17/10/2020

CÁC THÁI TỬ ĐỎ

Canh Tran thanh

Thái tử đỏ

Trước hết tôi phải khẳng định là, tôi không có định kiến gì về việc các nhân vật xuất thân từ các gia đình hoạt động chính trị truyền thống, tiếp nối ông cha họ, tham gia chấp chính. Ngược lại, tôi cho rằng ở một đất nước phát triển, việc có các đại gia đình ảnh hưởng lớn về chính trị, kinh tế lâu đời là một điều dĩ nhiên. Chúng ta hãy xem ở bên Mỹ: những gia tộc lừng lẫy như nhà Kennedy, Bush, Mc.Cain... đã từng có rất nhiều thành viên của nhiều thế hệ tham gia chấp chính, ở nhiều mức độ khác nhau.


Nhưng vấn đề là nền dân chủ của Mỹ họ có một bộ lọc và sửa sai. Nó khiến cho các thái tử danh gia vọng tộc mà không có tài năng kinh bang tế thế thực sự sẽ nhanh chóng bị lột mặt và rớt đài. Bởi thế, các thái tử của các gia đình này một khi đã tham gia chính trường thường được đào luyện và có khả năng rất tốt.

Còn tại Việt Nam, nền chính trị theo mô hình đảng phái, quốc hội, nhà nước... cũng là sự cóp nhặt chưa hoàn hảo của mô hình chính trị phương Tây, nên nó xuất hiện nhiều vấn đề dị biệt, không giống với thông lệ quốc tế cũng là điều dễ hiểu. Trong vấn đề gọi là sự kế nghiệp của các thái tử đỏ ở nền chính trị nước ta cũng vậy. Với con mắt quan sát của một nhà văn hay viết về các vấn đề thời sự chính trị xã hội của đất nước tôi cũng nhận thấy nhiều điều đáng nói. Tôi sẽ viết ra đây cho các bạn tham khảo xem sao. Tôi viết trên căn cứ các thông tin chính thống, trên hệ thống thông tin của nhà nước và các thông tin nước ngoài, mạng xã hội đã được kiểm chứng. Hoàn toàn khách quan. Bởi thực ra tôi chỉ đóng vai người quan sát, không có bất cứ một sự liên hệ nào với các thái tử đỏ mà chúng ta sẽ đề cập đến.

Trước hết là ông Phạm Bình Minh, uvbct, phó thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao. Ông Minh là con cố bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (nguyên họ Phạm). Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ vừa qua, có lẽ ông Minh đã phải đối mặt với không ít vụ khủng hoảng đối ngoại của đất nước. Thế nhưng cho đến nay, về cơ bản sóng yên biển lặng cả. Quan hệ với Trung Quốc vẫn giữ được khá yên tĩnh. Quan hệ với EU vẫn tốt. Tình nồng với Mỹ có vẻ được tăng cường. Còn ASEAN, dường như cũng kết đoàn hơn về Biển Đông. Hàn, Nhật không nói, vẫn ấm áp truyền thống! Vậy bạn còn đòi hỏi gì hơn nữa ở một ông thái tử đỏ, điển trai, nói tiếng Anh như gió... Thái tử nào cũng được như ông này, có quyền tôi sẽ bầu ông ấy đứng đầu đất nước luôn!

Vị thái tử thứ hai, cũng rất nổi trên chính trường Việt thời gian qua là ông Trần Tuấn Anh, bộ trưởng công thương. Ông này là con trai của nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương. Thế nhưng ông này không nổi tiếng ở tài cao đức trọng mà nổi ở các vụ lùm xùm từ khi lên chức bộ trưởng. Hàng chục dự án của bộ công thương gây thiệt hại hàng trăm ngàn tỷ là từ thời tội nhân Vũ Huy Hoàng truyền lại, đổ cho Trần Tuấn Anh là không phải. Có điều mấy năm qua, dưới tay ông, nó vẫn cứ đắp chiếu và ca bài lỗ và lỗ! Huy động xe pháo nhân viên công lực hầu vợ, bổ nhiệm cán bộ bất chấp tiêu chí... ấy là những điều nổi bật của vị thượng thư này. Ngoài ra, giới văn nghệ cho biết, ông còn là tác giả của những bài thơ thẩn kinh dị, lổn nhổn đá, nhưng đã từng được một nhạc sĩ lừng danh phổ nhạc... Nói tóm lại, sự nghiệp kinh bang tế thế của ông bộ trưởng này đến nay tôi tìm mãi chả ra thành quả gì gọi là ích nước lợi dân! Thế mà nghe nói, kỳ này ông ấy còn được quy hoạch lên cao, cao lắm ấy cơ. Chuyện này có thật thì chỉ biết bình: nước Nam ta đã hết người rồi!

Vị thái tử thứ ba mà chúng ta biết, thực ra lại khá trầm lặng, kín tiếng. Ông Lê Minh Hưng, nguyên thống đốc ngân hàng nhà nước vừa được bổ nhiệm chức vụ cực quan trọng: chánh văn phòng TW Đảng. Ông này là con của ông Lê Minh Hương, cựu uvbct, bộ trưởng công an. Đầu tiên mình cũng chả quan tâm đến ông này lắm. Nhưng một lần lái xe trên đường dài, mở VOV nghe cho đỡ buồn ngủ. Trúng ngay phiên trả lời chất vấn quốc hội của ông Hưng. Về vụ huy động tiền- vàng trong dân. Ông nói, phải tạo ra môi trường kinh doanh tốt, để dân bỏ tiền- vàng ra sản xuất kinh doanh, rồi nhà nước thu được thuế, đấy là cách huy động tốt nhất chứ không phải móc tiền vàng của dân ra tiêu...Phải nói là ông Hưng trả lời xuất sắc, thuyết phục. Sau bài trả lời của ông, đại biểu im tịt và công luận cũng êm đét. Để ý thêm, từ ngày ông Hưng làm thống đốc, tình hình tài chính tiền tệ vĩ mô của nước nhà có vẻ ổn định. Mà trong một thế giới đầy bất an này, từ ổn định là một điều khá xa xỉ...Nên với tư cách một cá nhân đã từng điều hành doanh nghiệp, tôi thấy ông thái tử đỏ này xứng đáng được trao trọng trách lớn hơn nữa kia!

Thái tử cuối cùng đề cập tới là ông Nguyễn Thanh Nghị, nguyên bí thư Kiên Giang vừa điều đi làm thứ trưởng bộ xây dựng. Ông này nổi tiếng vì vụ nhảy cóc, phắt phát vào bch tw! Chả cần quy trình gì hết. Có lẽ lúc đó cái bóng của ông nguyên thủ tướng, cha ông Nghị là Nguyễn Tấn Dũng quá lớn. Thế nhưng gần cả nhiệm kỳ ông lặn mất tăm ở biển Tây xa xôi... Gần cuối nhiệm kỳ, thời gian vừa rồi thấy nổi lên ít tăm về... thành tích phá nát đảo ngọc Phú Quốc! Còn là thôi... cũng có thể do cái bóng của ông bố quá lớn, trùm lên, rợp đen hết cả khiến cho vị thái tử đỏ này không vượt ra được khỏi thế hệ trước để mà thi thố thể hiện bản lĩnh của mình. Chắc là thế...

Câu chuyện về các thái tử đỏ là câu chuyện thường nhật, lẽ dĩ nhiên của chính trường nước Việt. Cá nhân người viết bài này đã từng nêu câu hỏi: AI BIẾT Ở ĐÂU CÓ QUAN CHỨC CỠ CẤP GIÁM ĐỐC SỞ nào trở lên mà không thuộc hàng "Ệ", chỉ cho tôi xem cái? Kết quả 5000ae, chả ai lên tiếng! Nên trong dân gian cũng lưu truyền câu: "đồng chí này là con đồng chí nào?", lời hỏi nhau mỗi khi thấy ai mơi mới được bổ nhiệm...

Vậy nên như tôi nói từ đầu, việc chấp chính của các thái tử đỏ trong nền chính trị nước ta hiện nay là một thực tế không phủ nhận được. Và chúng ta phải chấp nhận (mà không chấp nhận cũng không được! Nói thế cho nhanh!). Chỉ có điều với tư cách người dân, tôi cũng chỉ biết cầu mong cho các ông thái tử đỏ nhìn ra có vẻ tử tế, năng lực như ông Phạm Bình Minh, Lê Minh Hưng chấp chính thì dân đen cũng đỡ khổ. Thế thôi.

Ps: "Ệ", hiện nay theo dân gian để làm căn cứ bổ nhiệm là: hậu duỆ, tiền tỆ, quan hỆ!

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire