28/03/2020

Chính phủ cho phép xuất khẩu 3 triệu tấn gạo thì vẫn ổn


GS Võ Tòng Xuân
Ảnh: CHÍ QUỐC
GS Võ Tòng Xuân: "Tôi nghĩ chúng ta không lo thiếu gạo vì lượng lúa gạo vừa thu hoạch trong vụ đông xuân 2019-2020, sau khi đã dành cho an ninh lương thực rồi vẫn dư thừa ít nhất 3 triệu tấnCần cho xuất khẩu gạo lúc này vì gạo Việt Nam đang được mua giá cao do Thái Lan mất mùa lúa, Trung Quốc đã bán hết kho dự trữ vì gạo quá cũ, giá rẻ hơn nên năm ngoái gạo Việt Nam điêu đứng; một số quốc gia như: Philippines, Indonesia, Malaysia… đều đang thiếu gạo vì ảnh hưởng dịch COVID-19… Nếu Việt Nam chậm ký hợp đồng giành khách hàng thì Thái Lan sẽ ký trước chúng ta. Tôi e rằng không còn cơ hội cho gạo Việt Nam khi chúng ta đến sau."



Thưa GS, ngày 26-3, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã chính thức kiến nghị Thủ tướng cho xuất khẩu gạo trở lại vì lượng gạo tồn kho của doanh nghiệp và gạo trong dân lớn. GS bình luận thế nào về đề xuất này?

- Tôi rất ủng hộ vì đây là đề xuất rất hợp thời và hợp lý cho cả doanh nghiệp và nông dân. Không thể đột ngột dừng xuất khẩu gạo khi gạo Việt Nam đang được giá trên thị trường quốc tế; lúa gạo còn nhiều trong kho doanh nghiệp và hiện nay bà con nông dân ĐBSCL đang thu hoạch rộ.

* Dù VFA đề xuất như vậy nhưng nhiều lo ngại vấn đề an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và hạn hán ở ĐBSCL nên cần cân nhắc việc tiếp tục cho xuất khẩu gạo. Ý kiến GS ra sao?

- Tôi nghĩ chúng ta không lo thiếu gạo vì lượng lúa gạo vừa thu hoạch trong vụ đông xuân 2019-2020, sau khi đã dành cho an ninh lương thực rồi vẫn dư thừa ít nhất 3 triệu tấn. Cần cho xuất khẩu gạo lúc này vì gạo Việt Nam đang được mua giá cao do Thái Lan mất mùa lúa, Trung Quốc đã bán hết kho dự trữ vì gạo quá cũ, giá rẻ hơn nên năm ngoái gạo Việt Nam điêu đứng; một số quốc gia như: Philippines, Indonesia, Malaysia… đều đang thiếu gạo vì ảnh hưởng dịch COVID-19…
Nếu Việt Nam chậm ký hợp đồng giành khách hàng thì Thái Lan sẽ ký trước chúng ta. Tôi e rằng không còn cơ hội cho gạo Việt Nam khi chúng ta đến sau.
Thu hoạch lúa đông xuân năm 2020 tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: CHÍ QUỐC

* Thưa GS, nhiều chuyên gia cho rằng gạo Việt Nam đang có giá, nếu không cho xuất thì doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ khốn đốn, gạo tồn đọng nhiều, vụ tới nông dân sẽ gặp khó vì doanh nghiệp sẽ hạn chế thu mua?

- Đúng như vậy, đây là kịch bản có thể sẽ xảy ra. Việt Nam từng đã có nhiều bài học đắt giá cho việc điều hành xuất khẩu gạo. Nếu dừng xuất khẩu gạo lúc này, tôi nghĩ sẽ lặp lại sự cố thất bại thê thảm trong điều hành xuất khẩu gạo năm 2008, khi ấy gạo Việt Nam đang có giá thì Chính phủ buộc dừng xuất khẩu, chờ giá lên nhưng sau đó giá gạo tuột thê thảm, doanh nghiệp thiệt hại lớn. 
Và lần này điều hành không khéo Nhà nước lại phải tiếp tục bỏ tiền mua lúa giải cứu cho nông dân để dân có tiền trả nợ phân, thuốc.

* Nhiều ý kiến cũng cho rằng Chính phủ nên cho xuất khẩu gạo trở lại nhưng có kiểm soát (nghĩa là chỉ cho xuất những hợp đồng đã ký trước đây, không cho xuất khẩu đối với các hợp đồng mới)?

- Tôi đề xuất Thủ tướng Chính phủ cứ cho doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu gạo, khi kiểm tra còn gạo sau khi trừ 1,5 triệu tấn dành cho an ninh lương thực. Tổng lượng gạo thu hoạch vụ này được khoảng 5,5 triệu tấn.
Chừa chừng 1,5 triệu tấn cho an ninh lương thực, trừ 0,9 triệu tấn đã xuất còn tồn 3,1 triệu tấn là xuất được. Thủ tướng nên yêu cầu hải quan tổng hợp lại số lượng gạo xuất mới, đến khoảng 3 triệu là dừng không cho xuất nữa là vừa. Vì khoảng 2,5 - 3 tháng nữa bà con nông dân lại thu hoạch lúa vụ hè thu.
Người dân huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) thu hoạch lúa đông xuân những ngày cuối tháng 3-2020 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Chính phủ lo lắng cân nhắc yếu tố đảm bảo an ninh lương thực do dịch bệnh COVID-19 là đúng, chúng ta hoàn toàn yên tâm dù có ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng không lo thiếu gạo đâu. 
Tôi nghĩ dịch bệnh có ảnh hưởng nhưng lượng gạo cho dân dùng vẫn như thế, không tăng, chỉ lo ngại là dịch bệnh mà Nhà nước lại không ngăn được nạn đầu cơ tích trữ trục lợi.
Tôi mong Thủ tướng không để lặp lại khuyết điểm trong điều hành xuất khẩu gạo năm 2008, mất cơ hội cho gạo Việt Nam mà rất nhiều năm sau mới giành lại được. 

27/03/2020 

HOÀNG TRÍ DŨNG thực hiện

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire