Thiện Tùng
Bút ký
A
“... Đưa cha nó vào đây mấy hôm, chúng tôi
chẳng thấy ai ngoài nó. Chúng tôi cần chi gọi nó, bàn gì… cũng với nó. Nó dành
tất cả cho cha nó, một mình nó lo trong lo ngoài, chạy tới chạy lui như con
thoi. Nó mua cơm cháo, sữa, trái cây… về ép cha nó ăn.
Dường như nó chỉ ăn những thứ mà cha
nó không ăn hoặc ăn không hết. Ngày cũng như đêm, đi đâu thì thôi, khi về nó
lau cho cha, bắt ghế cóc ngồi dựa vào giường cha nó, nó chỉ ngủ khi cha nó nằm
êm, thức dậy ngay khi cha nó ho hoặc cựa mình. Khi đưa cha nó vào phòng cấp
cứu, ở bên ngoài nó không hề ngồi, cứ đi tới đi lui như gà mắc đẻ. Khi báo cha
nó qua đời và hỏi nó xử lý cái xác bằng cách nào, nó đứng như trời trồng, chẳng
nói chẳng rằng. Ít lâu sau, nó quẹt nước mắt, nói gọn : “Hiện tôi không có nhà, gia đình không còn ai ngoài tôi”. Nó mượn điện thoại gọi cho ai đó chừng vài phút
rồi nói như khẩn: “Xin bịnh viện cho tôi giấy
chứng tử và giúp chuyển cha tôi sang nhà xác. Tôi sẽ nhờ công ty Mai táng đem
quan tài đến tẩm liệm. Xin bịnh viện cho để quan tài cha tôi ở nhà Vĩnh biệt
qua đêm. Sáng sớm mai, tôi đưa cha tôi đi hỏa táng theo lời dặn của ông ấy. Đây
là giấy chứng minh nhân dân và bằng đại học của tôi gởi cho bịnh viện. Tôi sẽ
lấy lại nó khi thanh toán xong viện phí”.
Bịnh viện không nhận những giấy tờ
ấy và thuận theo yêu cầu của nó.
Đêm ấy, ba bốn chàng trai trang lứa
nó, mang đèn nhang đến ở qua đêm với nó. Nó tìm đâu ra mảnh vải trắng cột trên
đầu lấy lễ.
Sáng hôm sau, công ty Mai táng lại
cho xe đến, quan tài để giữa, nó ngồi trước với bác tài, các chàng trai ém hai
bên quan tài đi lò thiêu.
Chiều hôm ấy, với vẻ phờ phạc, nó
đến bịnh viện cám ơn và xin thanh toán viện phí. Thương tình, bịnh viện miễn
toàn bộ phí tổn – hơn 2 triệu đồng.
B
– Nãy giờ ông kể hết nó thế nầy đến
nó thế kia mà chẳng nói rõ xem nó là đứa nào, con cháu nhà ai … mà ra nông nỗi
– bạn tôi thắc mắc.
– Đó là tôi tóm lược lại cho anh
nghe những gì các thầy thuốc và bịnh nhân ở bịnh viện Chợ Rẫy xúc cảm, nhắc tới
nhắc lui cảnh thảm thương mà họ chưa từng chứng kiến, chớ tôi còn lạ gì nó. Nó
là thằng Thông – Nguyễn Trí Thông, cha nó là Ba Chí – Nguyễn Hữu Chí.
– Chí nào, có phải Chí Phó Ban Tuyển
sinh tỉnh Tiền Giang, viết báo, viết văn với bút danh Sĩ Tâm, đi bộ dạng như cò
ho lao đó không?
– Chớ còn ai. Anh ấy con gia đình
khá giả ở huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre, học tốt nghiệp trường trung học Nguyễn
Đình Chiểu Mỹ Tho. Sau khi tốt nghiệp, anh trốn gia đình đi Vệ Quốc Đoàn chống
Tây, năm 1954 tập kết ra Bắc Việt Nam. Do thể hình mảnh khảnh, anh được chuyển
sang ngành Giáo dục. Sau tốt nghiệp Đại học Sư phạm, anh cùng một số người khác
vượt Trường Sơn về Nam Việt Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ. Lúc bấy giờ, sư
đoàn 9 Mỹ vào Mỹ Tho, lập căn cứ Đồng Tâm ở xã Bình Đức. Chúng “quậy” quá, thầy
Chí nói riêng, giáo viên Cách mạng nói chung, người ta nói ghẹo cho vui “Giáo viên mất dạy” – nghĩa là không có
chỗ mở trường dạy học. “Không xay lúa thì
bồng em”, anh Chí không ở hậu cứ mà xin tham gia chiến trường, làm bất cứ
chuyện gì miễn có lợi cho Cách mạng như bao người khác.
Những năm cuối cuộc chiến, anh được
phân công chi viện cho thành phố Mỹ Tho, liên hệ giao công cho số giáo viên vốn
là cơ sở Cách mạng hợp pháp ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Trong những thầy cô ấy,
có một số người là bạn học của anh trước đây. Anh là một trong số người có mặt
sớm nhất khi giải phóng TP Mỹ Tho chiều 30/04/1975.
Thời chống Pháp trước đây, chống Mỹ sau
nầy, TP Mỹ Tho bao giờ cũng được xem là thủ phủ khu Trung Nam Bộ (Sài Gòn là
Đông Đô, Mỹ Tho là Trung Đô, Cần Thơ là Tây Đô). Sở Giáo Dục khu Trung Nam Bộ
tiếp quản và đặt trụ sở tại TP Mỹ Tho. Ngoài công việc tham gia quản lý Giáo
Dục, anh Chí còn làm giáo viên dạy Văn. Trong nói và viết tiếng Việt, anh Chí
thường nói ngắn gọn, xúc tích, ít tạp chất. Suốt một phần tư thế kỷ (1950-1975)
không nói, không sử dụng tiếng Pháp, thế mà khi đất nước bắt đầu chú trọng
ngoại ngữ, anh Chí dịch “trình làng” một số tác phẩm từ tiếng Pháp sang tiếng
Việt chuẩn đến mức khiến không ít người từ bất ngờ đến ngạc nhiên, thán phục.
*
Cuối năm 1975, khi 40 tuổi, anh Chí quyết định kết thúc
quãng đời độc thân. Anh kết hôn với cô giáo Điệp, cô nhỏ hơn anh một con giáp.
Trước lễ cưới mấy ngày, Sở Giáo Dục tạm cấp cho anh chị căn nhà xập xệ trong
khuôn viên trường Nguyễn Đình Chiểu để “xây tổ uyên ương”. Ít lâu sau, Sở Giáo
Dục báo: “Bên Tây vừa thông báo cho ta biết, nhà
trong khu trường Nguyễn Đình Chiểu nói chung đã hết hạn sử dụng”. Có
lẽ Tây nói đúng, tường nhà đổ cát lòi gạch lỗ chỗ, dàn cây bên trên mối mọt gậm
nhấm. Biết ở nguy hiểm, nhưng biết tìm đâu ra chỗ, đành phải trân mình bám trụ!
Và đây cũng là nơi anh chị cho ra đời Trí Thông và em gái của nó. Họ cùng sống
hạnh phúc trong ngôi nhà tạm bợ nầy.
Theo sự phân công của Sở Giáo Dục,
anh Chí rời giảng đường, làm phó Ban Tuyển sinh Tỉnh. Chưa được bao lâu gặp vận
rủi: Chị Điệp chở cháu gái đi nhà trẻ, đến ngã tư cầu bắc cũ, anh Đàng – người
lái xe cho bí thư tỉnh ủy Huỳnh văn Niềm, bất cẩn khi quanh cua, cán trọng
thương hai mẹ con chị Điệp, chở đến bịnh viện chỉ còn thoi thóp. Nhìn vợ con
thê thảm, anh Chí như người có xác không hồn. Có lẽ không đủ can đảm chứng
kiến, anh Chí lôi xểnh thằng Thông về nhà. Chỉ trong vòng 20 phút, anh nhận 2
hung tin vợ và con gái tử nạn. Anh ngồi gục đầu, Thông đứng cạnh khóc thút
thít. Cán bộ Tổ chức đến tham khảo với anh: “Nhà
chật, đưa chị Điệp và cháu vào Hội trường Đỏ tẩm liệm, làm lễ tang , sau đó đưa
đi chôn ở nghĩa địa Bình Đức”? Anh Chí đáp gọn: “Làm gì đó làm”. Đến giờ làm lễ truy điệu,
Ban Lễ tang cho xe đến rước cha con anh. Chẳng nói chẳng rằng, anh ngồi thừ ra
đó, vặn radio lớn hơn. Tôi nài nỉ mãi, anh tắt radio, ra sau rửa mặt, chải tóc
rồi nắm tay Trí Thông lững thững ra xe chẳng nói chẳng rằng. Lễ tang vợ con
mình mà anh như người ngoại cuộc, ngay khăn tang cũng đợi người bịt cho. Đến
nơi an táng, huyệt đã đào xong, quan tài đã hạ, phải dẫn cha con anh đến, lấy
đất ấn vào tay rồi còn phải gỡ tay cho đất rơi xuống – coi như hạ lịnh lấp đất.
Người ta mới bắt đầu lấp đất, anh nói như lịnh: “Cho
cha con tôi về”. Ban Lễ tang cho
xe đưa 2 người sống và vong 2 người chết về lại ngôi nhà đã hết hạn sử dụng. Từ
đó ngôi nhà trở nên quạnh quẽ, bặt tiếng cười.
Khi anh Chí nghỉ hưu, Sở Giáo Dục
dọn nhà kho gần cầu bắc cũ, tạm cấp cho cha con anh ở. Nhà tuy cũ nhưng còn
chắc, lợp tiếp-rô, thấp lè tè, nắng như lò sấy, mưa lớn giọt mưa rơi trên nóc
như máy bay rải bom bi. Nhà chỉ cách chỗ xe đụng vợ con anh vài chục thước. Anh
thường đóng cửa ở rút trong nhà, hỏi ra mới biết, anh sợ nhìn lại hiện trường
nhớ người thân quá cố.
Vợ con anh Chí chết thảm như thế,
suốt mấy tháng trời, chẳng nghe ai nói phải quấy gì buộc Anh phải có ý kiến.
Dây dưa mấy tháng trời nữa, Tòa án tỉnh mới cho mời bên nguyên cáo (Ba Chí),
bên bị (lái xe Đàng) ra tòa, việc rõ như ban ngày, nói tới nói lui đôi điều cho
đủ lễ, Tòa tuyên án đại khái: “Bên bị bất cẩn
gậy hậu quả nghiêm trọng, lãnh án tù 2 năm. Sinh mạng người vô giá, vì vậy bên
bị hỗ trợ cho bên nguyên 30.000 đồng…”.
Không đợi mời, anh Chí vừa giơ tay
vừa đứng lên nói: “Sở dĩ tôi kiện buộc Toà xử lý
vụ án để khẳng định vợ con tôi thật sự là người chớ không phải cóc, nhái. Giờ
đây có đem xử tử anh Đàng, vợ con tôi cũng không thể khác – chỉ khăn tang nối
tiếp khăn tang? Tôi không nói lượng tiền như thế nhiều hay ít, tôi muốn nói hai
chữ “hỗ trợ” mà Tòa vừa tuyên – hỗ trợ là có đi có lại, còn “hộ trợ” là trợ
giúp một chiều, đồng nghĩa với ban ơn, bố thí. Dầu nghèo, nhưng cha con chúng
tôi chưa cần sự “hảo tâm” ấy. Yêu cầu Tòa đổi 2 chữ hỗ trợ hay hộ trợ gì đó bằng 2 chữ “bồi thường” trong văn bản.
Nếu quí Tòa không thỏa mãn yêu cầu nhỏ nầy của tôi ở đây, tôi còn có ý kiến ở
nơi khác”.
Thế rồi, phiên tòa kết thức sau câu
nói dứt khát của chủ tọa: “Như đã nói, mạng
người vô giá, nếu nói “bồi thường” biết sao cho vừa?”.
Anh Chí kháng án lên tòa án tối cao.
Chừng nửa năm sau, Tòa án tối cao – đoàn thường trú ở Sài Gòn, đến Tiền Giang,
quần đảo mấy hôm, mở phiên tòa phúc thẩm. Nói tới nói lui rồi kết thúc coi như
y án – chỉ khác từ 30.000 lên 50.000 đồng tiền “hỗ trợ”.
Xem mòi anh Chí không còn bình tĩnh,
giận run, đứng dậy buông ra câu tôi còn nhớ: “Thôi
đi các vị nếu muốn còn sự tôn trọng”. Thế rồi Anh chập choạng rời
khỏi phiên tòa. Thấy tội quá, tôi lấy xe mô-tô đưa Anh về nhà. Đợi Anh bình
tĩnh, tôi hỏi:
– Vụ này Anh tính sao nữa?
– Còn tính gì nữa ! Quốc gia vẫn xử
vậy thì đành – chẳng lẽ mình kiện ra Quốc tế!?… Có điều, nếu không đổi chữ “hỗ
trợ hay hộ trợ” bằng chữ “bồi thường” trong văn bản thì tôi quyết không nhận số
tiền ấy.
Hàng năm giỗ chị Điệp và cháu, anh
Chí mời tôi cùng một ít người thân khác. Lần nào cũng vậy, khách mời cùng chủ
quét dọn, lau chùi… để rồi tiếp đón đôi ba món thức ăn do các cô giáo – bạn chị
Điệp, nấu từ đâu đem tới. Lần nào cũng rập khuôn, sau khi cúng, dọn toàn bộ
thức ăn lên cái bàn dài giữa 2 cái băng gỗ xệu xạo, nam một bên nữ một bên, ăn
chớ không có uống – anh Chí không hề đãi rượu. Anh Chí viêm phế quản, nói tiếng
trống tiếng mái, ấy vậy mà Anh cũng giương cổ xả tức: “Người
ta đi Vũng Tàu nghỉ mát về nói: Gặp thằng Đàng đang quản lý nhà máy nước đá cho
Ủy ban Tỉnh chớ đâu có ở tù như Tòa tuyên án. Thằng Đàng ở tù hay ở ngoài đối với
tôi không thành vấn đề, với tòa án thì có – nói một đàng làm một nẽo”.
*
Hồi thằng Thông còn học ở tỉnh Tiền Giang, ngày đêm cha con hủ hỉ bên nhau chia sớt vui buồn, với đồng lương hưu trí cha con anh Chí tạm bợ gói ghém. Giờ đây, thằng Thông vào Đại học phải lên Sài Gòn, đêm vắng canh buồn, bên bàn thờ hai người vắn số, anh Chí hiểu thế nào là tột cùng của sự trống trải cô đơn. Lương chuyên viên 5, năm 1985, vỏn vẹn có 600.000 đồng tháng, anh Chí sớt cho thằng Thông 400.000 đồng, anh chỉ phần còn lại. Với 400.000 đồng, thuê chỗ ở, tiền trường, tiền sách vở, ăn cơm phần như người thất nghiệp mà hàng tháng hễ qua ngày 20 là nó nói với con tôi: “Nghĩa, tao sạch bách rồi, mầy cứu bồ”. Thế là chết đuối cứu chết trôi. Vậy mà sau hơn 4 năm, Nghĩa đậu Đại học Hàng Hải, Thông đậu Đại học Bách khoa – khoa Mỹ thuật Công nghệ.
Thằng Thông có chí, sáng dạ và có
hoa tay, mới Đại học năm thứ hai mà nó trổ nghề chép tranh. Tranh nó chép khỏi
chê, nhập chung khó phân biệt đâu là bản mẫu. Mỗi tháng nó lãnh về chép được 3
bức, mỗi bức 100.000 đồng. Từ đó lương hưu của cha nó chia phần ngược lại – cha
7 con 3, vừa đỡ khổ cho anh Chí và thằng Nghĩa cũng khỏi bao cho Thông vào
những ngày cuối tháng.
Ở ủ trong nhà riết cũng oải, hàng sáng, anh
Chí thả đi một vòng khoảng 1 ngàn thước từ nhà đến Vườn hoa Lạc Hồng, vừa cho
giãn gân cốt, vừa xả thán hít dưỡng. Hễ mệt, Anh trịch bên lề ngồi nghỉ. Tướng
Anh đi như Cò ho lao, ngồi gục khò khẹt như gà mắc xương.
Bữa nọ, thấy anh Chí ngồi nghỉ mệt ở
lề đường trước nhà hàng Chương Dương, anh Trần Thế Yên mời anh vào nhà hàng đãi
cà-phê sữa. Uống được chừng nửa ly, anh lật ngang sôi bọt mép. Thế Yên hộc tốc
gọi xích-lô đưa Anh vào bịnh viện cấp cứu. Yên gọi điện thoại cho tôi vào bịnh
viện ngay để cùng toan tính. Tôi vào đến nơi, đã có kết quả xét nghiệm bước
đầu: Anh Chí không phải bị ngộ độc mà bị tai biến mạch máu, liệt một bên người,
đã đưa vào phòng hồi sức. Yên ghị tôi ngồi xuống băng đá nói:
– Tụi mình đứa nào cũng bù đầu việc
nhà, nhưng anh Chí lâm cảnh nầy cần phải có người túc trực chăm sóc. Nếu gọi
Thông về chăm sóc cha nó thì sẽ ảnh hưởng sự học hành của nó. Nếu không tôi
hoặc anh nhào vô biết cậy vào ai?! Thôi thì hai đứa mình thay phiên nhau, ý
anh?
– Khó cũng phải cố chớ nạnh ai, đành
phải “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”.
Với anh Chí, tôi và Yên đều không
phải họ hàng – chỉ là chiến hữu, là bạn đời (không phải bạn đường). Đã là bạn
đời thì đời đời vẫn là bạn, phải sinh tử bất ly.
Biết rằng “khóc nhục, than hèn, rên
yếu đuối”, nói để biết, để cảm thông chớ không phải rên:
Thế Yên là cán bộ mất sức, vợ là
nhân viên văn phòng Tỉnh Ủy. Yên vừa bị đuổi nhà, đang chạy chỗ lập cơ ngơi.
Yên là kỹ sư Điện và kỹ sư Hóa, phải bươi mới có mổ. Yên mới khánh thành cơ sở
sản xuất phân hữu cơ VAC, có hơn 10 công nhân, đang bù đầu khâu quản lý nhân sự
và kỹ thuật – hơ hỏng phá sản tiêu đời.
Còn tôi cũng chẳng “sáng sủa” gì, là
cán bộ nghỉ hưu, thương binh mất sức 71%, ở nhà mướn, chạy cho 3 đứa con đang
học Đại học muốn sặc máu, còn phải chăm sóc bà vợ bị bịnh ung thư vú sau bước mỗ,
đang hóa và xạ trị ngoại trú, đang xơ vơ xửng vửng, đầu rụng tóc trọc chát như
ni cô.
Nhờ kết hợp điều trị, chăm sóc và nỗ
lực của bịnh nhân, chỉ hơn một tuần, anh Chí cử động toàn thân, tự gượng đi tới
lui tắm rửa, tiểu tiện. Ngày chủ nhật chúng tôi gọi Thông về thăm cha nó rồi
khuyên nó yên tâm trở lại trường lo việc học hành.
Khoảng 20 ngày sau, được bịnh viện
đồng ý cho anh Chí ngoại trú ở nhà. Thế là ổn, Yên an lòng lo nhà cửa và cơ sở
VAC, còn tôi chạy tới chạy lui lo cho “ni cô” và anh Chí. Cơm nước trưa chiều
anh Chí tự ra quán Cây Me ăn cơm bình dân. Tiền hảo tâm do anh em gom góp tôi
chêm thêm cho Anh bồi bổ.
*
Một hôm tôi tới, anh Chí chìa cái
thư cho tôi và nói: “Công ty Nhà Đất vừa đem
tới, chú đọc kỹ để rõ tình đời”.
Bức thư rất gọn, nguyên văn: Kính gởi anh Huỳnh văn Niềm, Bí thư Tỉnh ủy – Cách đây
hơn 3 năm, khi đến thăm tôi, anh nói : “Tôi sẽ bàn với Ủy Ban Tỉnh ký cho anh
cái nhà nầy…”. Nếu không có gì thay đổi, các anh làm giấy cho tôi cái nhà tôi
đang ở. Khi có chủ quyền, tôi sẽ bán nó, lên Sài Gòn tìm mua căn nhà nhỏ trong
hẻm để cha con tôi cùng ở bên nhau. Sức khỏe của tôi ngày một kém, nhất là bịnh
viêm phế quản ưa nghẹt thở bất thường – Nguyễn Hữu Chí.
Anh Niềm bút phê dưới thư: “Gởi Nhà Đất – Anh Chí có yêu cầu lên Sài Gòn ở với
con, các anh xuất quỹ cho anh Chí 5 triệu đồng, thu hồi nhà anh Chí đang ở lại
cho chúng ta”.
– Vậy là Nhà Đất đem tiền đến cho
anh rồi? – tôi hỏi.
– Không. Họ chỉ đem thư và khuyên
tôi nên giữ nhà để ở, chớ 5 triệu đồng mà mua được cái gì. Ý họ hợp với ý tôi, chuyện
cho hay không cái nhà đối với tôi không phải là chuyện lớn. Đáng nói, đáng buồn
ở đoạn: “Thu hồi nhà anh Chí đang ở lại cho
chúng ta” – Vậy vô hình trung, ông ấy không còn coi tôi là đồng chí
hay đồng bọn nữa rồi?!
Tôi thầm nghĩ, anh Chí hiền như cục
đất, chẳng lẽ anh cãi cọ và chống án vụ vợ con anh bị liệt vào loại “cứng đầu”.
Cuối năm 1997, ngân hàng nhà nước –
chi nhánh Tiền Giang gởi thông báo gọi anh Chí đến nhận 700.000 đồng vốn lời
tiền gởi tiết kiệm. Câu bọc chót: “kỳ hạn trong
15 ngày, kể từ ngày ra thông báo nầy, nếu đương sự không đến nhận tiền, ngân
hàng sẽ xung số tiền ấy vào công quỹ”.
Anh chí đến ngân hàng trả lại thông
báo và nói:
– Các anh lộn tôi với ai rồi đó, tôi
đâu có gởi?
– Hay là Chị gởi ? – ngân hàng đặt
vấn đề.
– Vợ tôi đã chết hơn 10 năm rồi!
Vì không nhận nên giả vờ không biết,
anh đoán chắc đó là tiền tòa xử bên bị “hỗ trợ” cho bên nguyên trong vụ vợ con
anh tử nạn mà anh không nhận trước đây, người ta lấy tên anh gởi nó vào ngân
hàng, lãi mẹ đẻ lãi con. Anh thắc mắc: “Kỳ lạ, ngân hàng nếu không nhận vay số tiền ấy thì
khoanh nó lại (không chịu lãi) chớ đâu có quyền xung nó vào công quỹ – việc ấy
thuộc chính quyền?” – Đã không nhận nói làm gì, xung đâu đó thì
xung.
*
Sau 5 năm đeo bám học đường, Thông
tốt nghiệp Đại học Bách khoa – khoa Mỹ thuật Công nghệ, xin được việc làm ở
Nhựa Sài Gòn, lương tháng 4 triệu đồng. Thông ngỡ “đêm đã qua, bình minh đến”,
không ngờ chứng bịnh viêm phế quản và suy hô hấp của cha ngày thêm trầm trọng,
chu kỳ nghẹt thở nhặt hơn, mỗi khi lên cơn phải dùng phương tiện xịt khai thông
phế quản.
Bịnh nghẹt thở mà ở một mình dễ chết
khi lên cơn, Thông đến trại an dưỡng cán bộ Sài Gòn nói rõ hoàn cảnh và xin cho
cha mình được làm thành viên của trại. Khi được chấp nhận, từ Sài Gòn, Thông
mướn xe về Mỹ Tho rước cha lên nhập trại. Ở trại có nhiều người cùng cảnh
chuyện vãn, anh Chí vui và thoải mái hơn. Hàng ngày anh đóng 50 ngàn đồng phí
ăn nghỉ và kiểm tra sức khỏe. Sau giờ làm, Thông về trại chăm sóc cha, tạo sự
sum hợp dù tạm bợ.
Tháng 10/1999, cơ quan Nhà Đất gặp
tôi nói: Tỉnh chủ trương phát mãi số nhà còn lại
thuộc diện Nhà nước quản lý. Nhà anh Chí thuộc diện đó, nhờ anh báo chủ trương
nầy với ông Nguyễn Hữu Chí. Dù mua hay không cũng báo cho chúng tôi biết”.
Sau khi nghe tôi báo, anh Chí nói: “Nếu không cho mướn nữa thì lấy lại, tôi không có tiền
mua”. Tôi phân tích thiệt hơn, cuối cùng anh Chí chịu mua, nhưng mọi
thứ nhờ tôi.
Sau bước thuận mua, tôi nhờ Công ty
kinh doanh Nhà Đất tính giá và làm giấy tờ. Qua bước thăm dò, tôi gọi Thông về
Mỹ Tho, bảo nó đến nhà đại lý giấy số, liên cư với nhà nó, ngã giá bán nhà. Lợi
thế mặt tiền, liên cư, họ chịu nhận mua với giá 58 lượng vàng. Theo giao kèo,
họ đưa trước 10 lượng để làm giấy tờ. Với 10 lượng vàng ấy, Thông đem bán, trả
tiền nhà cho Nhà nước 33 triệu (đã trừ chính sách), phần còn lại đủ đóng thuế
trước bạ và phí tổn đo đạc, làm giấy tờ.
Với 48 lượng vàng dôi ra, Thông lên
Sài Gòn mua được căn nhà mới xây trong hẻm, diện tích xây dựng 40m2 gồm 1 trệt,
1 gác lửng. Làm thủ tục giấy tờ, tiền bạc trả xong, còn 5 ngày nữa mới nhận
nhà, anh Chí ngã bịnh nặng phải chở đến bịnh viện Chợ Rẫy cấp cứu rồi qua đời
như đã nói ở phần A.
C
Theo giao hẹn, sáng hôm sau, một
mình với chiếc mô-tô hiệu Honda tòng tọc, Thông đến cùng người lò thiêu gom
xương tro từ xác cha mình đang nằm gọn trong khay cho vào hũ, hũ cho vào cái
túi mà Thông đã cụ bị từ tối qua.
Trên đường về, Thông phải cho xe ép
sát lề nhường đường cho đoàn xe tang bề thế đi ngược chiều. Xe chở quan tài rề
rề đi trước, “làng nước” trên xe, dưới bộ thụ động theo sau – tất cả cùng tốc
độ với người đi bộ. Âm lượng dàn nhạc chát tai, liên hồi trổi lên âm điệu thê
lương, khiến cho bất cứ ai trong tầm âm thanh của nó đều phải để ý. Gần nửa
tiếng đồng hồ họ mới dứt đuôi, để lại sau biết bao là Đô-la “âm phủ” rơi vãi
trên mặt đường. Nhìn toàn cảnh đám tang bề thế, nhìn lại cái túi đựng hũ tro
cha mình, Thông chạnh lòng, mệt mỏi đẩy xe ra, về nơi ở trọ.
Chưa đến ngày nhận nhà, sợ người ta
rầy, Thông không cho ai biết hũ tro nầy. Khi đi làm mang nó theo, khi về nơi
trọ giấu nó dưới gầm giường. Cứ thế, đến khi nhận nhà, Thông lập chỗ thờ, đưa
hũ tro lên cho yên chỗ.
Chừng tháng sau, Thông trở lại Mỹ
Tho, ghé nhà tôi giữa trưa Hè nắng đổ lửa. Nó vừa rửa vừa láp váp với tôi: “Hồi sáng tới giờ, cháu đào gốc, chặt rễ, đổ dầu hôi
diệt gốc cây Me Keo to tướng, rễ nó ăn ruồng vào mộ mẹ và em cháu. Nghe nói khu
nghĩa địa Bình Đức Nhà nước đã quy hoạch, sẽ giải toả lấy đất làm gì đó. Khi có
lịnh giải tỏa, cháu sẽ lấy cốt mẹ và em cháu đem thiêu, cho vào hủ, đưa lên bàn
thờ chung với cha cháu, để người sống, người chết bên nhau”.
Thông ăn cơm, tôi xề bên đưa cho nó tiền 3 tháng lương cuối
đời và tiền mai táng phí của cha nó. Nó nhận rồi lần lượt trả lời những câu hỏi
của tôi: “Cháu vẫn làm ở Nhựa Sài Gòn, lương
tháng hơn 4 triệu đồng, có nhà, có xe gắn máy, có điện thoại cố định và di
động… Đặc biệt, cháu đã sắm được dàn vi tính làm phương tiện tạo mẫu bán tăng
thu nhập. Còn vợ thì đã chọn, khi nào cưới chắc phải nhờ chú hoặc chú Yên đại diện đàng trai?”.
Sẵn sàng !… – tôi nói.
Mỹ
Tho, 20/10/2016
Thiện Tùng
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire