05/03/2021

Ngày đẫm máu nhất ở Myanmar: Ít nhất 38 người biểu tình thiệt mạng

4 tháng 3 2021

Nguồn hình ảnh, Reuters

Ít nhất 38 người thiệt mạng ở Myanmar hôm thứ Tư trong ngày mà Liên Hiệp Quốc mô tả là "đẫm máu nhất" kể từ khi cuộc đảo chính diễn ra một tháng trước.

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc tại Myanmar, Christine Schraner Burgener, cho biết đã có những thước phim gây sốc từ đất nước này.


Nhân chứng cho biết lực lượng an ninh đã nổ súng bắn đạn cao su và đạn thật.

Các cuộc biểu tình và phong trào bất tuân dân sự đã diễn ra trên khắp Myanmar kể từ khi quân đội nắm chính quyền vào ngày 1/2.

Người biểu tình đã kêu gọi chấm dứt chế độ quân sự và trả tự do cho các lãnh đạo được dân bầu - gồm bà Aung San Suu Kyi - những người bị lật đổ và bị giam giữ trong cuộc đảo chính.

Cuộc đảo chính và dùng bạo lực đàn áp các cuộc biểu tình sau đó đã bị quốc tế lên án, nhưng quân đội Myanmar cho đến nay vẫn phớt lờ.

Phản ứng trước những vụ bắn chết người hôm thứ Tư, Anh Quốc kêu gọi một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào thứ Sáu, trong khi Mỹ cho biết họ đang xét có hành động thích ứng tiếp theo với quân đội Myanmar.

Vụ bạo động mới nhất diễn ra một ngày sau khi các nước láng giềng của Myanmar thúc giục quân đội kiềm chế.

Người biểu tình dựng rào chắn ở một số thành phố trên khắp Myanmar
 
Cảnh sát bắn hơi cay, đạn cao su và đạn thật vào người biểu tình

'Họ bước ra và bắt đầu bắn'

Bà Schraner Burgener nói ít nhất 50 người hiện đã thiệt mạng "và nhiều người bị thương" kể từ khi cuộc đảo chính bắt đầu.

Bà nói một video clip cho thấy cảnh sát đánh đập một đội y tế tình nguyện không vũ trang. Một video khác cho thấy một người biểu tình bị bắn và có thể bị giết trên đường phố, bà nói.

"Tôi đã hỏi một số chuyên gia vũ khí và họ có thể xác minh là, không rõ lắm nhưng có vẻ như vũ khí của cảnh sát là súng tiểu liên 9mm và đạn thật", bà nói.

Các báo cáo từ Myanmar cho biết lực lượng an ninh đã nổ súng vào những đám đông lớn ở một số thành phố, gồm cả Yangon mà hầu như không cảnh cáo trước.

Hai thiếu niên, 14 tuổi và 17 tuổi, nằm trong số những người thiệt mạng, Save the Children cho biết. Một thiếu nữ 19 tuổi cũng được cho là nằm trong số những người chết.

Ít nhất sáu người được cho là đã bị bắn chết trong một cuộc biểu tình ở Monywa, ở trung tâm Myanmar. Ít nhất 30 người khác bị thương, một nhà báo địa phương nói với Reuters.

Một tình nguyện viên y tế nói với hãng tin AFP ở Myingyan rằng ít nhất 10 người đã bị thương ở đó. Họ nói: "Họ bắn hơi cay, đạn cao su và đạn thật.

"Họ không phun vòi rồng vào chúng tôi, [không có] cảnh báo để giải tán, họ chỉ xả súng", một người biểu tình trong thành phố nói với Reuters.

Ở Mandalay, một sinh viên biểu tình nói với BBC rằng những người biểu tình đã bị giết gần nhà cô.

"Tôi nghĩ khoảng 10 hoặc 10:30 sáng, cảnh sát và binh lính đến khu vực đó và sau đó họ bắt đầu bắn vào dân. Họ không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào cho người dân.

"Họ chỉ bước ra bắt đầu bắn. Họ sử dụng đạn cao su nhưng cũng sử dụng đạn thật để giết thường dân một cách tàn bạo."

Quân đội chưa bình luận về các trường hợp tử vong được báo cáo.

Cảnh sát được cho là đã bắn đạn thật vào người biểu tình

Quân đội cương quyết bất chấp áp lực

Khi các cường quốc trên thế giới ghi nhận cuộc khủng hoảng của Myanmar với sự bất an ngày càng gia tăng, quân đội nước này nói họ sẵn sàng chịu các lệnh trừng phạt và bị cô lập sau cuộc đảo chính,

Bà Schraner Burgener đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc có "các biện pháp mạnh" với các tướng lĩnh. Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo về hành động trừng phạt như vậy trong cuộc đối thoại với Phó tổng chỉ huy quân sự Myanmar.

Đáp lại, "câu trả lời là: 'Chúng ta phải học cách chỉ có một vài người bạn'," bà Schraner Burgener thuật lại với các phóng viên ở New York.

Tuy nhiên, các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, đang xét thêm các biện pháp trừng phạt.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết bạo lực hôm thứ Tư khiến Mỹ "bàng hoàng". Ông nói với các phóng viên: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia cùng chung tiếng nói lên án hành động bạo lực tàn bạo của quân đội Miến Điện với người dân."

Mỹ nói 'bàng hoàng' trước bạo lực ở Myanmar hôm thứ Tư

Ông kêu gọi Trung Quốc, một đồng minh vốn thân cận của Myanmar, dùng ảnh hưởng của mình để gây áp lực lên quân đội nước này.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - một cơ quan gìn giữ hòa bình quốc tế - đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình này, nhưng không lên án cuộc đảo chính vì Nga và Trung Quốc phản đối sự lên án này, coi đây là vấn đề nội bộ.

Trong khi đó, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi đối thoại "thay vì đàn áp".

Ngoại trưởng của các quốc gia láng giềng Đông Nam Á đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt hôm thứ Ba về tình hình ở Myanmar.

Nhưng mặc dù họ kêu gọi kiềm chế, chỉ có một số bộ trưởng thúc ép chính quyền quân sự thả bà Suu Kyi.

Quân đội nói họ lên nắm quyền vì cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 là 'gian lận' - khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng vang dội.

Nhưng quân đội không đưa ra bằng chứng nào về những cáo buộc gian lận này - thay vào đó, họ thay thế Ủy ban Bầu cử và hứa hẹn sẽ có các cuộc bầu cử mới trong một năm.

Sơ lược về Myanmar

Myanmar là quốc gia có 54 triệu dân ở khu vực Đông Nam Á, có chung biên giới với Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc. Thái Lan và Lào.

Nước này được cai trị bởi một chính phủ quân sự áp bức từ năm 1962 đến năm 2011, dẫn đến sự lên án và trừng phạt của quốc tế một cách thẳng thừng hoặc gián tiếp.

Aung San Suu Kyi đã dành nhiều năm vận động cho việc cải cách dân chủ. Quá trình tự do hóa dần dần bắt đầu vào năm 2010, dù rằng quân đội vẫn giữ được ảnh hưởng đáng kể.

Chính phủ do bà Suu Kyi lãnh đạo đã lên nắm quyền sau cuộc bầu cử tự do vào năm 2015. Nhưng một cuộc đàn áp quân sự thiệt hại về nhân mạng hai năm sau đó đối với người Hồi giáo Rohingya đã khiến hàng trăm nghìn người chạy trốn sang Bangladesh.

Việc này nổ ra sự rạn nứt giữa bà Suu Kyi và cộng đồng quốc tế vốn ủng hộ bà trước đó, sau khi bà từ chối lên án việc truy quét hoặc gọi đó là thanh trừng sắc tộc.

Bà vẫn được yêu mến ở quê nhà và đảng của bà đã giành chiến thắng áp đảo một lần nữa trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 2020. Nhưng quân đội hiện đã can dự để nắm quyền kiểm soát một lần nữa.


 https://www.bbc.com/vietnamese/world-56275908

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire