30/09/2020

Chúng tôi ngán bánh vẽ lắm rồi!

Thiện Tùng

29/9/2020

Có tầm nhìn dài hạn hơn chớ không phải nóng đâu phủi đó, đối phó từng năm - Ảnh Vietnam.Net

Con người được tạo hóa sinh ra, cơ thể mỗi con người đều có “lục phủ, ngũ tạng”, mỗi phủ, tạng đều có chức năng riêng, dùng sai không đảm bảo độ chính xác, chẳng hạn như tai nghe, mắt thấy, đầu óc tư duy…


Siêu nhân như Tề thiên Đại thánh hay Thiên Lý Nhản, Thuận Phong Nhỉ… cũng phải dùng tai, mắt để nghe, để quan sát mọi sự vật, sự việc nên độ chính xác cao.

Lãnh đạo Việt Nam nhẹ nghe nhìn bằng tai mắt, nặng dùng đầu óc thay cho tai mắt suy đoán chủ quan nên độ chính xác thấp. Bởi vì: tai và mắt có trách nhiệm cung cấp kịp thời, xác thực nguồn nguyên liệu không thể thiếu để đầu óc cân nhắc, chế biến. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam luôn “lười biếng” nghe, nhìn nên đầu óc thiếu nguyên liệu, cứ bổn cũ soạn lại. Chính từ đó, chỉ nói về mặt kinh tế, lãnh đạo Việt Nam, hết lần nầy đến lần khác, cho nhân dân Việt Nam ăn hết bánh vẽ nầy đến bánh vẻ khác.

“Không liệu cơm gắp mắm”, năm 2010, Đảng và Nhà nước Việt Nam dùng đầu óc suy đoán chủ quan, phóng tầm nhìn: “Năm 2020 nước Việt Nam hoàn thành Công nghiệp hóa, hiện đại hóa / Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Còn mấy tháng nữa là hết năm 2020, mà chẳng thấy những mục tiêu ấy xuất hiện. Lẽ ra phải nghiêm túc kiểm điểm xem tại đâu, do đâu nên nỗi?!. Đàng nầy, Đảng và Nhà nước phớt lờ cho qua.

      Cứ “Thua keo nầy gầy keo khác, thua gì cũng kiêu, bại cũng không nản. Đâm lao phải theo lao”,  lấy lời giáo huấn của Cụ Hồ làm động lực: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi lấp biển quyết chí ắt làm nên”. Thế là, đến hẹn lại lên, cứ đến kỳ Đại hộ các cấp thi nhau xác lập tầm nhìn mới.

       

       a) Tầm nhìn sắp tới của Trung ương

       - Theo dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng phóng tầm nhìn: Đến năm 2030 Việt Nam sẽ trở thành nước Công nghiệp hiện đại / Đến năm 2045 (dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước) Việt Nam sẽ thành nước phát triển”- Hiện nay trên thế giới chỉ có 7 hay 8 nước được xếp vào nhóm phát triển (thuộc G7 hay G8).

       - Ông Trọng trưởng Tiểu ban Văn kiện, ông Phúc trưởng nhóm chuyên sâu về Kinh tế - Xã hội cùng thống nhứt ghi vào tập Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về thu nhập bình quân đầu người từ nay đến 2045, các vị phóng tầm nhìn cụ thể như sau:

       + Hiện tại thu nhập bình quân 1.800 USD đầu người/năm, đến cuối năm 2020 sẽ tăng lên 3.000 USD/đầu người/năm - (trang 90)

       + Đến  cuối năm 2025 sẽ tăng lên 5.000 USD/đầu người/năm-(trang 13) 

       + Đến cuối năm 2030 sẽ tăng lên 8.000 USD/ đầu người/năm -(trang 62)

       + Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2045 không thấy ghi trong tập Văn kiện Đại hội. Chỉ thấy lời phát biểu của Thủ tướng Phúc phát biểu trong cuộc họp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư: Nếu tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước khoảng 7%, thì đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 35.000 USD, bằng mức Hàn Quốc vào năm 2015”.

       

       b) Tầm nhìn sắp tới của địa phương

       Những tháng còn lại của năm 2020 nầy, Đảng bộ các Địa phương thi nhau mở Đại hội, thi nhau phóng tầm nhìn cho địa phương mình. Phần địa phương nầy, tôi chỉ mới ghi nhận được tiếng gáy của con “gà cồ” TP Hồ Chí Minh.

      

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM

       Chiều 24/9/2020, trước khi bế mạc Hội nghị lần thứ 49 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, Bí thư đảng bộ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nói trước đại biểu Hội nghi: “TP HCM là địa phương duy nhất mang tên Bác Hồ. Đây chính là niềm tin của Đảng, Chính phủ, nhân dân cả nước đối với TP. Vì vậy, TP.HCM phải phát triển xứng đáng với đạo đức, với sự nghiệp của Bác. Mỗi đảng viên, mỗi công dân phải thấm sâu hơn đức tính của Bác Hồ, văn hóa Hồ Chí Minh và phải coi như đặc thù của người dân TP.HCM”. Ông Nhân phóng tầm nhìn:.

       - Đến năm 2045, TP HCM phải là trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ của Châu Á.

       

       - Về thu nhập bình quân đầu người/năm:     

       + Ông Nhân nói rằng: “TP HCM phải tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước”. Ông lại nói: “Dịch COVID 19 còn đang diễn biến phức tạp, khó ước tính thu nhập bình quân đầu người năm 2025…”.

       + Đến cuối năm 2030, ước tính thu nhập bình quân đầu người  dân TP đạt 12.570 USD/người/năm - thuộc nhóm có thu nhập cao. 

       + Đến cuối năm 2045, ước tính thu nhập bình quân đầu người dân TP HCM đạt 40.000 USD/năm

       

       “Tầm nhìn” là công việc của mắt, sao các vị giao cho đầu?!. Không khéo từ hói tóc trán dẫn đến lán tóc đầu như sư sãi ở chùa chớ phải chơi đâu?. Đó là chưa nói, phân nhiệm không đúng chức năng, đầu sẽ tiếp tục cho dân “ăn bánh vẽ” dài dài?!.

       

       *

       

       Tiện thể, mời chư vị đọc giả xem 3 câu chuyện vui dưới đây:

       

       1/ Chuyện “vạn lý trường chinh”

       << Tôi đọc “Vạn lý trường chinh” củaTrung Quốc do Mao Trạch Đông lãnh đạo, có đoạn viết đại ý: Khi hành quân về tỉnh Sơn Đông, Hồng quân Trung Quốc lận đận, đói khát, số đi không vững, số tự ý ngồi nghỉ bên đường, viên chỉ huy dùng thủ thuật nhử mồi: “Ở Sơn Đông có nhiều lương thực, thực phẩm, Táo trái nào trái nấy lớn hơn cả nắm tay…”. Nghe chỉ huy nói thế, như được tiếp thêm sinh lực, cả binh đoàn cố sức đến được Sơn Đông. - Khi đến đó họ có no say hay không, tác giả không kể>>. 

       

       2/ Chuyện bức ảnh trên báo Nhân Dân

       << Năm 1964, khi tôi  tham gia kháng chiến ở Đồng Tháp Mười, cấp trên thỉnh thoảng gởi cho tôi báo Nhân Dân từ Bắc Việt Nam chuyển vào qua đường Nam Vang (Campuchia). Có lần báo nầy đăng bức ảnh “Sự động viên”. Nhìn ảnh mắc cười: Một con trâu ốm đói gồng lưng kéo xe đi chậm hơn rùa, người điều khiển đi thụt lủi trước trâu, tay cầm bó cỏ, luôn giữ khoảng cách miệng trâu chừng 5 tấc, nhử khích lệ. Con trâu cố rướn tới để được ăn cỏ, nhưng đoán chắc là nó không được ăn trên đường. Nhờ sự động viên ấy, chắc con trâu sẽ làm tốt nhiệm vụ là kéo xe về tới nơiChỉ là ảnh trên báo chớ không phải phim nên tôi không biết con trâu có được ăn bó cỏ đó không>>.

       

       3/ Chuyện tếu dân gian Việt Nam

       << Chồng vợ và 2 đứa con trai một nhà nghèo, cố gắng chỉ đủ tiền mua gạo. Không có thức ăn, lũ trẻ nuốt cơm không vô. Người cha nghĩ ra sáng kiến: lấy gỗ đẻo thành hình một con cá rô treo thòng trên cao chỗ bàn ăn rồi dặn 2 đứa nhỏ: “Mỗi khi các con nuốt cơm không vô ngước lên nhìn con cá rô treo trên đầu sẽ nuốt vô dễ dàng thôi”.

       

       Quả vậy, khi nuốt cơm không vo, lũ nhỏ làm theo lời cha dặn ngước lên nhìn con cá rô, cơm thuận chiều tọt xuống cổ họng rồi vào bao tử dễ dàng.

       

       Một hôm, trong một bữa ăn, thằng anh cứ ngước lên, thằng em ganh tỵ, mét với cha:

       

       - Anh hai cứ ngước lên nhìn cá hoài kìa ! .

       

- Kệ anh con, nó thích ăn mặn khát nước ráng chịu - người cha đau lòng nói cho qua >>.  -/-

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire