01/12/2020

DƯ ÂM ĐẠI HỘI LẦN THỨ X HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

Bùi Công Thuấn: "Trong trường học, thầy cô dạy Ngữ Văn không biết nói gì với học sinh về thành tựu giai đoạn văn học từ 1975 đến nay. Lớp 12 vẫn dạy Rừng xà nu của Nguyên Ngọc, Người lái đò sông Đà (1960) của Nguyễn Tuân, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, Một người Hà Nội của Nguyễn Khải…Học trò ngán học Văn ứ đến cổ. Hỏi học sinh có biết tác phẩm văn học nào hiện nay không, học sinh đều lắc đầu, có chăng biết tên nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Việc người trẻ thờ ơ với văn học có nguyên nhân từ nhà trường và Hội Nhà văn là vậy. Không có người trẻ đọc văn thì làm gì có “thị trường” văn học, làm gì văn học có đất sống?"


Dư âm còn lại trong tôi sau những ngày dự Đại hội lần thứ X - Hội Nhà văn Việt Nam (23-25/11/2020) là niềm vui về một Đại hội chuyển giao thế hệ và những băn khoăn về con đường trước mặt của văn chương Việt Nam.

MỘT ĐẠI HỘI YÊN Ả ĐẾN NGẠC NHIÊN

596 nhà văn dự Đại hội, nhưng chỉ có một ý kiến của đại biểu 90 tuổi. Cụ lên đọc phát biểu trang trọng, bài bản. Mặc dù hội trường rất trật tự nhưng tiếng của cụ lạc vào cõi nào. Lũ nhà văn thế hệ con cháu cụ ngồi phía dưới chỉ thấy tội nghiệp cho cụ.

Có nhiều thời gian dành cho tham luận và phát biểu ý kiến nhưng cũng không có nhà văn nào lên tiếng. Cả khi chờ kết quả kiểm phiếu, chủ tịch đoàn kêu gọi nhà văn trình bày ý kiến tự do (không cần đăng ký trước), cũng không ai đăng đàn. Người này nhìn người kia, cười. Xong! Cả hội trường im lặng, nói chuyện thì thầm. Điều này gây kinh ngạc vì ở đại hội cơ sở còn có một vài ý kiến, càng kinh ngạc so với các kỳ đại hội trước, người ta tranh cướp micro để phát biểu.

Nguyên nhân có thể là, Chủ tịch đoàn đã không tổng kết ý kiến ở các đại hội cơ sở để đại hội đại biểu thảo luận thêm, thành ra, các nhà văn thấy rằng có phát biểu gì thêm cũng không ai nghe. Đại hội là nơi làm việc của Ban chấp hành. Ban chấp hành đọc báo cáo, Ban chấp hành kiểm điểm, Ban Chấp hành trình bày những nội dung điều lệ Hội cần thay đổi, Ban chấp hành đề ra phương hướng nhiệm vụ cho nhiệm kỳ mới. Rồi bầu Ban chấp hành cgho nhiệm kỳ mới. Đại hội không giải quyết những vấn đề của nhà văn. Nhà văn đi dự đại hội chỉ làm một việc (được coi là có tinh thần dân chủ) là giơ tay biểu quyết đồng thuận với Ban chấp hành về những “thành tích” lớn lao của nhiệm kỳ (2015-2020), và hợp thức hóa những gì đã được quyết định. Thế là đại hội thành công tốt đẹp.

Nguyên nhân thứ hai có thể là, những nhà văn hay phát biểu ở những đại hội trước gần như không có ai trong đại hội này. Đại hội lần trước (2015) và lần này(2020), Điều lệ hội đã loại tất cả những hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tham gia vào một tổ chức đoàn thể khác mà chưa được phép của Bộ nội vụ. Nhờ thế không khí đại hội rất vui vẻ, yên lành và đầy chất nhân văn. Chỉ hơi lộn xộn một chút lúc có đông đại biểu cùng lên bỏ phiếu. Thế là đại hội thành công tốt đẹp.

Gọi là thành công tốt đẹp vì Đại hội đã bầu được một Ban chấp hành 11 nhà văn tài năng ở khắp các vùng miền tổ quốc, có thể đại diện cho nhiều vùng văn học khác nhau, và nhờ đó có thể kích thích sự phát triển văn học đồng đều ở những nơi mà trước đây chưa được chú ý.

Nhưng nếu coi đó là một thành công thì phải giải thích thế nào khi Ban chấp hành nhiệm kỳ IX-HNV khi chỉ có 6 người? Đã có ý kiến cho rằng, Ban chấp hành nhiệm kỳ IX chỉ là Ban chấp hành của Hội nhà văn Hà Nội, hay là Ban chấp hành của Văn nghệ quân đội! Và nếu như thế thì những “thành tích” mà Ban chấp hành nhiệm kỳ IX đạt được có là “thành tích” của hơn 1000 hội viên HNV không? 1616 tác phẩm của hội viên trong 5 năm (2015-2020) có phải là do sự thúc đẩy và hỗ trợ sáng tác của Ban chấp hành đối với từng hội viên mà đạt được như vậy chăng?

Câu trả lời là không. Sự thật là, mỗi nhà văn tự thân sáng tác, tự mình rao bán bản thảo, hoặc tự bỏ tiền ra in tác phẩm, rồi tự phát hành hoặc đa số chỉ in vài trăm bản để tặng bạn bè. Ban chấp hành nhận những nỗ lực của từng nhà văn ấy là thành tích của Hội, tôi e những nhà văn tự in, tự phát hành tác phẩm của mình sẽ không bằng lòng đâu! Bởi vì đó không phải là kết quả của kế hoạch “đẩy mạnh sáng tác” của Ban chấp hành Hội.

Tôi xin kể một chuyện nhỏ. Năm 2017 tôi gửi đến nhà xuất bản Hội Nhà văn (Hà Nội) xin giấy phép cuất bản cuốn “Lý luận và phê bình văn học-Diện mạo của một thời”. Lúc ấy nhà thơ Đỗ Hàn nhận bản thảo. Nửa tháng sau tôi được biên tập viên gọi trả bản thảo và không cấp giấy phép. Tôi hỏi lý do, biên tập viên trả lời: không phù hợp với “Luật xuất bản” và không giải thích gì thêm. Tôi không rõ lúc đó nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đang phụ trách nhà xuất bản HNV có đọc và ra lệnh không cấp giấy phép hay không? Tôi tự so sánh cuốn sách của mình với cuốn “Luận chiến văn chương” của Chu Giang thì thấy cuốn sách của mình nhẹ tênh. Cuốn sách của tôi chỉ ghi nhận diện mạo phê bình của một thời “như nó là”, vậy mà không in được. Tháng 2/ 2020 tôi gửi bản thảo đến nhà xuất bản Hồng Đức xin phép xuất bản cuốn “45 năm văn học Việt Nam”, tôi chờ đến nay đã 10 tháng vẫn không thấy tăm hơi gì. Tháng 8/2020 tôi gửi đến Nxb Hội Nhà văn chi nhánh miền tây Nam bộ xin giấy phép xuất bản cuốn “Về thăm một miền quê”, đến nay đã 4 tháng vẫn chưa được cấp phép. Tôi không rõ vì lý do gì. Tôi là một hội viên Hội Nhà văn, trong ba năm in 3 cuốn sách. Tôi viết với trình độ chuyên nghiệp và ý thức trách nhiệm cao, nhưng không xin được giấy phép xuất bản. Vậy Ban chấp hành Hội “đẩy mạnh sáng tác” đến từng hội viên như thế nào? Sai tôi không nhận được sự trợ giúp của Hội? Ấy là chưa nói, trong nhiều năm gần đây, những bài phê bình văn học của tôi gửi đến báo Văn nghệ, đến trang vanvn.net của Hội cũng bị loại mà không một lời phản hồi của Ban biên tập!

Hình như việc “đẩy mạnh sáng tác” của Ban Chấp hành chỉ nằm trong hoạt động tổ chức trại sáng tác và tổ chức các cuộc thi thơ, thi tiểu thuyết. Và “thành tích” đẩy mạnh sáng tác chỉ là vài chục cuốn sách đoạt giải, không tạo được ấn tượng gì đối với công luận? Nếu vậy thì sao nói được, trong 5 năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ chính trị?

Tôi nghĩ các nhà văn dự đại hội biết rõ điều này: Nhiều nhà văn không còn sáng tạo được vì quá già. Mắt đã mờ, lưng đã mỏi, tay đã run, thì làm gì có được những tác phẩm “kết tinh” hiện thực lớn lao của dân tộc, làm sao vươn tới được “tác phẩm đỉnh cao” về tư tưởng và nghệ thuật xứng tầm với dân tộc này, một dân tộc đang bước đi những bước thần kỳ vào thế kỷ XXI, biết thế nên nhà văn tự im lặng! Còn Ban chấp hành, các vị cứ làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình.

Việc chính là, Ban chấp hành phải thực hiện cho được nhiệm vụ chính trị, còn chuyện sáng tác những tác phẩm đỉnh cao của hội viên là chuyện lâu dài, hãy đợi đấy! Trước mắt Hội Nhà văn cứ làm công tác phong trào, cứ cổ vũ hội viên viết những tác phẩm phong trào, tạo những “dàn đồng ca” hoành tráng, thế cũng là tốt rồi. Trong 5 năm, hội viên in được 1616 tác phẩm là thành công rồi. Không có văn chương phong trào thì làm gì có tác phẩm đỉnh cao. Cách làm văn chương từ trước đến giờ vẫn thế!

ĐẠI HỘI CHUYỂN GIAO THẾ HỆ

Ban chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 11 nhà văn ở khắp các vùng miền trong nước.

1.Nhà văn Nguyễn Quang Thiều 1957 (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam).

2.Nhà thơ Trần Đăng Khoa 1958 (Phó Chủ tịch Hội).

3.Nhà văn Nguyễn Bình Phương 1965 (Phó Chủ tịch Hội).

4.Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ 1966 (Ủy viên Ban Thường vụ)

5.Nhà văn Bích Ngân 1960 ( Ủy viên Ban Chấp hành),

6.Nhà văn Khuất Quang Thụy 1950 (Ủy viên Ban Chấp hành)

7.Nhà thơ Trần Hùng 1957 (Ủy viên Ban Chấp hành)

8.Nhà thơ Lương Ngọc An 1965 (Ủy viên Bân Chấp hành)

9.Nhà văn Vũ Hồng 1966 (Ủy viên Ban Chấp hành)

10.Nhà thơ Hữu Việt 1963 (Ủy viên Ban Chấp hành)

11.Nhà thơ Phan Hoàng 1967 (Ủy viên Ban Chấp hành)

Các nhà văn trong Ban chấp hành ở độ tuổi từ 53 đến 63 (trừ nhà văn Khuất Quang Thụy 70 tuổi). Đội ngũ này được coi là trẻ (có người nói: Nhà văn không có tuổi). Hầu hết trưởng thành lên sau chiến tranh. Họ có cách viết khác với thế hệ trước, tức là không bị ràng buộc bởi Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, hơn thế, từ khi đất nước “đổi mới” (1986), họ còn tiếp cận với nhiều lý thuyết văn học và khuynh hướng văn nghệ trên thế giới. Đặc biệt là sự đổi mới quan điểm văn nghệ của Đảng trong Nghị quyết 5 (1998) và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (2008). Lúc đó họ ở độ tuổi trên dưới 30. Vì thế Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025 được coi là sự chuyển giao thế hệ.

Nhưng xin lưu ý rằng, đây là chuyển giao thế hệ lãnh đạo Hội Nhà Văn, không phải là chuyển giao thời kỳ văn học, chuyển giao ý thức tư tưởng và nghệ thuật mới. Đại hội không bàn về những vấn đề này. Ban chấp hành vẫn kiên định quan điểm của Đảng về văn nghệ, kiên định lý tưởng Xã hội chủ nghĩa và xác lập rõ Hội Nhà văn Việt Nam là mội “tổ chức chính trị-xã hội- nghề nghiệp”, “Hội Nhà văn Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; hoạt động theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng”(Điều lệ Hội).

Trong diễn văn đọc tại Đại hội Nhà văn ngày 25/11/2020, ông Võ Văn Thưởng-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ, Trưởng ban chỉ đạo Đại hội các Hội VHNT toàn quốc-nhấn mạnh [1]: “Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, kế tục truyền thống các thế hệ nhà văn đi trước, các nhà văn Việt Nam tiếp tục có mặt trong từng bước phát triển của đất nước và trong từng niềm vui, nỗi buồn của nhân dân, tiếp tục sứ mệnh quan trọng và đặc biệt của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu”.

Ông nhắc nhở: “Cho đến nay, Hội viên Hội Nhà văn chúng ta vẫn chưa xây dựng được những tác phẩm lớn về các cuộc kháng chiến vĩ đại, về những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, về cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Về chất lượng tác phẩm, tính chuyên nghiệp chưa cao, có ít tác phẩm đủ sức tạo thành các hiện tượng văn học,...

Ông đề ra nhiệm vụ cho Hội Nhà văn: Nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ mới là phải tiếp tục góp phần đáng kể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống sự suy thoái biến chất về tư tưởng chính trị và đạo đức; Trong tổng kết văn học Việt Nam nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, thúc đẩy hòa hợp dân tộc, xây dựng đại đoàn kết dân tộc, thông qua văn học, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, tiếp tục bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống và tạo dựng những giá trị nhân văn mới cho xã hội; Đồng thời tiếp tục tạo dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên thế giới thông qua văn học. Hội Phải tạo ra những bước đi có tính quyết đinh cho một dòng văn học thiếu nhi đa dạng, phong phú, hiện đại, đậm bản sắc văn hóa dân tộc để cùng xã hội tạo ra những sản phẩm đặc biệt nhất, quan trọng nhất là CON NGƯỜI Việt Nam. Đó là triển vọng là tương lai của đất nước mà nhà văn cần hướng tới”.

Những nhiệm vụ Đảng giao cho Hội Nhà văn là rất vẻ vang nhưng cũng hết sức khó khăn. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tân chủ tịch Hội Nhà văn phát biều: ”Thách thức với Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa X là vô cùng to lớn, nhưng thách thức lớn hơn là thách thức của mỗi nhà văn trước trang viết của mình. Mỗi nhà văn phải trả lời biết bao câu hỏi, của chính mình, của mỗi thân phận quanh mình, của cả dân tộc trong một thời đại với nhiều biến động"[2] . Trả lời báo Thể thao & Văn hóa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hứa sẽ cố gắng hết sức:Tôi đã giữ cương vị Phó chủ tịch Hội Nhà văn trong 10 năm, tôi nhận ra hết thảy những khó khăn đó. Những người đã bỏ phiếu cho tôi là những người đã tin tưởng tôi, những người chưa bỏ phiếu cho tôi là những người đang nhận ra khiếm khuyết của tôi. Làm được gì tôi chưa nói trước, nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ.”[3]

Gọi là “thách thức”, vì đó là thách thức tài năng sáng tạo. Mà tài năng luôn là của hiếm. Với 1116 hội viên mà đa phần là nhà văn phong trào, và rất nhiều người già, thì Hội nhà văn mong đợi gì. Từ đổi mới (1986) đến nay đã 34 năm, họ không viết được tác phẩm lớn thì một ít tuổi đời còn lại, khi sức đã cùng lực đã kiệt, thì liệu họ còn kham nổi trách nhiệm nặng nề là viết những tác phẩm lớn hay không? Vậy chỉ trông nhờ vào thế hệ nhà văn trẻ. Nhưng người cầm bút thế hệ 8X, 9X lại không biết gì về chiến tranh, họ lớn lên trong kinh tế thị trường và tiêm nhiễm những ảnh hưởng văn hóa nước ngoài do toàn cầu hóa, liệu họ có viết được “những tác phẩm lớn về các cuộc kháng chiến vĩ đại, về những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới…”? Câu trả lời là rất khó. Vì những nhà văn 8X, 9X không “trải qua bể dâu” của cuộc kháng chiến và công cuộc đổi mới cùng với dân tộc. Họ lại đang sống trong một môi trường khác, có cách nhận thức và suy nghĩ suy khác, họ viết văn với những mục đích cá nhân khác.

Từ nhiều năm qua, chưa hề có tác phẩm lớn nào về chiến tranh cách mạng và kháng chiến. Cuốn Biên bản chiến tranh 1,2,3,4.75 của Trần Mai Hạnh (xuất bản 2015) được coi là tiểu thuyết tư liệu. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn hồ hởi nói đến một xu thế tiểu thuyết tư liệu viết về chiến tranh cách mạng và kháng chiến. Nhưng thực tiễn văn học đã không như vậy. Biên bản chiến tranh 1,2,3,4.75 chỉ là một tác phẩm báo chí. Dự đóan về xu thế tiểu thuyết tư liệu viết về chiến tranh cách mạng và kháng chiến đã không xảy ra. Trái lại, tiểu thuyết hiện nay khai thác nhiều về đề tài lịch sử.

Với một thực lực hội viên như vậy, liệu Ban Chấp hành mới của Hội Nhà văn có “cây đũa thần” nào khơi gợi cảm hứng sáng tạo nơi 1116 hội viên không? Hay để đẩy mạnh sáng tác, Ban Chấp hành mới lại vẫn chỉ tổ chức trại sáng tác, tổ chức các cuộc thi thơ, thi tiểu thuyết nhưng Hội đã từng làm trong nhiều thập kỷ qua?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, với tư cách Chủ tịch Hội Nhà văn nhiệm kỳ 2020-2025 phát biều: "Thay mặt BCH Hội nhà văn Khóa X, thay mặt thế hệ kế cận sau, những người đang cầm bút và sẽ trưởng thành trong tương lai bày tỏ sự biết ơn Đảng, Nhà nước, các cơ quan liên quan đã tạo tất cả điều kiện để Đại hội Khóa X thành công tốt đẹp. Chúng tôi lúc này nhận thấy sứ mệnh thật vinh quang, hạnh phúc thật lớn lao nhưng trách nhiệm cũng vô cùng nặng nề. Chúng tôi xin tiếp bước các nhà văn chân chính đã chọn đi, đồng hành cùng Cách mạng, đất nước. Chúng tôi nguyện làm tốt hơn nữa trách nhiệm ấy. Cuối cùng, tôi muốn nói rằng việc đặt cược lòng tin vào chúng tôi của các hội viên, của Đảng, Chính phủ và thế hệ mới là một cuộc đặt cược chắc chắn thành công!".

Tôi quý mến tài năng và tinh thần làm việc đầy trách nhiệm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, song tôi e rằng, tân Chủ tịch chưa lường hết những gì ông phát biểu rằng: “cuộc đặt cược chắc chắn thành công”. Giữa “lòng tin” và thực tại là một khoảng cách rất xa. Với một kế hoạch chu đáo, người ta có thể làm thành công mọi công việc, song trong sáng tạo nghệ thuật, sự “thành công” luôn nằm ngoài ý chí chủ quan của tác giả.

KỲ VỌNG CỦA HỘI VIÊN

1. Điều đã được nói nhiều ở các đại hội cơ sở là việc kết nạp hội viên và trao giải thưởng văn học.

Trong 5 năm (2015-2020) Ban Chấp hành đã kết nạp được 185 hội viên mới “phần đông là các cây bút trẻ sung sức”(Báo cáo tổng kết của Chủ tịch Hữu Thỉnh). Riêng hai năm 2019& 2020 Ban Chấp hành đã kết nạp 113 hội viên mới. Đây là điều bất thường. Năm 2020 có tân hội viên đã 75 tuổi (sinh 1945), cũng là “nhà văn trẻ” bất thường. Câu lạc bộ thơ Namkau ở Hà Nội mới thành lập được 6 tháng, năm 2020 có 7 hội viên Câu lạc bộ được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam (một điều kỳ diệu).

Những điều bất thường và kỳ diệu này làm cho nhiều hội viên nản lòng. Bởi trong 54 hội viên kết nạp năm nay, tôi không thấy khuôn mặt thơ văn nào có cốt cách, tài năng sánh ngang với những nhà thơ, nhà văn hiện nay (Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Lê Thành Nghị; Nguyễn Bình Phương, Đỗ Tiến Thụy, Bích Ngân, Phong Điệp…). Người ta bảo rằng chỉ cần trình độ Câu lạc bộ là đủ chuẩn kết nạp Hội Nhà văn, và ngược lại Hội Nhà văn chỉ là Câu lạc bộ sang hơn câu lạc bộ địa phương một chút! Hội Nhà văn đã tự làm mất giá chính mình trước yêu cầu về chất lượng của xã hội.

Trước một thực tại như vậy, Ban Chấp hành cần đề ra những chuẩn mực (đánh giá chất lượng) để kết nạp hội viên. Ý kiến của Nam Cao là đáng tham khảo: "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có...". Tôi nghĩ, Hội chỉ kết nạp những cây bút có năng lực sáng tạo, và đã thực sự có đóng góp sáng tạo cho văn học. Không kết nạp những “thợ chữ”. Hãy để các Hội VHNT địa phương làm công tác phong trào.

Về trao giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V(2015-2019) có 176 tác phẩm tham gia và 26 tác phẩm được trao giải. Cuộc thi được đánh giá là “ghi dấu bước chuyển mới về thể loại trọng yếu của văn học ta”(Báo cáo tổng kết), nhưng trong 26 tác phẩm được vinh danh, có nhiều tác phẩm làng nhàng, rất hiếm những sáng tạo mới mẻ về tư tưởng và nghệ thuật. Cách tổ chức cuộc thi và trao giải là cách làm văn chương phong trào không thể tìm ra tài năng và tác phẩm đỉnh cao.

Tôi nghĩ, Hội Nhà văn chỉ trao giải cho tác phẩm nào thực sự góp phần đổi mới văn học. Giải của Hội Nhà văn là giải chuyên nghiệp, không phải giải phong trào.

2.“Lực lượng hùng hậu nhất của văn học ta trong những năm qua được huy động vào nhiệm vụ trung tâm là đấu tranh xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, trong đó vấn đề đạo đức xã hội là vấn đề nóng bỏng nhất(Báo cáo tổng kết). Đó là đánh giá theo tinh thần Nghị quyết của Đảng.

Thực tế thì khác. Nhiều tiểu thuyết lịch sử đat giải thưởng tiểu thuyết (2015-2019). Giải nhất là tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ Thái Hậu. Xu hướng viết tiểu thuyết lịch sử đã diễn ra hàng chục năm rồi. Tôi gọi đó là một dạng “ăn mày quá khứ”. Nhà văn không có khả năng viết về cái “lịch sử đang diễn ra”, bèn tìm về quá khứ. Công việc “sáng tác” chỉ là đọc lại chính sử rồi “bịa” ra (Nguyễn Công Hoan nói: Hư cấu là bịa y như thật) những gì mà khoảng trống chính sử cho phép. Đấy không phải là “sáng tạo”, càng không là đóng góp mới về tư tưởng và nghệ thuật.

Lịch sử là quá khứ. Thời nào có vấn đề của thời ấy. Tiểu thuyết lịch sử không thể giải quyết vấn đề đạo đức xã hội hôm nay. Cho nên nói rằng “Lực lượng hùng hậu nhất của văn học ta trong những năm qua được huy động vào nhiệm vụ trung tâm là đấu tranh xây dựng …vấn đề đạo đức xã hội…”là nói theo tinh thần Nghị quyết của Đảng.

Xin Ban Chấp hành hãy nhìn thẳng vào thực tại sáng tác để đánh giá cho được nền văn học Việt Nam đang ở đâu và đã đạt được những giá trị gì. Có vậy mới có thể tìm ra giải pháp phát triển văn học trong giai đoạn tới. Cho đến giờ, Văn chương Việt Nam đã phát triển thành 3 dòng chính: Văn chương cách mạng và kháng chiến, Văn chương nhân văn và dân chủVăn chương thị trường. Mỗi dòng văn học có những thành tựu và giá trị khác nhau. Không phải tất cả đều tập trung vào “vấn đề đạo đức xã hội”.

3. Tinh thần của Ban Chấp hành là “Tất cả vì hội viên”. Tôi chưa rõ Ban Chấp hành mới sẽ đề ra chương trình hành động thế nào để thể hiện tinh thần này? Nhiệm kỳ trước Ban Chấp hành cũng làm việc với tinh thần này, nhưng nhiều hội viên đã phải tự xoay trở để tồn tại mà không có sự trợ giúp của Ban Chấp hành. Có nhà văn viết tác phẩm rồi tự rao bán bản thảo, tự bỏ tiền ra in, tự bán sách; hoặc sách của hội viên nằm chết ở nhà xuất bản HNV. Vậy Ban Chấp hành mới có thể giúp gì cho nhà văn vừa viết được tác phẩm lớn phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa giúp tác phẩm có thể “sống” được trong cơ chế thị trường? Hiện nhà văn hôm nay phải đối mặt với áp lực thị trường rất lớn, mà thị trường có quy luật riêng của nó. Không có sự hỗ trợ của Hội Nhà văn, cá nhân từng nhà văn khó mà ”sống” được với thị trường.

4. Cần phải cải tổ mạnh mẽ cả về tổ chức và nội dung tờ báo Văn nghệ, trang vanvn.net, tạp chí Nhà văn &Tác phẩm. Hiện nay ba trang này chưa bao quát được những thành tựu mới của văn học Việt Nam, chưa trở thành diễn đàn cho những khuynh hướng sáng tác mới, chưa tiêu biểu cho những tiếng nói tài năng, tâm huyết của nhà văn trong cả nước. Nhà văn ở các tỉnh xa rất khó chen chân, góp mặt. Tại sao có tình trạng như vậy? Mỗi hội viên Hội Nhà văn đều có quyền đăng tác phẩm của mình trên ba trang này, miễn là phù hợp với tiêu chí xuất bản và không trái với Luật xuất bản. Bây giờ được đăng bài trên trang của Hội Nhà là nhà văn được sự ban ơn. Thân phận nhà văn thật thảm hại ngay trên sân nhà.

5. Nhất thiết Hội Nhà văn phải viết được bộ lịch sử văn học Việt nam (1975-2025). 50 năm văn học sau 1975 chưa được đánh giá, tổng kết một cách chính thức trên cơ sở khoa học và tái hiện lại diện mạo văn học “như nó đang là”.

Thành ra trong trường học, thầy cô dạy Ngữ Văn không biết nói gì với học sinh về thành tựu giai đoạn văn học từ 1975 đến nay. Lớp 12 vẫn dạy Rừng xà nu của Nguyên Ngọc, Người lái đò sông Đà (1960) của Nguyễn Tuân, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, Một người Hà Nội của Nguyễn Khải…Học trò ngán học Văn ứ đến cổ. Hỏi học sinh có biết tác phẩm văn học nào hiện nay không, học sinh đều lắc đầu, có chăng biết tên nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Việc người trẻ thờ ơ với văn học có nguyên nhân từ nhà trường và Hội Nhà văn là vậy. Không có người trẻ đọc văn thì làm gì có “thị trường” văn học, làm gì văn học có đất sống?

***

Không thể trong một nhiệm kỳ, Ban Chấp hành có thể làm được mọi việc để đưa nền văn học Việt Nam sánh ngang với văn học thế giới. Cũng không thể chỉ trong 5 năm, Ban Chấp hành có thể đạt được mục tiêu mà Đảng giao cho là:“xây dựng được những tác phẩm lớn về các cuộc kháng chiến vĩ đại, về những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới”. Là một hội viên, tôi hy vọng Ban Chấp hành hãy bắt đầu bằng những việc có ý nghĩa đổi mới một cách nền tảng, căn cơ, với tinh thần “Tất cả vì hội viên”, để từ đó tạo ra những cơ may cho sự phát triển.

Kính chúc Ban chấp hành Hội Nhà văn nhiệm kỳ 2020-2025 thực hiện được những gì đã hứa với hội viên.

28/ 11/2020

______________________________

[1] http://vanvn.net/van-hoc-voi-doi-song/dangnha-nuoc-va-nhan-dan-luon-dong-hanh-voi-cac-nha-van/23040

[2] Phát biểu tại lễ bế mạc Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 10 của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

[3] https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/chu-tich-hoi-nha-van-viet-nam-nguyen-quang-thieu-chung-toi-dat-cuoc-vao-nha-van-tre-n20201125230921522.htm

http://trannhuong.net/tin-tuc-55190/du-am--dai-hoi-lan-thu-x--hoi-nha-van-viet-nam.vhtm

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire