Vũ Kim Hạnh
Ngày 25/4/2021, lễ trao giải điện ảnh thường niên Oscar của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ lần thứ 93 sẽ diễn ra tại Los Angeles.
Tại đây, một bộ phim nói tiếng Quan thoại được đề cử phim quốc tế hay nhất, đồng thời, một nữ đạo diễn sinh trưởng ở Hoa Lục có triển vọng giành được giải đạo diễn xuất sắc nhất. Vậy là giải Oscar năm nay 2021 sẽ là thắng lợi rực rỡ của điện ảnh Trung Quốc?
Thế nhưng chính quyền TQ đã quyết định không cho phép các đài truyền hình, cơ quan truyền thông và mạng xã hội nước này (kể cả Hong Kong) tường thuật trực tiếp hoặc tiếp sóng buổi lễ này.
Vì sao không cho phép truyền hình trực tiếp lễ trao giải?
Báo The Washington Post cho biết đài truyền hình TVB của Hong Kong – được Bắc Kinh hậu thuẫn – vừa thông báo sẽ không truyền hình trực tiếp lễ trao giải và đây là lần đầu tiên trong 50 năm qua. Trang mạng Bloomberg cũng cho biết TQ cấm đề cao giải Oscars nói chung, nhất là không được đề cập tới phim tài liệu “Đừng chia rẽ” (Do Not Split) và tới nữ đạo diễn Chloe Zhao.
Vì sao?
“Đừng chia rẽ” (Do Not Split) là một bộ phim tài liệu ngắn Mỹ-Na Uy năm 2020 của đạo diễn Anders Hammer (người Na Uy) về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông 2019–20.
Poster của phim "Do not split"
Phim đã được đề cử cho Giải Oscar cho Phim tài liệu ngắn chủ đề hay nhất tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 93. Phim trình bày những hình ảnh sinh động về vụ bao vây tấn công Trường Đại học Trung Hoa Hong Kong, cung cấp một góc nhìn chân thực về vụ đàn áp sinh viên biểu tình của nhà cầm quyền Hong Kong.
Một cảnh trong phim tư liệu "Do not
split" Cảnh đàn áp biểu tình ở Hồng Kông năm 2019
trong phim "Do not split"
Chính quyền Bắc Kinh cũng lo ngại trường hợp nữ đạo diễn Chloe Zhao, người đang là ứng viên sáng giá cho giải Oscars đạo diễn xuất sắc nhất. Bà Chloe Zhao, tên tiếng Trung Quốc là Zhao Ting (Triệu Đình), 39 tuổi, sinh ra ở Trung Quốc, mẹ là nghệ sĩ TQ nổi tiếng và cha là doanh nhân thành đạt. Bà lớn lên ở Hoa Kỳ. Hồi tháng 02-2021 khi phim Nomadland của bà giành được những giải thưởng danh giá Sư tử vàng (Golden Lion) ở Liên hoan phim Venice (Ý) và Toronto Film Festival thì báo chí Hoa Lục ngợi khen. Nhưng rồi, cư dân mạng phát hiện ra một bài phỏng vấn năm 2013 trên tạp chí Filmmaker Magazine, trong đó bà Zhao nói: Trung Quốc là “một nơi dối trá tràn lan”. Thế là dân mạng TQ lập tức lên án bà, rút phim Nomadland khỏi mạng internet TQ.
Một bộ phim khác có triển vọng đoạt giải Oscar nữa là phim “Thiếu niên đích nhĩ” (tiếng Trung “少年的你”, tiếng Anh “Better Days” do Derek Tsang (Tằng Quốc Tường, 曾國祥) – một nghệ sĩ Hong Kong, làm đạo diễn. Phim tình cảm lãng mạn tuổi thiếu niên phi chính trị này không có vấn đề nhưng ông Tằng mới đây đã bị cấm làm giám khảo một show truyền hình thực tế rất ăn khách chỉ vì ông có tham gia Phong trào Dù Vàng!
Hollywood & chiến lược “tá thuyền xuất hải” của TQ
Quyết định không cho phép tường thuật trực tiếp giải Oscars lần thứ 93 cũng là một cách “răn đe” Hollywood.
Gần đây các hãng phim Hoa Kỳ đã cố gắng chiều chuộng nhà cầm quyền Bắc Kinh để được phép kinh doanh ở thị trường xem phim lớn nhất thế giới này, đến mức dân Mỹ đã phê phán Hollywood “khấu đầu” trước Bắc Kinh, “bán rẻ các giá trị Mỹ cho Trung Quốc”.
Hãng phim Disney là một ví dụ về nỗ lực quảng bá “đặc sắc văn hóa và lịch sử” Trung Quốc tới khán giả phương Tây mà bộ phim Mulan (Hoa mộc lan) thất bại là một kinh nghiệm cay đắng.
Trung Quốc đang thao túng Hollywood và Bắc Kinh đang tìm cách biến Hollywood thành một thứ “cơ quan tuyên truyền” của họ, với chiến lược gọi là “tá thuyền xuất hải” (mượn tàu đi biển – 借船出海): dùng con tàu văn hóa khổng lồ Hollywood để “chuyên chở” những thông điệp tuyên truyền của Trung Quốc.
Phần Hollywood hiện nay phải có thêm một đội ngũ chuyên dò từng câu, từng cảnh, từng nhân vật… để đảm bảo Bắc Kinh không phiền lòng, hay hơn nữa còn phải mua chuộc giới kiểm duyệt Trung Quốc. Hollywood còn chấp nhận một việc hiếm khi họ làm trong lịch sử của mình: phân vai cho những “bình hoa di động” (“hua ping”) là người TQ.
“Tư duy làm phim” của Hollywood đã thay đổi nhiều từ khi họ hợp tác sản xuất với Trung Quốc. Sự đầu tư vốn của Trung Quốc đã thao túng Hollywood, làm thay đổi truyền thống làm phim tự do của Hollywood. Những hãng khổng lồ danh giá một thời như Paramount Pictures, DreamWorks Animation SKG và Walt Disney Co hiện đều có phần hùn vốn của đối tác Trung Quốc.
Tháng 9-2015, Warner Brothers tuyên bố hợp tác với China Media Capital. Hai tháng sau, nhà phân phối Trung Quốc Bona Film Group cho biết họ góp 235 triệu USD để sản xuất loạt phim của Twentieth Century Fox. Năm 2016, hãng phim Trung Quốc Perfect World Pictures góp 250 triệu USD vào Universal Pictures…
Đâu chỉ ở Hollywood, điện ảnh Hàn Quốc cũng bị thao túng
Cái chết yểu của phim truyền hình “Joseon Exorcist” (Phù thủy Joseon) của đài SBS cuối năm 2020 lại là sự thức tỉnh cần thiết gần đây đối với làng giải trí Hàn Quốc. Thực tế là nguồn vốn từ Trung Quốc đổ vào thị trường giải trí Hàn Quốc ngày càng nhiều, và vì thế sự can thiệp của nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng lộ rõ.
Báo Korea Times chỉ ra rằng bàn tay thô bạo của nhà đầu tư Trung Quốc đã không ngừng chỉnh sửa kịch bản như bắt các nhân vật thời Joseon (1392-1910) mặc trang phục Trung Quốc, ăn các món Hoa và sử dụng kiếm Trung Quốc. Sự phản ứng giận dữ của người xem Hàn Quốc sau hai tập phim đã buộc đài SBS hủy bỏ bộ phim truyền hình này, dù rằng đã quay hơn 80% các tập phim.
Cảnh trong phim truyền hình của Hàn quốc Joseon Exorcist vừa phát
hành cuối năm 2020, bị tẩy chay đã phải rút xuống nửa chừng vì nhiều cảnh trí,
phục trang, tình tiết bị Trung quốc "chỉ đạo".
Korea Times cũng cảnh báo về chuyện các trang giải trí trực tuyến của TQ như như WeTV hay Youku hay Taobao của Trung Quốc thích mua các bản quyền các phim truyền hình Hàn Quốc để chiếu, vì người TQ cũng thích xem phim Hàn. Và muốn được trình chiếu trên các nền tảng này, nội dung phim có thể bị chỉnh sửa và cắt xén cho đúng “khẩu vị” nhà chức trách.
Nhà phê bình văn hóa Ha Jae-geun của Hàn Quốc kết luận. “Có nhiều khả năng là phim bộ Hàn Quốc có thể bị nguồn tiền Trung Quốc khuynh loát và rộng lớn hơn là bị chính sách kiểm duyệt của TQ thao túng. Các hãng phim hay đài truyền hình Hàn Quốc có thể phải đi theo sự dẫn dắt của Trung Quốc”.
Poster Oscar 2021 thể hiện tính đa dạng năm
nay.
V.K.H.
Nguồn: FB Vu Kim Hanh
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire