bị máy tầm nhiệt... Cuộc chiến ngày càng quyết liệt , phức tạp với những thủ đọan ngày càng tinh vi. Do lợi nhuận cao nên dù bị cảnh sát phát hiện bắt giữ nhiều nhưng tình hình vẫn không giảm .
Những vụ việc này làm xấu đi hình ảnh người VN; công dân các tỉnh như Hải phòng, Nghệ an, Hà tĩnh, Quảng bình..xin thị thực nhập cảnh Anh khả năng bị từ chối cao hơn; du học sinh VN ở Anh thuê nhà khó khăn hơn.
Vụ việc nghiệm trọng lần này lại gióng lên một hồi chuông báo động, đòi hỏi các cơ quan chức năng VN phải vào cuộc quyết liệt hơn thì mới hạn chế, ngặn chặn được tình trạng đưa lao động bất hợp pháp ra nước ngoài”
Đặc biệt, các chủ tịch xã xứ “Nghệ, Tĩnh” “rành 6 câu vọng cổ” chuyện vượt biên và xem đó là điển hình của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bằng những pa-nô cổ động với lời lẽ như mệnh lệnh “Xuất khẩu lao động là thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương”.
Là nhiệm vụ chính trị địa phương, nên “lý trưởng” Nguyễn Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An đã tự hào trả lời báo Thanh Niên, khi được hỏi về anh Nguyễn Đình Tứ (26 tuổi) ở xã này là một trong 39 người chết trong container.


“Lý trưởng” Hà khoe: “Xã có gần 9.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó 1.450 người đang “làm việc” ở các nước châu Âu, hơn 1.000 người “buôn bán” tại Lào, gần 500 người đang “làm việc” tại các nước và vùng lãnh thổ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Cuộc sống người dân đã thay đổi. Xã có hơn 4.000 gia đình thì 3/4 trong số đó có nhà cao tầng, biệt thự”.
Nhớ lại năm 2008, anh Xiêm – cán bộ của Trung tâm Tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu (463 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh) rủ tôi đến phỏng vấn 3 em gái và 3 cụ già tật nguyền, trong đường dây “chăn dắt ăn xin” ở Gò Vấp, bị tạm giữ chờ trục xuất về địa phương (Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An).
Lãnh đạo Trung tâm bất bình, vì khi báo về các xã có đối tượng lang thang thường trú, để tiếp nhận họ về địa phương, thì lập tức bọn chăn dắt (xưng là thân nhân) đem giấy của UBND xã có mộc đỏ đến Trung tâm nộp. Giấy ghi ngày cấp trước một ngày đối tượng bị thu gom, và xác nhận “công dân” này có đăng ký tạm vắng tại địa phương để vào TPHCM thăm thân nhân.
Mà theo quy định, người có đăng ký tạm vắng ở địa phương thì không phải “đối tượng lang thang”, Trung tâm phải thả ra, rồi một thời gian sau “cặp đôi hoàn hảo” (một bé gái dẫn ông già tật nguyền đi xin tiền, vừa bán vé số) lại bị thu gom, rồi có giấy xác nhận của UBND xã!
Lãnh đạo Trung tâm thừa biết, ở Gò Vấp có vài đại gia chăn dắt các “cặp đôi hoàn hảo” và các UBND xã đã cấp giấy chứng nhận khống (ký tên đóng dấu sẵn) khi “cặp đôi hoàn hảo” nào bị thu gom, chủ chăn dắt sẽ “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa”.
Trung tâm có báo cáo cho Sở LĐ&TBXH biết, nhưng vì tế nhị với đồng liêu, Sở không phản ứng, Trung tâm mới nhờ tôi điều tra, tôi tìm ra tên họ chủ chăn dắt và đến nhà chụp hình lén.
Chủ chăn dắt cho các “cặp đôi hoàn hảo” ngủ trong nhà, sáng có xe ôm chở đến nơi hành nghề theo đúng lộ trình vạch sẵn (gặp khách bé gái khoanh tay quỳ gối, cụ tật nguyền đưa nón xin, khách không cho thì mời mua vé số), giữa buổi có người đi kiểm tra, chiều về nơi tập kết có xe rước, tối cùng gia đình chủ đếm và xếp tiền theo mệnh giá, nộp cho chủ, thỉnh thoảng được tạm ứng tiền chi tiêu vặt, cuối năm (hoặc khi nhà có hữu sự) có đại lý tại địa phương mang tiền thu nhập (sau khi chủ khấu trừ tỷ lệ ăn chia 4/6) của “đối tượng chăn dắt” trao tận tay thân nhân của họ!
“Lý trưởng” Hà chỉ khoe 2.950 lao động (bằng1/3 số lao động trong độ tuổi ở xã) đi làm việc ở nước ngoài, có mang về ngoại tệ làm tăng GDP cho xã. Song “lý trưởng” không thèm khoe số “lao động ngoài độ tuổi” đang ăn xin khắp nơi, nhưng chỉ mang về nội tệ, nên không đảm bảo nhiệm vụ chính trị của địa phương!


Ba Kiem Mai

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire