03/12/2020
PNO - Hãng tin Reuters hôm 2/12 cho biết hơn 1.000 nhà nghiên cứu Trung Quốc đã rời nước Mỹ trong bối cảnh Washington tăng cường trấn áp các cáo buộc đánh cắp công nghệ, đặc biệt hoạt động này được cho là nhắm đến chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Mỹ đã thu hồi thị thực của một nhóm hơn 1.000 công dân Trung Quốc - bao
gồm sinh viên và các nhà nghiên cứu – bị coi là có nguy cơ an ninh - Ảnh:
Shutterstock
John Demers, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, tuyên bố tại một cuộc thảo luận do Viện nghiên cứu Aspen tổ chức, rằng các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã rời Mỹ khi Bộ Tư pháp khởi sự nhiều vụ án hình sự chống các đặc vụ Trung Quốc vì tội làm gián điệp công nghiệp và công nghệ.
Một quan chức Bộ Tư pháp cho biết, các nhà nghiên cứu Trung Quốc mà ông Demers nhắc đến đã tháo chạy khỏi nước Mỹ sau khi FBI thực hiện hàng loạt cuộc phỏng vấn tại hơn 20 thành phố và Bộ Ngoại giao Mỹ đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston hồi tháng Bảy.
William Evanina, Giám đốc chi nhánh phản gián của văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, nói rõ hơn rằng các điệp viên Trung Quốc nhắm mục tiêu vào nhân viên chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden, cũng như "những người thân cận" với đội của ông Biden. Tuy nhiên, ông không giải thích thêm thông tin này, mà chỉ cho biết các nhà nghiên cứu Trung Quốc bị giám sát tại Mỹ “tất cả đều đến đây theo lệnh của chính phủ Trung Quốc”.
Quan hệ Trung-Mỹ xấu đi đến mức tồi tệ nhất trong nhiều thập niên ở nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump sắp mãn nhiệm - với hàng loạt các tranh cãi từ thương mại và công nghệ, đến vấn đề Hồng Kông và COVID-19.
Trung Quốc mô tả “cuộc đàn áp thị thực” đầu năm nay là cuộc đàn áp chính trị "trần trụi" và phân biệt sắc tộc vi phạm nghiêm trọng vấn đề nhân quyền.
Sở giao dịch chứng khoán New York trong đợt bán cổ phiếu lần đầu (IPO)
của công ty mỹ phẩm Trung Quốc Yatsen Holding Ltd. ngày 19/11 - Ảnh: AP/NYSE
Trong một diễn biến mới nhất, Hạ viện Mỹ hôm 2/12 đã thông qua dự luật đe dọa xóa tên các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài trên sàn chứng khoán Mỹ sẽ trừng phạt các công ty không tuân thủ các quy tắc giám sát về kiểm toán. Dự luật hiện đã được chuyển đến bàn của Tổng thống Donald Trump để ký ban hành, mặc dù ông Trump chưa cho biết liệu ông có ký hay không.
Luật mới có thể dẫn đến việc các công ty Trung Quốc - bao gồm Alibaba Group và Tencent - bị buộc phải rời khỏi các sàn giao dịch của Mỹ nếu các công ty này không bàn giao kiểm toán của họ để kiểm tra. Đạo luật được Thượng nghị sĩ John Kennedy (đảng Cộng hòa – Louisiana) đề xuất năm 2019 nhằm bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ khỏi các công ty Trung Quốc thiếu minh bạch. Luật yêu cầu các công ty Trung Quốc phải tuân thủ các quy tắc kiểm toán của Mỹ trong vòng 3 năm. Nhưng Bắc Kinh đến nay viện dẫn bí mật quốc gia là lý do để họ không tuân thủ luật giám sát kiểm toán của Mỹ.
Tính đến tháng 10/2020, hơn 210 công ty Trung Quốc với tổng vốn hóa thị
trường khoảng 2,2 ngàn tỷ USD đã được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng
khoán lớn của Mỹ - Ảnh: AFP
Chính quyền Trump sắp mãn nhiệm vẫn thực hiện một nỗ lực cứng rắn đối với Trung Quốc, đồng thời cố gắng đưa ra các chính sách có thể khiến chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden khó thoái lui. Nhưng sự ủng hộ của các nhà lập pháp đối với dự luật cho thấy thỏa thuận lưỡng đảng mạnh mẽ trong việc trấn áp các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, đó là một đòn giáng mạnh vào những công ty này - những công ty đang tìm kiếm nguồn vốn cũng như uy tín từ thị trường Mỹ.
Tính đến tháng 10, hơn 210 công ty Trung Quốc với tổng vốn hóa thị trường khoảng 2,2 ngàn tỷ USD đã được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán lớn của Mỹ, theo báo cáo mới nhất trình Quốc hội của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung.
Quế Lâm (theo Reuters, SCMP)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire