03/06/2021

VN: Chính phủ cần làm gì để đạt mục tiêu kép 'chống dịch và phát triển'?


Một nhân viên y tế đang chuẩn bị một liều vắc xin AstraZeneca chống COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hôm 08/3/2021 tại Hà Nội - Nguồn hình ảnh, Getty Images/Linh Pham

Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam, lan tới các khu công nghiệp đông lao động ở trong nước, mặc dù những nỗ lực đối phó tích cực, đã tới lúc tân Chính phủ của Việt Nam cần có thêm đối sách mang tính chiến lược đi kèm những hành động chính sách cụ thể hơn, theo Kinh tế gia Bùi Kiến Thành.


Mở đầu cuộc trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 28/5/2021 từ Hội An, chuyên gia về kinh tế, tài chính và hội nhập này đưa ra cái nhìn khái lược về kinh tế Việt Nam trong hơn một năm qua.

"Suốt trong năm vừa qua, theo tôi Việt Nam quản lý ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 tương đối tốt. Tính đến ngày 27/5/2021, tổng số người mắc nhiễm là 6.336 và tổng số tử vong là 45 người . Sở dĩ kết quả này đạt được, tôi nghĩ là nhờ nhiều yếu tố tổng hợp:

"Một hệ thống sức khỏe cộng đồng tốt, lãnh đạo nhà nước quyết liệt, hợp tác chặc chẽ của toàn hệ thống chính trị, quân sự, xã hội dân sự, nhân dân, một chính sách cách ly chặc chẽ, một chương trình xét nghiệm, truy quét các người có tiếp xúc cấp F1, F2 với bệnh nhân, và một hệ thống bệnh viện chữa trị tận tình, hiệu quả.

"Tuy rằng hệ lụy đối với nền kinh tế là đáng kể, nhưng nhìn chung GDP của Việt Nam vẫn phát triển tương đối tốt, đạt mức 2,91% trong năm 2020, và được xếp hạng là mức cao nhất trong khu vực (the highest in Asia-Pacific Region,) và dự kiến sẽ đạt mức 6,9% trong năm 2021.

"Các dự kiến trên đây theo tôi có thể bị ảnh hưởng bởi bùng phát trở lại tại một số địa phương có các khu công nghiệp, trong đó có tỉnh Bắc Giang và một số địa phương khác, và đang lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc, từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến Đà Nẵng, An Giang, Đồng Tháp, Long An... 

Việt Nam cần cảnh giác với các nguy cơ bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại cộng đồng, trong đó có các khu công nghiệp có mật độ tập trung người lao động, theo giới chuyên gia

"Có nhiều nguồn nhiễm dịch: từ việc nhập cư với các chuyên gia nước ngoài bị nhiễm dịch đến làm việc tại các khu công nghiệp, việc quản lý lơ là tại các trung tâm cách ly, các khu công nghiệp, đến nhâp cư bất hợp pháp dọc theo biên giới phía Bắc cũng như biên giới Tây Nam. Lần này việc quản lý nhà nước theo tôi cần phải chặt chẽ hơn, và chiến dịch kêu gọi sự hợp tác của mọi thành phần xã hội cần được pháy huy mạnh mẽ hơn.

"Bởi vì nếu việc chống dịch trong giai đoạn mới không được hiệu quả thì ảnh hưởng đến nền kinh tế sẽ khó lường, dù chưa có cơ sở để phỏng đoán hết hậu quả."

Làm gì để đạt mục tiêu kép 'chống dịch - phát triển KTXH'?

Khi được hỏi có gì cần lưu ý hay chia sẻ như một lời khuyên đối với nội các chính phủ Việt Nam dưới sự dẫn dắt của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính hiện nay để xử lý tốt hơn vấn đề Covid-19, cùng lúc tái ổn định và tạo đà phát triển đi lên, hiệu quả hơn về kinh tế - xã hội như một mục tiêu kép, ông Bùi Kiến Thành đáp:

"Theo tôi, nhiệm vụ của nhà nước là phải làm tất cả để bảo vệ sức khỏe cho toàn dân, chứ không phải lựa chọn ngành nào hay ai được bảo vệ. 


Thủ tướng VN Phạm Minh Chính trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới, khi ông tới Indonesia dự một Hội nghị Cấp cao ASEAN về khủng hoảng Myanmar hôm 24/4/2021

"Tuy nhiên nếu nói về chính sách thì cần đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực có ảnh hưởng sâu rộng nhất đồi với sức khỏe cộng đồng và đối với hoat động kinh tế."

"Nếu nói về chiến lược ổn định kinh tế, thì tôi cho rằng phải tập trung nguồn lực vào các khu công nghiệp, các địa phương, lĩnh vực có nhiều lao động tập trung, để ngăn chặn dịch lây lan từ các trung tâm lao động này ra công đồng.

"Từ nay tới cuối năm còn chừng trên dưới 6 tháng, về những giải pháp và hành động chính sách cần ưu tiên đối với tân Chính phủ Việt Nam, tôi cho rằng chủ trương "chống dịch như chống giặc" cần phải được duy trì và triệt để thực hiện.

"Ngoài ra cần phải thực hiện chính sách "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa phát triển.

"Chính phủ cần phải nghiên cứu lấy ý kiến của mọi thành phần trí thức, nông dân, doanh nghiệp để xây dựng các chương trình hành động ưu tiên, không chỉ nghe theo ý kiến của một số "chuyên gia" nào đó, rồi họp bàn ở "chi bộ", lẩn quẩn trong các phòng lạnh… rồi ra quyết định chính sách," kinh tế gia nói với BBC từ Hội An.

29 tháng 5 2021

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57283225


  Vài trao đổi cùng bác cả Trọng

Lưu Trọng Văn 


 Bài viết tràn ngập lý luận của bác cả Trọng gã nghiêm túc đọc từ dòng đầu đến dòng cuối.

Gã chú ý hơn cả chương bác viết về kinh tế thị trường định hướng XHCN – một khái niệm cả Mác và Lê Nin cũng như cụ Hồ chưa đề cập.


Gã nói vậy, vì đọc cả chương lý luận về kinh tế thị trường định hướng XHCN, không hề thấy nhà lý luận số một của VN, kiên định lập trường chủ nghĩa Mác Lê và tư tưởng HCM, trích dẫn một câu nào đó của các cụ tiền bối trên về kinh tế thị trường định hướng XHCN hết.

Bác cả dẫn giải và định nghĩa rất dài, gã xin tóm tắt lại, kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền kinh tế thị trường:

- Dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN.

- Không phải kinh tế thị trường tư bản.

- Không phải kinh tế thị trường XHCN đầy đủ vì VN đang ở thời kỳ quá độ lên CNXH.

- Kinh tế nhà nước là chủ đạo.

- Sở hữu, tổ chức quản lý, phân phối theo định hướng XHCN.

- Gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.

Xưa nay gã không hiểu lắm thế nào là kinh tế thị trường định hướng XHCN mà chỉ nhận thức theo trình độ của mình, kinh tế thị trường định hướng XHCN là kinh tế thị trường đúng nghĩa nhưng lợi nhuận của nó được phân phối theo định hướng XHCN thông qua thu thuế công bằng và phân phối công bằng, đầu tư an sinh xã hội công bằng. Với cái nhận thức đó của gã thì thấy thực tế "Nó" chưa đi vào cuộc sống vì nhiều kẻ không làm gì có ích cho XH lại được chia nhiều hơn trong khi nhiều người nai lưng ra làm lại được chia ít hơn và an sinh xã hội còn là một bể... khổ.

Nhưng qua bài viết của bác cả thì gã mới thấy kinh tế thị trưởng định hướng XHCN đã từ lâu đi vào cuộc sống rồi chứ không còn mơ hồ đâu đâu nữa thể hiện ở sự lãnh đạo của đảng và nền tảng kinh tế nhà nước là chủ đạo rất rõ rệt.

Ở đây gã không bàn đến hiệu quả mà chỉ bàn tới công thức lý luận thôi, bởi vì không thể nói hiệu quả khi VN mới chỉ đang ở thời kỳ quá độ. Còn thời kỳ quá độ này kéo dài bao lâu thì phải chờ đến năm 2045 theo bác cả là thời điểm VN hoàn chỉnh hệ thống lý luận XHCN của mình mới biết chắc được.

Gã thú thật rất lo ngại cho tương lai của Đất nước khi phải mất 24 năm nữa mới đến mốc 2045, liệu bác cả còn khoẻ mạnh để tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống lý luận XHCN mà bác đang là một trong những tác giả chính, hay không?

Nhưng có điều gã thắc mắc khi bác cả cho rằng kinh tế thị trường định hướng XHCN không phải là "kinh tế thị trường tư bản", trong khi chính bác khẳng định: 

"Theo nhận thức của chúng ta, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường..." không phải là kinh tế thị trường mà các nước tư bản phát triển sáng tạo nên và đang thực hiện thì nó là kinh tế thị trường nào?

Còn một thắc mắc nữa:

Trong bài lý luận của bác cả, gã chú ý con số rất cụ thể này:

"Về cơ cấu nền kinh tế xét trên phương diện quan hệ sở hữu, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam hiện nay gồm khoảng 27% từ kinh tế nhà nước, 4% từ kinh tế tập thể, 30% từ kinh tế hộ, 10% từ kinh tế tư nhân trong nước và 20% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài". 

Với thực tế kinh tế nhà nước chỉ chiếm 27% trong toàn bộ giá trị kinh tế thì làm sao chủ đạo để dẫn dắt, định hướng XHCN được nếu nhà nước không tự cho mình làm chủ toàn bộ khối tài sản khổng lồ là tài nguyên và đất đai cùng quyền phân phối tổng thuế?

Tài nguyên hiện nay thì như TT Phạm Minh Chính thừa nhận là đã bị khai thác 

cạn kiệt, vậy cái còn lại cho kinh tế nhà nước để bảo đảm sức mạnh chủ đạo để định hướng XHCN chỉ còn lại là đất đai và tổng tiền thuế thôi.

Phải chăng với bảo đảm cốt lõi này để bảo vệ định hướng XHCN nên nhà nước vẫn khư khư giữ Luật Đất đai bất cập và không giống ai hiện nay, bất chấp chính nó là cản trở lớn nhất cho 60 triệu nông dân làm giàu cho mình và cho Đất nước?

Gã xin thắc mắc chút xíu nữa trong thống kê của bác cả, cộng đi cộng lại vẫn thiếu gần 10% tổng sản phẩm QG. Vậy 10% còn lại này là do ai tạo nên?

Hay trong cơ cấu nền kinh tế xét trên sở hữu ngoài nhà nước, tập thể, hộ gia đình, tư nhân, tư bản nước ngoài còn ai khác?

Vậy ai khác ấy là ai có góp phần cho kinh tế thị trường đi đúng định hướng XHCN không?

Quả thật gã rất lo ngại về sự bí ẩn của 10% này mà nghi nghi có thể là 20 tỷ đôla người Việt ở nước ngoài gửi về chăng? 

Nhưng, gã thở phào nhẹ nhõm sau khi đọc các lý luận kiên định của bác cả là bác cả vẫn rất khách quan thẳng thắn với thực tế đất nước hiện nay, mặc dù đất nước đang đi theo kinh tế thị trường định hướng XHCN, và về chính trị kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, khi bác thừa nhận:

"Về kinh tế, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh còn thấp, thiếu bền vững; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; hiệu quả và năng lực của nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế; môi trường bị ô nhiễm tại nhiều nơi; công tác quản lý, điều tiết thị trường còn nhiều bất cập. Trong khi đó, sự cạnh tranh đang diễn ra ngày càng quyết liệt trong quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.

Về xã hội, khoảng cách giàu nghèo gia tăng; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn không ít hạn chế; văn hóa, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; tội phạm và các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên". 

Với thực tế này, tính ưu việt của mô hình kiên định XHCN mà bác cả vẽ ra sẽ còn phải trải qua muôn vàn thử thách nữa mới có thể tự mãn chê các nước tư bản đang khủng hoảng, suy thoái...

Tốn bao nhiêu tiền để bầu ra một đại biểu dân cử?

Hồng Anh

 

Theo báo Tuổi Trẻ, các địa phương đã lên dự toán kinh phí cho bầu cử đợt này vào khoảng hơn 3.700 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với mức phân bổ kinh phí thực tế trong kỳ bầu cử năm 2016 (khoảng 1.444 tỷ đồng).

Vào cuối tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tổng kinh phí cho kỳ bầu cử năm nay là 1.500 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng 40% mức dự toán trước đó, và nhiều hơn 56 tỷ đồng so với kinh phí được phân bổ năm 2016.

Theo đó, tỉnh, thành có kinh phí bầu cử lớn nhất là thành phố Hà Nội với khoảng 86,7 tỷ đồng, tiếp theo là thành phố Hồ Chí Minh với khoảng 83,3 tỷ đồng. Tỉnh được cấp kinh phí bầu cử ít nhất là Ninh Thuận với khoảng 9,87 tỷ đồng.

Dự toán 60 tỷ đồng dành cho bầu cử của tỉnh Kiên Giang bị trung ương rút xuống còn khoảng 27,7 tỷ đồng. Bình Phước được cấp 16,37 tỷ đồng thay cho dự toán kinh phí bầu cử 50 tỷ đồng.

Để bạn đọc tiện so sánh, trong năm nay, ngân sách trung ương dự định chi viện trợ là 1.600 tỷ đồng, chi bảo vệ môi trường là 2.205 tỷ đồng.

Khoản chi 1.500 tỷ đồng tương đương hoặc nhiều hơn ngân sách cấp cho nhiều bộ, ngành trong năm 2021. Trong đó có Bộ Xây dựng (1.547 tỷ), Bộ Nội vụ (1.141 tỷ), Bộ Thông tin – Truyền thông (1.332 tỷ).

Từ tiền đóng hòm phiếu đến tiền bồi dưỡng cán bộ, tất cả đều là tiền thuế của người dân.


Ngày 23/5 tới đây, sẽ có hơn 300 nghìn người được bầu chọn làm đại biểu, từ Quốc hội đến các hội đồng nhân dân cấp xã. Bạn có thể là một trong những người bầu ra các đại biểu này.

Những tấm áp-phích bầu cử, những lá cờ trang trí, những chiếc thẻ cử tri đều do ngân sách nhà nước chi trả, tức chính là tiền của người dân.

Bạn có biết chính quyền trung ương và các địa phương đã dự toán kinh phí bầu cử như thế nào, và tốn bao nhiêu tiền để bầu ra một đại biểu dân cử?

Địa phương mạnh ai nấy tính, trung ương thắt chặt hầu bao

Theo báo Tuổi Trẻ, các địa phương đã lên dự toán kinh phí cho bầu cử đợt này vào khoảng hơn 3.700 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với mức phân bổ kinh phí thực tế trong kỳ bầu cử năm 2016 (khoảng 1.444 tỷ đồng).

Luật Khoa đã kiểm tra các báo cáo dự toán của các địa phương và nhận thấy rằng có tỉnh công bố dự toán kinh phí bầu cử, có tỉnh không. Đối với các tỉnh đã công bố dự toán kinh phí thì số tiền lại chênh lệch nhau đến vài chục tỷ đồng.

Ví dụ như tỉnh Kiên Giang dự toán kinh phí bầu cử lên đến 60 tỷ đồng, tỉnh Bình Phướcdự toán 50 tỷ đồng, tỉnh Cà Mau dự toán 40 tỷ đồng. Trong khi đó, tỉnh Vĩnh Long dự toán 20 tỷ đồng, tỉnh Tiền Giang chỉ dự toán 10 tỷ đồng cho kinh phí bầu cử lần này.

Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc nói với báo Tuổi Trẻrằng một số địa phương dự toán kinh phí bầu cử theo gói, chưa có kế hoạch ngân sách chi tiết.

Một người dân đi qua bảng niêm yết danh sách cử tri tại phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức,

thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh Quân/ Báo Lao Động


Vào cuối tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tổng kinh phí cho kỳ bầu cử năm nay là 1.500 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng 40% mức dự toán trước đó, và nhiều hơn 56 tỷ đồng so với kinh phí được phân bổ năm 2016.

Theo đó, tỉnh, thành có kinh phí bầu cử lớn nhất là thành phố Hà Nội với khoảng 86,7 tỷ đồng, tiếp theo là thành phố Hồ Chí Minh với khoảng 83,3 tỷ đồng. Tỉnh được cấp kinh phí bầu cử ít nhất là Ninh Thuận với khoảng 9,87 tỷ đồng.

Dự toán 60 tỷ đồng dành cho bầu cử của tỉnh Kiên Giang bị trung ương rút xuống còn khoảng 27,7 tỷ đồng. Bình Phước được cấp 16,37 tỷ đồng thay cho dự toán kinh phí bầu cử 50 tỷ đồng.

Chi 1.500 tỷ đồng cho cuộc bầu cử là nhiều hay ít?

Để bạn đọc tiện so sánh, trong năm nay, ngân sách trung ương dự định chi viện trợ là 1.600 tỷ đồng, chi bảo vệ môi trường là 2.205 tỷ đồng.

Khoản 1.500 tỷ đồng tương đương hoặc nhiều hơn ngân sách cấp cho nhiều bộ, ngành trong năm 2021. Trong đó có Bộ Xây dựng (1.547 tỷ), Bộ Nội vụ (1.141 tỷ), Bộ Thông tin – Truyền thông (1.332 tỷ).

Khoản tiền này được dùng vào việc gì?

Chi phí in ấn các biểu ngữ, tranh cổ động bầu cử là một phần chi phí nằm trong công tác tuyên truyền. Ảnh: baotintuc.vn


Theo Thông tư 102/2020 của Bộ Tài chính, kinh phí bầu cử được dùng cho các việc chính là tổ chức hội nghị, bồi dưỡng cho nhân sự tham gia tổ chức bầu cử, xây dựng văn bản, công tác thông tin – tuyên truyền và chuẩn bị các vật dụng cần thiết như hòm phiếu, khắc dấu, bảng niêm yết thông tin.

Thông tư này cũng đặt ra định mức cho các khoản chi. Chẳng hạn, thành viên tham gia cuộc họp của hội đồng bầu cử được bồi dưỡng 100.000 đồng/ người/ buổi, người trực tại các buổi tiếp công dân được nhận 80.000 đồng/ người/ buổi, chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ được nhận hỗ trợ 2,2 triệu đồng/ tháng, kèm theo 500.000 đồng hỗ trợ cước điện thoại di động.

Tốn bao nhiêu tiền để bầu một đại biểu dân cử?

Hiện nay, vẫn chưa biết chính xác số người sẽ trúng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sau cuộc bầu cử ngày 23/5/2021. Tuy nhiên, chúng ta có thể dựa vào con số người trúng cử vào năm 2016 để tính toán.

Theo đó, tổng kinh phí bầu cử năm 2016 đã quyết toán là 1.373 tỷ đồng. Số đại biểu Quốc hội được bầu là 496 người. Số đại biểu HĐND các cấp được bầu là 321.395 người, trong đó có 3.908 đại biểu HĐND cấp tỉnh và 25.181 đại biểu HĐND cấp huyện. Tổng cộng có 321.891 đại biểu dân cử được bầu vào năm 2016. Con số này tương đương với dân số quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội vào năm 2017.

Như vậy, tốn khoảng 4,3 triệu đồng để bầu ra một đại biểu dân cử vào năm 2016. Do nhà nước không tách riêng kinh phí bầu đại biểu Quốc hội nên không thể tính chi phí để bầu một đại biểu Quốc hội.

Tổng kinh phí được phê duyệt cho bầu cử lần này là 1.500 tỷ đồng. Giả sử số người trúng cử năm nay tương đương với năm 2016 thì dự kiến cần khoảng 4,7 triệu đồng để bầu ra một đại biểu dân cử.

Tốn bao nhiêu tiền để các đại biểu hoạt động?

Đại biểu bỏ phiếu thông qua nghị quyết về việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Nghệ An ngày 19/4/2021. Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam

Sau khi bầu ra đại biểu, ngân sách cũng sẽ chi trả chi phí hoạt động của các đại biểu này thông qua các đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.

Ngân sách này đến từ nguồn hỗ trợ từ ngân sách địa phương và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các nguồn ngân sách từ địa phương không được công khai một cách chi tiết, vì thế rất khó để tính được con số tổng chính xác.

Ngân sách dự toán năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cấp cho các đoàn ĐBQH thì chi tiết hơn. Theo đó, các đoàn ĐBQH sẽ dùng tiền do Ủy ban Thường vụ Quốc hội cấp chi cho 10 hoạt động bao gồm: trả lương và phụ cấp, chi phí hành chính dành cho các hoạt động thường xuyên, các khoản ĐBQH được hưởng trực tiếp, chi giám sát, chi tiếp xúc cử tri, chi tiếp công dân, hội nghị lấy ý kiến cho dự án luật, chi mời chuyên gia, chi phí đặc thù, và kinh phí tổng kết nhiệm kỳ.

Trong đó, khoản chi chiếm tỷ lệ lớn nhất là trả lương và phụ cấp với 33,9 tỷ đồng (18,9%), tiếp theo là chi phí hành chính với 28,4 tỷ đồng (15,8%). Chi phí tiếp xúc cử tri và thuê chuyên gia xấp xỉ nhau, vào khoảng 26 tỷ đồng cho mỗi khoản chi (hơn 14%). Chi phí dành cho việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cho dự án luật là thấp nhất, chỉ vào khoảng 3,9 tỷ đồng (2,2%), tương đương với chi phí tiếp công dân.

Kinh phí tổng kết nhiệm kỳ được tính trên mỗi ĐBQH. Theo đó, tỉnh nào có trên 11 đại biểu thì được tính là 10 triệu đồng mỗi người, còn dưới mức đó thì được tính là 15 triệu đồng mỗi đại biểu.

Năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cấp cho các đoàn đại biểu Quốc hội của 63 tỉnh, thành phố tổng cộng 179.532 triệu đồng (hơn 179 tỷ đồng). Nếu chia cho tổng số đại biểu Quốc hội là khoảng 500 người, thì khoản tiền cấp cho một đại biểu hoạt động là khoảng 359 triệu đồng/ năm.

Đó chỉ là con số chưa đầy đủ.

 

Các nguồn số liệu chính

 Quyết định số 235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về bổ sung kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 (đợt 1)

 Quyết định số 508/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về phê duyệt tổng mức kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 và phân bổ kinh phí (đợt 2)

• Tuổi Trẻ Online (25/3/2021). “Dự Toán Kinh Phí Bầu Cử Quốc Hội, HĐND Của Các Địa Phương Tăng 2,6 Lần so Với Phân Bổ Năm 2016.”

• Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 (Quyết định số 1927 QĐ-BTC)

 Nghị quyết số 1169/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Về việc phân bổ kinh phí hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội năm 2021

• Báo Nhân dân (18/7/2016). Tổng kết công tác bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

 

H.A. 

Nguồn: luatkhoa.org

 


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire