22/11/2018

VÌ SAO BÁO CHÍ CHÍNH THỐNG BỊ “BẤT LỰC” TRƯỚC MẠNG XÃ HÔI?


Hương Giang

 
Báo chí chính thống: giáo dục tư tưởng, định hướng dư luận
Ngày 16/11/2018, nhân dịp tròn 65 năm ngày báo Tiền Phong ra số đầu tiên (16/11/1953 - 16/11/2018), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng đến thăm, gặp mặt, trò chuyện với cán bộ, phóng viên báo Tiền Phong.

Tại buổi gặp mặt này, ông Võ Văn Thưởng nói: “Liệu mỗi một tờ báo, hay tòa soạn báo, phóng viên chuyên nghiệp đều bất lực, bó tay trước mạng xã hội mà mình không thể nào theo kịp không, hay là mình chưa tìm ra cách gì đúng đắn trong điều kiện mạng xã hội phát triển như hiện nay?”


 Và ông đặt câu hỏi:” “Làm thế nào để phải đáp ứng được vừa nhanh nhạy, vừa phù hợp với điều kiện phát triển, vừa phát hiện chiều sâu thông tin mà mạng xã hội không  có được”.
 
Ông Võ Văn Thưởng cho rằng, trong bối cảnh mới, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội kết nối mọi người làm cho báo in ngày càng bị yếu thế hơn so với báo mạng(1).

Trước hết cần xác định rằng: chức năng hàng đầu của báo chí là thông tin. Ngoài ra báo chí còn có chức năng phản biện xã hội, nâng cao dân trí, giải trí.v.v.


Những thông tin mà báo chí đưa ra phải nhanh nhạy, kịp thời, khách quan và trung thực.

Báo chí chính thống của đảng chẳng những đưa tin không kịp thời, không khách quan, không trung thực, mà, còn mang theo trách nhiệm giáo dục tư tưởng, định hướng dư luận.

Nhưng đây lại là chức năng chủ yếu của báo chí chính thống. Mà muốn giáo dục tư tưởng, định hướng dư luận thì sẽ mất đi yếu tố trung thực và khách quan.

Còn mạng xã hội luôn đáp ứng hai tiêu chí, là nhanh nhạy và trung thực, khách quan.

Không cần phải chờ  đến những ngày tháng cuối năm 2018 này, khi  ông Trưởng ban TGTƯ “thỏ thẻ” động viên các nhà báo, mà cũng là tự an ủi mình rằng: “Báo chí chính thống không 'bất lực' trước mạng xã hội”, thì người ta mới biết cái sự bất lực của báo chí chính thống trước mạng xã hội là như thế nào. Mà phải nói rằng, kể từ khi mạng Internet du nhập vào Việt Nam, những YouTube; Facebook; Zalo; Messenger .v.v. đã mở ra một chân trời rộng lớn, thì người dân Việt Nam như được chắp cánh bay trên bầu trời bao la, được tắm mình vào dòng sông “siêu xa lộ thông tin”. Mọi diễn biến thời cuộc trong và ngoài nước đều phơi bày trước mặt mọi người.

Và kể từ đó, báo chí chính thống, với đội ngũ phóng viên “đông như quân Nguyên”, với 849 tờ báo các loại, và hơn 18 ngàn nhà báo đeo thẻ (con số của năm 2017 theo tiết lộ của ông nguyên Bộ trưởng Bộ 4T Trương Minh Tuấn), với khối tiền ngân sách được nhà nước rót vào hàng năm khổng lồ, và được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, lại được đào tạo bài bản trong và ngoài nước… Vậy mà họ cứ lung ta lúng túng như gà mắc tóc, cứ loay hoay không biết làm thế nào để đối phó với các thông tin trên mạng xã hội, mà theo họ thì đa số loại thông tin này là xấu độc, là xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu lãnh đạo đảng và nhà nước.v.v.

Đến nỗi Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Văn phòng Quốc hội đã phải chua chát thốt lên: “Truyền thông nhà nước đã thua ngay trên sân nhà”.

Vì sao vậy?

Chúng ta còn nhớ vào cuối năm 2014, đầu năm 2015, khi ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương bị nhiễm bệnh, phải đi điều trị mấy tháng trời tại Singapore không có hiệu quả, sau đó phải sang Mỹ điều trị tiếp. Khi  mạng xã hội, mà cụ thể là trang “Chân dung quyền lực” đưa tin, ông Nguyễn Bá Thanh sau ba lần hóa trị tại Mỹ không có tiến bộ, không thể thực hiện ghép tủy, cuộc sống chỉ kéo dài những ngày tháng cuối cùng. Kèm theo đó là nhiều hình ảnh về ông Thanh đang nằm trên giường bệnh với nhiều thiết bị rất hiện đại, với lịch trình chuyến bay sẽ chở ông Thanh về nước, sẽ cất cánh từ đâu, dừng nghỉ để tiếp nhiên liệu ở những nơi nào, sẽ về Đà Nẵng lúc mấy giờ ngày tháng năm nào...vv, thì các báo  chính thống mới cuống cuồng đưa tin theo, nhưng không dám nói lấy tin từ nguồn nào, mà chỉ nói chung chung là “theo các nguồn tin trên mạng”. Chính đây là lời thú tội và thừa nhận về sự “bất lực” của báo chính thống trước mạng xã hội.



Khi các  nguồn tin trên mạng  nói ông Thanh bị đầu độc bởi chất phóng xạ, mà thủ phạm là một đồng chí “cùng hội cùng thuyền”, thì tại cuộc họp báo chiều ngày 07/01/2015, ông Trần Huy Dũng, Phó Ban BVSKTƯ nói: “Ban BVSKTƯ bác bỏ hoàn toàn thông tin nói ông Thanh bị đầu độc”. Nhưng trước đó, ông Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban BVSKTƯ lại nói: “Từ giữa tháng 7/2014 đến nay, tôi không gặp ông Thanh. Kể cả ông Nguyễn Quốc Cường, đại sứ Việt Nam tại Mỹ, có vào bệnh viện bên Mỹ thăm ông Thanh mà cũng không được gặp. Muốn biết hiện trạng bệnh tình ông Thanh như thế nào thì phải chờ lúc ông Thanh về nước, tìm hiểu hồ sơ bệnh án bên Mỹ chuyển qua thì mới biết cụ thể được”.

Điều buồn cười là ông Trưởng Ban BVSKTƯ Nguyễn Quốc Triệu nói muốn biết hiện trạng bệnh tình ông Thanh như thế nào thì phải chờ lúc ông Thanh về nước, tìm hiểu hồ sơ bệnh án bên Mỹ chuyển qua thì mới biết cụ thể được, thì ông Phó Ban BVSKTƯ Trần Huy Dũng lại hùng hồn khẳng định rằng  ông Nguyễn Bá Thanh không phải bị đầu độc? Đúng là “ông nói gà bà nói vịt.”

 Dựa vào đâu mà ông Dũng dám khẳng định điều này, hay ông Dũng phát ngôn theo chỉ đạo, mà chủ yếu là làm nhiệm vụ “giáo dục tư tưởng, định hướng dư luận”?

 Ngay đến hai chữ ung thư, các ông cũng không dám nói. Trong  cuộc họp báo nói trên, ông Dũng nói: “Khi vào viện 108, hội đồng giáo sư của Ban BVSKTƯ chẩn đoán ông Thanh mắc chứng rối loạn sinh tủy”. Nhưng rối loạn sinh tủy là gì? Y học giải thích đó là bệnh ung thư máu, và nguyên nhân dẫn đến ung thư máu phần nhiều là do nhiễm phóng xạ.

Khi được hỏi  bệnh của ông Thanh có khả năng chữa khỏi được không, thì ông Bạch Quốc Khánh, Viện phó Huyết học TƯ nói: “Với bệnh ung thư, chúng tôi rất kỵ nói từ khỏi”. Vậy là vì “kỵ”, nên không dám nói toạc ra là ông Thanh mắc bệnh ung thư, mà phải nói tránh ra là “rối loạn sinh tủy”?



Do sự bưng bít  thông tin, chỉ biết quanh co mà không dám nói thật, chỉ lo định hướng dư luận, cho nên báo chí chính thống đã tự đánh mất mình, hay nói cách khác là báo chí chính thống đã tự thua, đã vẫy cờ trắng trước mạng xã hội.

Qua cái chết của ông Nguyễn Bá Thanh, và trước việc báo chí chính thống hoàn toàn lép vế và bất lực  trước mạng xã hội, và để lấy lại sinh khí, nhằm tìm cách vớt vát đôi chút uy tín cho báo chính thống, ngày 15/01/2015, Đài Truyền hình  Việt Nam(VTV1) có buổi tọa đàm, bàn về cuộc chiến hiện nay giữa một bên là truyền thông nhà nước, và  bên kia là các trang mạng xã hội.

Chương trình được dẫn dắt bởi nhà báo Ngọc Quang, cùng với hai vị khách mời là :Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông  Trương Minh Tuấn, và  Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng.

Tại buổi tọa đàm này, và cũng là điều làm người xem buồn cười nhất, là họ thừa nhận rằng  hiện nay các cơ quan truyền thông của nhà nước, cứ “loay hoay” không biết làm thế nào để đối phó với các thông tin trên mạng xã hội, mà theo họ thì đa số loại thông tin này là xấu, là xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu lãnh đạo đảng và nhà nước …. Nhưng họ không nói rõ là trang mạng nào đang nói xấu, nói xấu ai, nói xấu những gì…vv.

Theo các vị này thì trên nguyên tắc, báo chí nhà nước phải chủ động cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời cho dân, để dân khỏi “tiếp thu” các thông tin xấu, chứ không phải cứ bị động ngồi chờ khi bị tấn công rồi mới lo phản đòn. Các vị này cũng thừa nhận rằng, không thể biết các trang mạng xã hội  sẽ “chọc” vào chủ đề nào, vào vị lãnh đạo nào để biết mà đối phó.



Ông Trương Minh Tuấn nói: “không thể biết họ sẽ đưa thông tin gì để mình biết mà đối phó trước”. Ông Nguyễn Sỹ Dũng thừa nhận, trong cuộc chiến truyền thông hiện nay, ai đưa thông tin trước thì sẽ chiếm lĩnh được người nghe. Ông Dũng nhận định: “ Một chế độ muốn tồn tại thì phải được sự ủng hộ của người dân. Hiện nay các thế lực chống đối đã tuyên truyền và chiếm được trái tim khối óc của hàng triệu người, thì nguy cơ đối với chế độ là có thật”.

Và kết thúc buổi tọa đàm, vị Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội,Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng đã phải chua chát thừa nhận rằng: “ Chúng ta đã thua trong cuộc chiến thông tin này”.

Trên đây chỉ là một trong muôn ngàn câu chuyện để nói rằng, báo chính thống chỉ có lẽo đẽo và mãi mãi vẫn lẽo đẽo chạy theo hít khói mạng xã hội mà thôi,chừng nào báo chính thống chỉ là công cụ tuyên truyền và tẩy não, nhồi sọ, với trách nhiệm giáo dục và định hướng dư luận, chứ không phải là đưa tin.

Đa số tác giả các bài viết trên mạng xã hội là những tay ngang, không được đào tạo bài bản và không được đầu tư trang bị hiện đại. Họ chẳng có lương bổng gì hay nhận tài trợ của một ai đó. Nguồn tin của họ đa số là những điều tai nghe mắt thấy, người thật việc thật, hoặc được người trong cuộc kể lại. Do đó những dòng tin của họ có sức sống, những con số của họ là những con số biết nói. Họ không bẻ cong ngòi bút hay quỳ gối nịnh nọt để cầu lợi bản thân.



Đối với báo chí chính thống, khi có một sự kiện quan trọng nào đó, chỉ cần đọc vài ba tờ là biết hàng trăm tờ báo khác cũng đồng loạt đưa nội dung này, chỉ khác nhau cái tựa đề bài báo mà thôi.

Vì cạn đề tài, những cái muốn viết thì không được viết, do đó báo chí chính thống đi khai thác đời tư của giới nghệ sỹ để câu khách. Hễ thấy em nào hở rốn lòi mông là lập tức họ nhảy vào soi mói. Như chuyện nữ ca sỹ HN bỏ chồng Tây, là chuyện riêng tư của người ta. Vậy mà hàng loạt báo chí chính thống nhảy vào “bới lông tìm vết”, tìm cách khai thác đề tài này. Đễn nỗi nhà thơ Thái Bá Tân phải lên tiếng phê phán và dùng đến câu “soi trong háng đàn bà.”

Trở lại câu chuyện tại buổi gặp mặt của  ông Võ Văn Thưởng với Báo Tiền Phong ngày 16/11/2018: Trả lời cho câu hỏi làm thế nào để  báo chí chính thống không “bất lực” trước mạng xã hội. Thiết nghĩ không những ông Võ Văn Thưởng, mà toàn bộ Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ Thông tin Truyền thông, và cả hệ thống báo chí chính thống đều biết rõ nguyên nhân này.

Có thể nói rằng, trong hơn tám trăm tờ báo chính thống hiện nay, với đội ngũ hơn 18 ngàn nhà báo, nhưng chỉ có duy nhất một Tổng Biên tập, đó là Ban Tuyên giáo TƯ.

Báo chính thống làm nhiệm vụ đưa tin là phụ, mà giáo dục tư tưởng, định hướng dư luận là chính. Vì vậy trong một rừng thông tin từng phút từng giây va đập dồn dập trên siêu xa lộ thông tin, mạng xã hội chỉ việc phản ánh trung thực, khách quan và chính xác là xong.

 Còn báo chính thống còn phải “xào nấu, chế biến” những luồng thông tin ấy sao cho có lợi để định hướng dư luận. Bên cạnh đó, các phóng viên và Tổng Biên tập các báo luôn luôn phải sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ, có thể bị “sờ gáy”, bị mất việc và bị phạt tiền bất cứ lúc nào. Thậm chí bị gài bẫy, bị quy kết tội này tội nọ, bị tống vào tù như nhà báo Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ, chỉ vì dám làm phóng sự điều tra về nạn mãi lộ của CSGT với loạt bài “Nhức nhối nạn mãi lộ: Ghê hơn cướp cạn”, mà phải chịu án 4 năm tù(2).

Gần đây nhất là Báo Tuổi Trẻ bị phạt đình chỉ ba tháng và phải đóng phạt 220 triệu đồng.

“Ngày 16/7, Cục trưởng Báo chí Lưu Đình Phúc ký quyết định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản đối với báo Tuổi Trẻ Online vì đã đăng tải nội dung "không đúng sự thật và gây mất đoàn kết dân tộc".

Trong bài viết: Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu tình đăng ngày 19/6/2018, Tuổi Trẻ Online đã thông tin: "Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói, ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có Luật biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này". Quyết định của Cục Báo chí đánh giá đây là thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng "rất nghiêm trọng".

Quyết định cũng nêu, trong phần bình luận dưới bài viết: Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc miền Tây? đăng ngày 26/5/2017 trên Tuổi Trẻ Online, có thông tin "gây mất đoàn kết dân tộc"(3).

Chúng ta đều biết, các phóng viên báo chính thống khi tác nghiệp đều có máy ghi âm ghi hình. Nếu phóng viên Báo Tuổi Trẻ bịa ra tin này thì đi tù vì tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” là cái chắc, chứ đừng nói chuyện bị đình bản và phạt.



Còn bài thứ hai, phần bình luận dưới bài viết: Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc miền Tây? Cái tội của báo này là dám nói lên nguyện vọng chính đáng và khao khát mấy chục năm nay của dân Miền Tây. Trong khi ngoài miền Bắc thì nhà nước đầu tư xây dựng cao tốc hết chỗ này đến chỗ khác, không còn chỗ để xây dựng nữa, thì tại toàn bộ các tỉnh Miền Tây, chỉ duy nhất được cao tốc Sài Gòn-Trung Lương với chiều dài 58 km. Chấm hết. 

Đó là lý do tại sao báo chí chính thống bất lực trước mạng xã hội.

Tóm lại là truyền thông nhà nước Việt Nam đã hoàn toàn bất lực trước mạng xã hội, đã thua ngay trên sân nhà.



Chú thích:





Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire