Ý chí sắt đá của người Việt Nam là không khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào; quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.
Cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam năm 1979 là chủ đề nóng trong cuộc phỏng vấn giữa hãng tin Nga Sputnik và Giáo sư Vladimir Kolotov - Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp St. Petersburg, trong bài viết của nhà báo Alexei Syunnerberg.
Trung Quốc đã thất bại trong cuộc chiến tranh xâm
lược Việt Nam tháng 02/1979
2 cuộc chiến tranh biên giới
"Vào những năm thập kỷ 70 của thế kỷ trước xuất hiện sự căng thẳng trên bàn cờ địa-chính trị, vốn đã diễn ra trong nhiều thập kỷ ở khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, trên cùng một bàn cờ có không ít người chơi tham gia, cả trong khu vực và toàn cầu” - Giáo sư Kolotov nói.
Theo ông, điểm mấu chốt là thành công của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước do Hà Nội thực hiện không phù hợp với Bắc Kinh, vốn nhìn thấy mối đe dọa với âm mưu bá quyền của họ từ sự vững mạnh của Việt Nam.
Đó là lý do tại sao giới lãnh đạo Trung Quốc sử dụng ngón đòn giáng vào Hà Nội ở biên giới Tây Nam và sau này là biên giới phía Bắc.
Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã quay sang hợp tác với Hoa Kỳ và phương Tây để chống lại Liên Xô và dàn dựng các cuộc khiêu khích vũ trang ở cả biên giới phía bắc và phía nam của mình (tức biên giới Trung-Xô và Trung-Việt).
Giáo sư Kolotov nhấn mạnh, có thể nói một cách chắc chắn rằng, chính sách của Trung Quốc lúc bấy giờ mang tính chất phá hoại rõ rệt và gây thiệt hại lớn cho phong trào xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới.
Các cuộc khiêu khích vũ trang của Pol Pot, hàng loạt cuộc tấn công vào các khu định cư ở biên giới Việt Nam; những hành động cướp bóc, đốt phá, giết hại dân thường dã man…, đã buộc Việt Nam phải đưa quân đội sang Campuchia để giúp nhân dân nước bạn đánh tan chế độ diệt chủng đẫm máu này.
Giáo sư Kolotov cho biết, sau sự sụp đổ của chế độ Pol Pot, Trung Quốc quyết định “dạy cho Việt Nam một bài học, bằng việc mở cuộc tấn công xâm lược ồ ạt vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả cuộc chiến tranh phi nghĩa của Trung Quốc khởi đầu vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 đã cho thấy rõ ràng là: Việt Nam đã buộc Trung Quốc phải gánh chịu thất bại to lớn từ những toan tính đen tối của họ.
Tình bạn quốc tế cao cả …
Vị học giả Nga cũng nhắc lại những hồi ức về tình hữu nghị cao đẹp giữa Liên Xô và Việt Nam. Trước khi Trung Quốc nổ súng xâm lược Việt Nam, vào tháng 11 năm 1978, các nhà lãnh đạo cao nhất của Liên bang Xô viết và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước, tại thủ đô Moscow.
Các trung đoàn máy bay chiến đấu Liên Xô cơ động từ
lãnh thổ Ukraine và Belarus về sân bay của Mông Cổ năm 1979
Điều 6 của văn bản quy định: Hai bên sẽ tham vấn với nhau về tất cả các vấn đề quốc tế quan trọng ảnh hưởng đến lợi ích của cả hai nước. Trong trường hợp một trong hai nước trở thành đối tượng của một cuộc tấn công hoặc bị đe dọa tấn công, hai bên sẽ ngay lập tức bắt đầu tham vấn lẫn nhau để loại bỏ mối đe dọa và thực hiện các biện pháp hiệu quả thích hợp để đảm bảo hòa bình và an ninh quốc gia.
Khi Trung Quốc nổ súng xâm lược Việt Nam, theo điều khoản của Hiệp ước, một nhóm cố vấn quân sự cao cấp của Liên Xô được khẩn cấp gửi đến Hà Nội và Quân đội Nhân dân Việt Nam liên tục được tiếp nhận các lô vũ khí hiện đại từ “người bạn lớn”.
Hơn thế nữa, vài chục tàu nổi và tàu ngầm của Hải quân Liên Xô đã tập trung hiện diện ở khu vực Biển Đông, qua đó ngăn cản Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc tham gia cuộc chiến tranh xâm lược, đồng thời lập vành đai ngăn chặn các chiến hạm của tàu chiến Mỹ.
Trên lãnh thổ Mông Cổ giáp giới Trung Quốc, diễn ra cuộc tập trận lớn của 29 sư đoàn xe tăng và 2 sư đoàn không quân của Lực lượng vũ trang Xô viết; trong đó, nhiều đơn vị đã được khẩn cấp điều động từ các vùng lãnh thổ khác nhau về biên giới phía Nam.
Có thể khẳng định rằng, với những tuyên bố đanh thép và hành động cứng rắn của mình, Liên Xô đã sẵn sàng chứng tỏ cho Trung Quốc thấy rằng, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Xô-Việt được thể hiện ngay trên thực tế.
Sau cuộc chiến…
Theo Giáo sư Kolotov, cuộc chiến tranh xâm lược mà nhà cầm quyền Bắc Kinh là bên chủ động tiến hành đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho cả Việt Nam và Trung Quốc.
Tù binh Trung Quốc tại mặt trận Cao Bằng ngày 26
tháng 2 năm 1979
Chính Việt Nam đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc và tái khẳng định ý chí sắt đá của người Việt Nam là không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào và quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Sau cuộc chiến đó, quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn tiếp tục còn căng thẳng, khi Trung Quốc vẫn cố tình leo thang căng thẳng khi duy trì xung đột cục bộ trên cả biên giới trên bộ lẫn trên biển, mà đỉnh điểm của nó là cuộc chiến tranh xâm lược các đảo của Việt Nam trên Biển Đông vào năm 1988.
Theo giáo sư Kolotov, căng thẳng giữa hai bên vẫn tiếp diễn đển đầu thập niên 90 của thế kỷ trước; nhưng theo thời gian, quan hệ giữa hai nước láng giềng đã dần dần được bình thường hóa, với những nỗ lực “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” của Việt Nam.
Tất nhiên, quan hệ mang tính xây dựng giữa Trung Quốc và Việt Nam là điều vô cùng có lợi cho cả hai nước, nhưng điều đó chỉ đạt được nếu cả hai bên cùng dựa trên nguyên tắc hợp tác cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau và đặc biệt là không được xem thường luật pháp quốc tế.
- Thiên Nam (lược dịch)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire