11/11/2020

1 cuộc bầu cử lịch sử khép lại, rốt cục ta nhìn thấy điều gì?

Chủ Nhật, ngày 8/11/2020

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao

(PLO)- Bầu cử 2020 chứng kiến những sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Mỹ.


LTS: Bầu cử Mỹ bắt đầu bước vào giai đoạn kết thúc khi ứng viên Joe Biden đã chiến thắng sau đợt bỏ phiếu phổ thông trên toàn nước Mỹ. Nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới đã gửi lời chúc mừng đến ông Biden. Tuy nhiên, bầu cử Mỹ cũng cho thấy cường quốc số một thế giới đang chia rẽ sâu sắc. Thậm chí, cuộc bầu cử cũng khiến dư luận nhiều nước tranh cãi dữ dội. PLO.VN xin giới thiệu bài viết của Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế (thuộc Liên Hợp Quốc) xung quanh sự kiện được thế giới quan tâm nhất trong tuần qua.


Dù thắng-thua, cả hai ứng viên đều đáng được tôn trọng

Cuối cùng kỳ bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ 46 đã có kết quả dù vẫn còn những trở ngại pháp lý do bên thất thế tạo ra. Một cuộc bầu cử kỳ lạ trong lịch sử nước Mỹ khi việc kiểm phiếu phải tiến hành tới 5 ngày, khi số lượng cử tri đi bầu kỷ lục, khi sự phân rẽ trong lòng nước Mỹ sâu sắc nhất, khi kết quả kiểm phiếu ở nhiều bang chiến trường chỉ cách nhau bằng bề dày của “một con dao cạo”.

Cuộc bầu cử vượt ra khỏi biên giới Mỹ, đến từng ngóc ngách của thế giới, nơi người dân không có quyền bỏ phiếu chính thức nhưng sẵn sàng ủng hộ cho các ứng cử viên thông qua facebooks, twitter, từ các quán trà vỉa hè hay đến các cuộc bàn tính của các chính trị gia.

Phe ủng hộ Trump vỡ mộng vì giấc mơ 4 năm tiếp theo không thành hiện thực và lên tiếng chỉ trích một cuộc bầu cử đã “đánh cắp” chiến thắng của họ. Phe ủng hộ Biden tiếc chưa có một chiến thắng thực sự áp đảo chủ nghĩa Trump và giành lại Thượng viện. Bầu cử đánh dấu sự phân chia không chỉ ở nước Mỹ mà trong lòng các quốc gia khác; giữa sự lựa chọn các giá trị dân chủ truyền thống và sự phá cách thách thức các thể chế, quy định được cho là lạc hậu; giữa chính sách và cá tính người điều hành; giữa biến đổi khí hậu và lợi ích quốc gia trước mắt; giữa hợp tác và chia rẽ.

Vượt qua tất cả những đố kị, miệt thị, tranh cãi gay gắt, trước hết hãy giành sự tôn trọng xứng đáng cho cả hai ứng viên. Hai ông đã lập nên kỷ lục vô tiền khoáng hậu, có số cử tri đi bầu vượt qua tất cả các số liệu của các đời tổng thống đã từng đắc cử trước. Một người đại diện cho giới tài phiệt bước vào chính trị, và người kia là hình ảnh thách thức số phận, vượt qua các bi kịnh cuộc đời, ba lần tranh cử tổng thống. Hai ông đã góp phần tạo ra một trận chung kết lịch sử với đủ cả hỉ nộ ái ố.

Ông Biden (trái) đã dành chiến thắng lịch sử trước đương kim Tổng thống Donald Trump

Nhìn lại những gì ông Trump đã làm

Xét một cách công bằng, với 4 năm tại vị Tổng thống Donald Trump đã đưa kinh tế Mỹ, việc làm, chứng khoán lên sắc xanh trước khi COVID-19 xóa sạch các nỗ lực. Trên trường quốc tế, ông là tổng thống Mỹ đầu tiên phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, kìm hãm tích cực những hành động thái quá của thế lực mới nổi, không tuyên bố mở rộng chiến tranh ở những vùng đất mới, đặt nền móng cho vãn hồi hòa bình ở Trung Đông dù mong manh và được giải quyết bằng tiền và quyền lực hơn là sự thuyết phục.

Ông Trump cũng là người giữ lời thực thi các cam kết bầu cử của mình. Song chính ông, với cá tính không giống ai, đã tự mình đào hố dưới chân. Khẩu hiệu nước Mỹ trên hết thực chất được diễn giải thành Donald Trump trên hết. Tổng thống hăng hái tấn công vào các giá trị và thể chế dân chủ truyền thống, luôn cho ý kiến mình là đúng, miệt thị tất cả những ai khác chính kiến và sẵn sàng phá bỏ luật pháp để đạt được mục đích của mình.

Ông Trump sẵn sàng ủi bay các tổ chức quốc tế, đi ngược lại các kết luận khoa học, sẵn sàng chơi xấu và phá vỡ hệ thống đồng minh. Tổng thống thách thức cả thế giới, thách thức xu thế toàn cầu hóa, hợp tác chung tay giải quyết các vấn đề chung của nhân loại. Ông Trump trở thành biểu tượng của tinh thần nổi loạn chống lại các thể chế luật lệ được cho là lỗi thời không chỉ ở Mỹ mà ở nhiều nơi khác. Ông được lòng những người dân đang vật lộn với những khó khăn của đời sống hàng ngày, khát khao đổi mới song cũng đánh mất đi các đồng minh, bạn bè, các chính trị gia, tài phiệt, nhà khoa học….

Đối với ông Trump, kinh tế là trên hết. Vì vậy ông sẵn sàng mở cửa nước Mỹ, bỏ qua các lời khuyên về phòng chống COVID-19. Ông lãng quên con người mới là mục tiêu cuối cùng mà chính quyền cần phục vụ. Hiện chưa có số liệu thành phần bầu cử nhưng có thể nhận thấy người cao tuổi lo sợ cách điều hành chống dịch bệnh của ông đã bỏ phiếu chống lại ông. Đây là số lượng cử tri không nhỏ và nắm trong tay những nguồn lực lớn của nước Mỹ.

COVID-19 tàn phá các thành quả kinh tế của ông Trump nhưng cũng tạo cơ hội lớn cho ông bảo vệ quyền con người trên đất Mỹ mà ông đã bỏ lỡ. Ông thi hành chính sách giảm thuế nhưng chính các nhà tài phiệt, các công ty lớn của Mỹ quay lưng lại với ông. Đơn giản vì họ được lợi trước mắt nhưng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội tăng nhanh, tạo sự bất ổn định trong nước. Chính sách kéo các công ty Mỹ về nước làm hạn chế cơ hội đầu tư kinh doanh ở nước ngoài. Các chính sách kinh tế của ông Trump có lợi trước mắt nhưng về lâu dài sẽ mang lại bất lợi lớn hơn khi ông không có một chính sách thống nhất, kiên định và dự đoán mọi tình huống hơn là giải quyết theo cảm tính của một doanh nhân dù ông rất giỏi.

Chiến tranh thương mại với Trung Quốc là một ví dụ. Phát động nhanh, đánh quyết liệt và lùi cũng siêu tốc. Chính sách đó đủ để cảnh báo và làm cho Trung Quốc đẩy mạnh tự lập tự cường. Trung Quốc “lì đòn” hơn ông Trump đã nghĩ, và sẽ tiếp tục là lực lượng đối trọng đáng kể với Mỹ trong tương lai.

Ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên bước qua lằn ranh vĩ tuyến 38, nhưng ông lại bỏ mất cơ hội giải trừ vũ khí hạt nhân với Bắc Triều Tiên tại Hà Nội, điều khiến ông có thể nhận giải Nobel Hòa bình mong muốn, có thể làm thay đổi kết quả bầu cử và trở thành một trong những tổng thống vĩ đại.

Thất bại của ông Trump sau bốn năm ở Nhà Trắng với nhiều bài học kinh nghiệm. Ảnh: REUTERS

Và sự trở lại của đảng Dân chủ

Bốn năm trước, ứng viên Hillary Clinton và đảng Dân chủ đã tự tin vào chiến thắng đến mức mua pháo hoa trước để ăn mừng trước cho một người không có kinh nghiệm chính trị. Năm 2020, ông Trump lặp lại đúng sai lầm khinh thường đối thủ Joe Biden “ngủ gật”,Joe  Biden “giấu mình”, tuyên bố như đã chiến thắng trong ngày 3-11 khi làn sóng đỏ tràn ngập và cay đắng nhìn “chuyện kỳ lạ” vào những ngày hôm sau. Các bang mang lại thành công cho ông trong năm bầu cử 2016 lại chính là các bang mang lại quả đắng cho ông trong năm 2020.

Phe Dân chủ đã rút kinh nghiệm thất bại. Họ đã đoàn kết hơn khi các ứng viên cùng đảng lần lượt nhường bước cuộc đua và cam kết ủng hộ ông Joe Biden. Họ đã áp dụng đúng sách lược giành phiếu đại cử tri của ông Trump để đấu lại ông. Họ đã kiên trì vận động đến từng nhà trước khi ông có những cuộc chạy đua nước rút. Các cuộc diễn thuyết của ông đều thu hút đông người như bất kỳ chương trình truyền hình thực tế nào, song người dân có quyền nghĩ khác sau khi chứng kiến bốn năm thực tập phá cách. Đứng trước sự đổ vỡ của các giá trị dân chủ truyền thống, niềm tự hào và động lực làm nên sự vĩ đại của nước Mỹ, người dân Mỹ đã bình tĩnh lùi lại nhìn nhận để có một quyết định đúng đắn.

“Bức tường xanh” của phe Dân chủ đã bao bọc cả bờ Đông và bờ Tây tạo cơ hội hướng về hợp tác. Ông chỉ Trump còn giữ lại sự ủng hộ ở miền đất Trung Mỹ, đúng như quan điểm của ông lui tất cả vào đất Mỹ, giảm thiểu giao thương và trách nhiệm quốc tế. Bốn năm qua, dù có những thành tựu về kinh tế nhưng tổng thể ông Trump đã để lại di sản một nước Mỹ yếu hơn, chia rẽ hơn, bị mất lòng tin hơn mà chính quyền mới cần khắc phục.

Nước Mỹ hậu Donald Trump

Thất bại bầu cử của ông Trump không có nghĩa là chủ nghĩa Trump đã kết thúc. Bầu cử Mỹ năm 2016 hay lựa chọn Brexit của người dân Anh 2018 đã làm cho giới tinh hoa chính trị kinh tế ở Mỹ cũng như các nước phải cảnh tỉnh. Họ không thể vui thú trong tháp ngà quyền lực của mình, với những thông điệp có cánh và thể hiện sự vô cảm, coi thường những mong muốn của các tầng lớp khác trong xã hội. Người dân mong muốn dân chủ, mong muốn tiếng nói của mình được lắng nghe. Họ mong muốn có công ăn việc làm, kinh tế phát triển nhưng không phải bằng cái giá chà đạp lên môi trường và các điều kiện chăm sóc sức khỏe con người. Nước Mỹ cũng như các nước khác chỉ có thể giải quyết tối ưu các mâu thuẫn này khi chính quyền biết nghe dân, hành động vì dân, bớt những thông điệp mị dân phi thực tế, và phải là trung tâm đoàn kết đất nước, đoàn kết mọi tầng lớp. Người dân Mỹ đã đưa ông Trump nên nắm quyền với hy vọng ông sẽ biến giấc Mỹ thêm hiện thực và họ cũng đưa ông xuống vì nguy cơ tổn hại giá trị dân chủ Mỹ. Điều này cũng có thể xảy ra với các chính quyền tiếp theo.

Cuộc bầu cử Mỹ 2020 thể hiện các giá trị công khai, minh bạch, dân chủ và khó có thể đảo ngược. Nhiệm vụ của ông Joe Biden là phải nhanh chóng hàn gắn sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ, để cùng nhau tiến lên, không chỉ làm cho nước Mỹ vĩ đại về kinh tế mà còn các giá trị cơ bản khác. Ông Biden đã kêu gọi đoàn kết và hợp tác. Người dân Mỹ sẽ cùng nhau giải quyết nhanh chóng các vấn đề đại dịch COVID-19, kinh tế, tham gia lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và xây dựng mới quan hệ với các nước đồng minh hay cùng chí hướng.

Người dân và chính phủ các nước cũng bình tĩnh lại, dẹp qua các tranh cãi nay đã trở nên thừa, tập trung vào các vấn đề của quốc gia, dân tộc mình.

Trong lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của mình, Việt Nam đã đứng vững trên đôi chân của mình chứ không phải giành chiến thắng chỉ bằng sự trợ giúp nước ngoài hay để nước ngoài quyết định số phận.

Lắng nghe dân, giải quyết hữu hiệu và kịp thời các nguyện vọng của người dân, không bỏ ai lại phía sau, đoàn kết nội bộ, tự lực tự cường, hợp tác quốc tế, luôn làm bạn với các nước nhưng cũng sẵn sàng đập tan mọi âm mưu xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi đất nước là các bí quyết không bao giờ cũ để xây dựng và phát triển đất nước.


ĐẠI SỨ NGUYỄN HỒNG THAO

https://plo.vn/quoc-te/1-cuoc-bau-cu-lich-su-khep-lai-rot-cuc-ta-nhin-thay-dieu-gi-948785.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire