Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) trò chuyện với các đại biểu Quốc hội trong phiên khai mạc tại Hà Nội ngày 21/03/2016.REUTERS/Kham |
Đúng như kịch bản đã định trước, Quốc hội Việt Nam hôm
qua 31/03/2016 đã «
miễn nhiệm » ông Trương Tấn
Sang,
« giới thiệu » ông Trần Đại Quang
làm Chủ tịch nước. Trước đó một ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã
được
« miễn nhiệm », người thay thế là
bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Tương tự, đến ngày 6/4, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị
«
miễn nhiệm » để nhường chỗ cho
ông Nguyễn Xuân Phúc.
Tóm lại, là một loạt thủ tục rắc rối có vẻ hợp pháp, nhưng mục đích là đưa toàn bộ ba nhân vật trong bộ tứ lãnh đạo hiện nay, hiện không còn trong Bộ Chính trị, phải « về vườn » trước thời hạn. Trong khi lẽ ra công việc bầu ban lãnh đạo mới là của Quốc hội khóa 14, mà đến nay vẫn chưa được bầu ra. RFI Việt ngữ đã trao đổi với tiến sĩ Phạm Chí Dũng ở Saigon về sự kiện này.
RFI : Thân chào tiến sĩ
Phạm Chí Dũng. Vì sao lại phải có quy trình thay đổi nhân sự cấp cao phức tạp
như đã và đang diễn ra tại Quốc hội Việt Nam, theo anh ?
Tiến sĩ Phạm Chí
Dũng : Về sự kiện kỳ
họp thứ 11 Quốc hội Việt Nam thay thế ba nhân sự lãnh đạo cao cấp theo thứ tự
là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng khi những người này vẫn còn trong thời gian « theo nhiệm kỳ làm
việc của Quốc hội », tôi cho rằng đây
là hệ quả tất yếu của cuộc chiến quyền lực đã kéo dài nhiều năm trong đảng, đặc
biệt bắt đầu nổi lên vào năm 2012.
Là người phải nhòa nước mắt tại Hội nghị trung ương 6
vào cuối năm 2012 khi không thể kỷ luật được « đồng chí X », hẳn ông Nguyễn Phú Trọng đã quá
thấm thía một bài học đắt giá về công tác tổ chức và xử thế nhân sự mà giới
chính trị gia Trung Quốc lưu truyền, áp dụng trong suốt chiều dài mấy ngàn năm
lịch sử cho tới tận bây giờ: « Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc ».
Hệ quả về thay thế này đã bắt nguồn từ hai Hội nghị
trung ương 13 và 14 trước Đại hội 12 vào cuối năm 2015, và ngay trong Đại hội
12. Vào thời gian đó, có dư luận nhận định rằng sở dĩ cả hai ông Trương Tấn
Sang và Nguyễn Sinh Hùng đều phải rút lui khỏi Bộ Chính trị là nhằm « kéo » ông
Nguyễn Tấn Dũng cũng phải rút lui theo.
Nhưng thôi ủy viên Bộ Chính trị vẫn chưa phải là « hoàn thành xuất
sắc nhiệm vụ ». Đảng lý luận rằng
ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ làm gì trong khoảng thời gian từ sau Đại hội 12 đến tận
tháng 7/2016 là thời điểm kỳ họp đầu tiên của Quốc hội mới diễn ra. Thoạt đầu,
những người bên đảng còn đưa ra lý do này lý do khác về việc cần kíp « thay ngựa giữa
dòng », nhưng cuối cùng họ
cũng phải nói một mập mờ: không để có « khoảng trống quyền lực ».
Ngay phía trước vào tháng Năm tới lại là cuộc tiếp đón
Tổng thống Mỹ Obama tại Hà Nội, được coi là đặc biệt mang tính thể diện và thực
dụng để cho Trung Quốc thấy Việt Nam cũng có bạn. Không chỉ thể diện của Tổng
bí thư Trọng, mà cả người được ông Trọng cơ cấu vào chức vụ thủ tướng là ông
Nguyễn Xuân Phúc cũng có thể được nâng cao thể diện nhờ vào cuộc tiếp đón này.
Nhưng muốn lấp đầy « khoảng trống
quyền lực », lại cần vai trò
Quốc hội, không phải là Quốc hội mới mà là Quốc hội cũ, vì có thể những người
bên đảng không thể chắc chắn rằng Quốc hội mới còn chịu « gật » theo ý đảng như Quốc hội cũ hay
không. Thế là tiếp theo « quy trình rất tập trung » của Đại hội 12, cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đều « được » miễn nhiệm, bất chấp việc hai ông
này có đơn xin từ nhiệm theo quy định hay không. Tiếp đó là gì thì ai cũng nhìn
thấy: ông Nguyễn Tấn Dũng đương nhiên phải « nghỉ sớm ».
RFI : Như vậy thì giai
đoạn sắp tới sẽ như thế nào ?
Những người bên đảng đã giành thắng lợi lớn trong cuộc
chiến quyền lực và có thể bằng vào quan niệm « đã loại được một
nhà độc tài », nhưng xét cho
cùng, nếu chính trị mà không mang lại lợi ích gì cho xã hội và người dân thì đó
chỉ là một thứ chính trị vô nghĩa, một thứ chính trị báo trước tương lai sụp
đổ.
Bởi thế, kết quả « loại nhà độc tài
» trong đảng không
thể quan trọng bằng việc đảng, quốc hội và chính phủ sẽ làm những gì sau đó để
chống tham nhũng và để chặn đà khủng hoảng niềm tin của nhân dân đối với chính
thể này, giúp cho chế độ còn có lý do để tồn tại thêm một thời gian nữa.
Muốn đạt được những mục đích đó, tổ chức được xem là «
cao nhất » là Quốc hội lại phải tự thân thay đổi, chứ không thể để bị phụ thuộc
vào ý chỉ «
cương lĩnh đảng quan trọng hơn Hiến pháp » như trước đây. Theo tôi, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - chủ
tịch mới của Quốc hội Việt Nam - nhiều khả năng khó mà tạo ra được sự đột biến
theo chiều hướng tích cực để Quốc hội bớt « gật » và mang tính độc lập hơn so
với thể chế «
lãnh đạo toàn diện » của
đảng.
Trong suốt thời gian từ khi được vào Bộ Chính trị và
giữ cương vị Phó chủ tịch Quốc hội vào năm 2013 đến nay, bà Ngân đã lắng tiếng
một cách đáng ngạc nhiên, gần giống như tình trạng « hàng trăm đại
biểu không phát biểu gì trong nhiều kỳ họp Quốc hội ». Cũng không thấy bà Ngân đưa ra một sáng kiến công
khai nào để cải thiện những vấn đề then chốt của Quốc hội như làm luật, giám
sát chính phủ và các chính quyền địa phương, càng không thấy bà Ngân thể hiện chính
kiến về việc vấn đề Biển Đông bị Trung Quốc xâm lấn… Những dấu hiệu có tính
chứng minh theo thời gian như thế cho thấy bà Nguyễn Thị Kim Ngân có thể là
người năng lực bình thường, thậm chí rất bình thường, khó mà làm cho Quốc hội
bớt tính lợi ích nhóm và « gần dân và vì dân hơn ».
Quốc hội Việt Nam chỉ có thể thay đổi theo hướng đi
lên với điều kiện chính Tổng bí thư Trọng và ê-kíp quanh ông thay đổi. Giả dụ
ông Trọng quyết định nới hơn về dân chủ và để rộng cửa hơn cho vai trò của Quốc
hội, khi đó bà Nguyễn Thị Kim Ngân mới có cơ hội để « mở miệng ». Nhưng giả
thiết này còn phải chờ thời gian để kiểm nghiệm.
RFI : Một ẩn số nữa là
ông Trần Đại Quang…
Nhân vật thứ hai bên cạnh Tổng bí thư Trọng và có vai
trò có thể xem là thực chất hoặc chỉ mang tính hình thức là ông Trần Đại Quang
- người được cơ cấu vào chức danh chủ tịch nước. Tôi không cho rằng ông Quang
sẽ làm khá hơn người tiền nhiệm là ông Trương Tấn Sang về nhiệm vụ « thống lĩnh các
lực lượng vũ trang ».
Cùng lắm, ông Trần Đại Quang chỉ có thể can thiệp được phần nào đó vào Bộ Công
an là nơi trước đó ông là bộ trưởng.
Nhưng chủ tịch nước lại đặc biệt liên đới mặt đối
ngoại. Không chỉ đối ngoại về ngoại giao và công cán nước này nước nọ, chủ tịch
nước ở Việt Nam thường xuyên vấp phải những chất vấn của nhiều chính phủ và
quốc hội trên thế giới về thực trạng bết bát tối tăm về dân chủ và nhân quyền
tại Việt Nam. Mà nhân quyền lại cơ bản phụ thuộc vào lối suy nghĩ và hành xử
của ngành công an, tức phụ thuộc vào ông Tô Lâm - người được cho là sẽ thay thế
chức bộ trưởng công an của ông Trần Đại Quang.
Nếu trong thời gian tới mà ngành công an vẫn giữ
nguyên quan điểm và lối hành xử trấn áp, đàn áp nhân quyền thì chính Chủ tịch
nước Trần Đại Quang sẽ phải « lãnh đạn » nhiều nhất từ cộng đồng quốc tế, khiến
nhiều chương trình hợp tác quốc tế về kinh tế như TPP, vay vốn, nhận viện trợ…
của chính thể Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
RFI : Còn về ông Nguyễn
Xuân Phúc, nhân vật sẽ điều hành chính phủ trong thời gian tới, thì như thế
nào, thưa anh?
Trách nhiệm nặng nề nhất sẽ thuộc về ông Nguyễn Xuân
Phúc - thủ tướng mới thay cho ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông Phúc sẽ phải « gánh » cả
một di sản hậu quả khổng lồ từ thời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng để lại: tham
nhũng, lãng phí, nợ công, nợ xấu, bội chi, thâm hụt ngân sách, trả nợ nước
ngoài. Đây mới chỉ nói về kinh tế, chưa kể rất nhiều hậu quả ghê gớm khác về xã
hội.
Cho tới nay, « tham nhũng vẫn ổn định » - nói theo một khái niệm mà Tổng
thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã phát ra. Cứ nhìn vào hiện tượng gần
một triệu cán bộ kê khai tài sản trên toàn quốc mà chỉ phát hiện có 5 trường
hợp «
kê khai không trung thực »
là đủ biết mật độ tham nhũng và bao che tham nhũng dày đặc đến thế nào. Tỉ lệ
thu hồi tài sản tham nhũng cũng quá thấp, chẳng hạn như ở TPHCM, chỉ thu hồi
được 5 tỉ trong số 2.000 tỉ đồng bị thất thoát, tức chỉ có 0,25% - thua xa mức
báo cáo toàn quốc là 10%.
Còn nợ công thì hoàn toàn không phải như tỉ lệ từ
50-55% GDP như chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vẫn thường báo cáo, mà từ năm 2011 đã
vọt lên đến ít nhất 98% GDP, khiến người dân Việt phải è cổ ra gánh nợ. Trong
khi đó, nợ xấu chiếm đến 17% tổng nợ nhưng mới chỉ xử lý được chưa đầy 10% bằng
«
tiền tươi thóc thật »,
tức con số báo cáo của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước đã kéo giảm nợ xấu về
dưới 3% là cực kỳ giả dối.
Cùng lúc, bội chi năm 2016 lên đến 6,1% GDP, chỉ thua
mức bội chi năm 2013 là 6,3% GDP, nhưng hơn hẳn con số 4,5% GDP mà chính phủ
Nguyễn Tấn Dũng đã cam kết với Quốc hội vào cuối năm 2015. Bội chi đến thế mà
các địa phương xin kế hoạch chi cho năm 2016 vẫn đưa tổng chi dự kiến gấp 20,5
lần con số mà ngân sách trung ương có thể chi, chứng tỏ những âm mưu về xây trụ
sở, công trình ngàn tỉ hoặc chục ngàn tỉ vẫn còn nguyên vẹn, chỉ chờ ngân sách
vay mượn được ODA là lập tức phóng tay đút túi.
RFI : « Nội lực » thì như
vậy, còn « ngoại lực » thì sao?
Từ cuối năm 2015 cho đến nay, những tin tức vay vốn
nước ngoài là hết sức xấu đối với chính thể Việt Nam.
Tháng 12/2015, Ngân hàng Thế giới đột ngột quyết định
ngừng các khoản vay ưu đãi đối với Việt Nam. Vào đầu năm 2016, cả hai chuyến
làm việc tại Hà Nội của Chủ tịch nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Jong Kim và Tổng
giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde đều không mang lại bất cứ hứa
hẹn nào về việc Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ tiếp tục cho Việt
Nam vay vốn ưu đãi, mặc dù hai nhân vật này đã được cả tổng bí thư, chủ tịch
nước và thủ tướng Việt Nam tiếp đón. Mà Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc
tế lại chiếm một tỉ trọng rất lớn trong tổng vốn cho Việt Nam vay. Đến tháng
3/2016, đến lượt Ngân hàng Phát triển Á châu tuyên bố ngừng cho Việt Nam vay
vốn ODA ưu đãi…
Như vậy, bất chấp Đại hội 12 và kỳ họp thứ 11 Quốc hội
Việt Nam «
thành công tốt đẹp » đến
thế nào, việc ưu tiên trước mắt của dàn nhân sự mới chính là trả nợ. Chỉ riêng
năm 2016, số tiền phải trả nợ chiếm tới gần 1/4 số thu ngân sách, tương đương khoảng
150.000 tỉ đồng. Những năm sau còn phải trả nhiều hơn.
Nhưng hầu bao nhà nước thì thế nào? Cuối năm 2015, Bộ
trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh lần đầu tiên tiết lộ « ngân sách trung
ương chỉ còn 45.000 tỉ đồng ».
Còn vào đầu năm nay, Viện trưởng Kinh tế Trung ương Trần Đình Thiên phải kêu
lên «
Ngân sách năm nay gay rồi! ».
Kịch bản xấu nhất đối với không chỉ nền kinh tế mà cả
với nền hành chính công ở Việt Nam là đến cuối 2016 hoặc sang năm 2017 sẽ có
phá sản lớn trong hệ thống ngân hàng, bởi nợ xấu không thể giải quyết được,
cùng lúc ngân sách kiệt quệ. Khi đó, thậm chí tiền trả lương cho công chức viên
chức và lực lượng vũ trang cũng thiếu hụt trầm trọng. Chẳng lẽ Ngân hàng Nhà
nước phải in tiền ồ ạt vào lúc đó?
RFI : Có vẻ bức tranh vẫn
một màu xám, liệu có quá sức đối với ông Phúc ?
Khi bàn về những vấn nạn quá mệt mỏi này, tôi chợt nhớ
lại hình ảnh Cụ Rùa Hồ Gươm đột ngột qua đời ngay trước ngày khai mạc Đại hội
12 đảng cầm quyền ở Việt Nam. Khi đó, tôi đã bị ám ảnh bởi một điềm gở, rất gở
đối với dân tộc này. Sau tết nguyên đán 2016 thì đồng bằng sông Cửu Long bất
ngờ bị nạn hạn hán và nhiễm mặn khủng khiếp. Cá tôm, lúa, cây trồng chết như rạ
và người nông dân khốn khổ gấp bội so với trước đây.
Lịch sử Việt Nam đã từng có những giai đoạn hạn hán
không một giọt mưa kéo dài suốt ba năm liên tiếp, khiến dân chết đói và sinh ra
phản kháng dữ dội của người dân phải chịu sưu cao thuế nặng đối với triều đình
cai trị. Năm 2016 này Việt Nam không chỉ bị hạn hán mà còn cả nhiễm mặn, lập
tức xuất hiện những tố cáo về tình trạng chính phủ Việt Nam« không làm gì cả » trong nhiều năm trước để cải
thiện môi trường đồng bằng sông Cửu Long.
Một hậu quả xã hội hoàn toàn có thể xảy ra là: nếu năm nay người nông dân miền Tây Nam Bộ còn tồn tại được nhờ vào số tiền tích lũy từ trước, thì đến năm 2017 nếu hạn hán và nhiễm mặn vẫn tiếp diễn, nông dân sẽ sống bằng gì? Hay họ sẽ nổi loạn trong thế cùng tắc biến?
Một hậu quả xã hội hoàn toàn có thể xảy ra là: nếu năm nay người nông dân miền Tây Nam Bộ còn tồn tại được nhờ vào số tiền tích lũy từ trước, thì đến năm 2017 nếu hạn hán và nhiễm mặn vẫn tiếp diễn, nông dân sẽ sống bằng gì? Hay họ sẽ nổi loạn trong thế cùng tắc biến?
Thủ tướng mới là Nguyễn Xuân Phúc lại không phải là
một thiên tài để có thể xoay chuyển tình thế, biến không thành có. Trong suốt
thời làm phó cho ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Phúc hoàn toàn mờ nhạt. Theo tôi, đặc
điểm nổi trội của ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ là ông là người có thể chẳng mặn mà
gì với ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, mà ông theo chủ nghĩa thực dụng, xu thời. Và
trên hết, ông là người tham vọng chính trị.
RFI : Xin chân thành cảm
ơn tiến sĩ Phạm Chí Dũng.
Nguồn: Theo RFI
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire