26/03/2019

Thanh nhũng Chính sách chỉ là con đẻ của tham nhũng quyền lực


Thiện Tùng



Sau 2 vụ: Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam Nguyễn Vũ Trường Sơn xin từ chức và vụ Bộ Công an có văn bản gửi Tập đoàn dầu khí Việt Nam (gọi tắt Ptrovietnam, viết tắt PVN) đề nghị PVN cung cấp hồ sơ về dự án “Việt Nam hợp tác khai thác dầu khí ở Venezuela hồi năm 2010”, nhiều học giả, ký giả cả “lề phải, lề trái” đều nói và viết nhiều về  tham nhũng chính sách (TNCS), cho đây là loại tham nhũng nguy hiểm nhứt. Vì chưa thấm lắm, tôi viết bài nầy với mong muốn góp phần đào bới sâu hơn về bản chất tham nhũng ở nước ta.

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGESImage caption - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dự Lễ khai trương mỏ đầu tiên của Liên doanh dầu khí Việt Nam – Venezuela tháng 04/2012.


Tham nhũng quyền lực



Hãy nhớ lại xem, thời Tổng Bí thư Nguyễn văn Linh về trước gọi là  chống “tham ô”. Sau khi ông Linh thôi giữ chức Tổng Bí thư, có lẽ  thấy “vi khuẩn” đã  thâm nhập vào “não bộ”, Trung ương Đảng CSVN mới đổi cụm từ “chống  tham ô” bằng cụm từ “chống tham nhũng”. 



Tham thì có thể bất cứ ai, còn nhũng phải là người có quyền (nhũng nhiễu). Có quyền mới “làm mưa làm gió được”. Vì vậy, tham nhũng quyền lực trở thành phương tiện để thực hiện tham nhũng vật chất - tham quyền, cố vị bắt nguồn từ đây.



Đảng CSVN có tham nhũng quyền lực không?



 Quá đấy chớ: Cấp cao nhứt tham vĩ mô, các cấp bên dưới tham vi mô: Dựa vào thế thượng phong, Đảng CSVN triệt tiêu các đảng chiến hữu ra đời trong thời chiến / Khi một mình một chợ, Đảng CSVN cấm  tuyệt đối Đa nguyên, Đa đảng / Ghi vào điều 4 Hiến pháp: “Đảng CSVN lãnh đạo Nhà nước và Xã hội  trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối”/ Theo thể thức “Đảng chọn, Dân bầu”, Đảng CSVN chọn gần như toàn là đảng viên của mình ra ứng cử vào hệ thống chính trị - coi như Đảng trực tiếp giao quyền cho đảng viên của mình.v.v… Từ đó, “rau nào sâu ấy”, các cấp, các ngành thi nhau tham nhũng, lớn ăn lớn, nhỏ ăn nhỏ, thực tế đã và đang như vậy. “Không phải một hai con sâu mà bầy sâu” (lời của chủ tịch nước Trương Tấn Sang); “Ăn không chừa thứ gì của dân” (lời bà Nguyễn thị Doan, phó chủ tịch nước VN) chớ không phải “thế lực thù địch” nào đó dựng chuyện nói xấu Đảng đâu?!. Khi tham nhũng trở thành bản chất chế độ thì dầu Tổng Chủ Trọng có quyết tâm tới đâu, đến chết chắc chắn ông cũng không thể đốt hết bọn “sâu dân mọt nước” nầy nếu không thay đổi thể chế chính trị.



 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm đảng trưởng của đảng cầm quyền suốt thời gian dài mà không quản nổi 4 triệu đảng viên, để trống đánh xuôi kèn thổi ngược, tham nhũng lan tràn khiến cho một bộ phận không nhỏ đảng viên bất bình, đa số nhân dân bất mãn, uy tín của đảng bị sa sút nghiêm trọng. Thế mà, ông Trọng chưa chịu xuống thang, mới giữa nhiệm kỳ đại hội Đảng lần XII, ông tổ chức nhiều cuộc họp chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng lần XIII để bảo toàn khẩu hiệu “Đảng CSVN quang vinh muôn năm”?.



Không chỉ tham nhũng chính sách



Cấp Trung ương Đảng thì tham nhũng quyền lực, áp đặt thể chế chính trị Độc tài Đảng trị theo chủ thuyết Mác- Lê –Mao / Thể chế kinh tế theo Thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa: Kinh tế Quốc doanh đóng vai trò chủ đạo, tư liệu sản xuất như đất đai, hầm mỏ…và những ngành kinh tế then chốt thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý..v.v...



Cấp dưới và Đảng viên thì tìm mọi cách lợi dụng luật pháp, chính sách, chủ trương để tham nhũng, chẳng hạn như: Lợi dụng luật đất đai do Nhà nước quản lý, tìm mọi cách cướp đất của dân để trục lợi / Lợi dụng chủ trương trồng cây  gây rừng, phá rừng cũ bán gỗ, trồng lấy có rừng mới, trồng trước chết sau / Lợi dụng chỉnh trang đô thị giải tỏa dân lấy đất cất chung cư, bán nền hoặc đốn cây lấy gỗ bán, trồng cây mới chẳng ra ôn gì / Lợi dụng nạo vét sông rạch lấy cát bán, khiến sông suối bị sạt lở / Lợi dụng thiếu năng lượng, thi nhau phá rừng làm thủy điện thượng nguồn bán điện cho dân gây ra hạn hán, bão lũ chết chóc, tan nhà nát cửa đối với cư dân hạ lưu / Lợi dụng  đường sá chật hẹp làm BOT, BT lấy tiền lấy đất của dân ăn chia với giới đầu tư / Lợi dụng tự do tín ngưỡng, quan chức đầu tư vốn xây chùa, dựng lên những ông bà “thích ăn mặn” để buôn thần bán thánh, móc tiền những người khổ nạn, nhẹ dạ - như chùa Ba Vàng chẳng hạn .v.v…



Tam quyền phân công



Dưới thể chế Độc tài Đảng trị tối kỵ “Tam quyền phân lập” mà theo thể thức “Tam quyền phân công” - Những thành viên của 3 cơ quan Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp gần như đều là đảng viên, chia việc ra làm theo chỉ đạo của  Bộ Chính trị Đảng CSVN. Bởi vậy, vào cuộc họp Quốc hội, không cần giữ mồm giữ miệng, họ xưng hô với nhau là “đồng chí”, nói như ông Hùng, ông Dũng: “Bộ Chính trị đã quyết không thể không làm  hoặc nói như bà Ngân:“Bộ Chính trị đã quyết, chúng ta phải thông qua thôi”.



Pháp Luật chỉ áp dụng đối với dân



Nhờ có Đảng bảo bộc, dường như đảng viên sống ngoài vòng pháp luật – pháp luật là ta, ta là pháp luật. Họ không ngần ngại vi phạm hay lách pháp luật để mưu danh đạt lợi:



 - Hiến pháp 1992 trở về trước ghi: Quân đội và Công an (lực lượng vũ trang) trung với Đảng, hiếu với Dân”. Qua đấu tranh, Hiến pháp 2013 sửa đổi ghi “Quân đội và Công an có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng”. Nhân dân có đảng trong đó, ghi bảo vệ Đảng như thế là thừa, chẳng lẽ hễ đảng viên thì tách khỏi cộng đồng dân tộc?!. Nhưng ghi thừa như thế cũng chẳng chết ai. Điều đáng nói ở đây, nhân ngày thành lập Quân đội 22/12/2018, Tổng Chủ Trọng vẫn nói trước ba quân tướng sĩ: “Quân đội phải làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng” - Ông Trọng nói thế là vi Hiến? - Lực lượng vũ trang mang tên Nhân dân, Đảng CSVN không được sở hữu hóa chúng?.



 -  Tổng kinh phí vốn đầu tư làm đường Hồ Chí Minh xuyên Việt quá lớn, theo quy định phải thông qua Quốc hội. Để khỏi chờ Quốc hội phán quyết, các vị lách bằng cách chia đường ra từng đoạn, kinh phí làm từng đoạn dưới mức phải thông qua Quốc hội. Khi từng đoạn đường làm xong, các vị đề nghị Quốc hội xét duyệt kinh phí để nối những đoàn đường ấy lại. Việc đã rồi, Quốc hội buộc phải chuẩn thuận.

 - Khai thác Bauxite Tây Nguyên cũng vậy, ngoài vốn đầu tư quá lớn phải thông qua Quốc hội, nhân sĩ trí thức phản biện vì làm sẽ ảnh hưởng môi trường và An ninh, Quốc phòng. Quốc hội còn do dự chưa chịu  thông qua, hết Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chém gió: “Bộ Chính trị đã quyết không thể không làm”. Thế là các vị qua mặt Quốc hội bằng cách gọi là “thí điểm” ở Tân Rai (Lâm Đồng) với vốn đầu tư trong giới hạn không phải thông qua Quốc hội. Chỉ ít lâu sau đó, các vị triển khai điểm 2 ở Nhân Cơ (Đắc Nông).

Moi tài nguyên lên bán mà từ năm 2009 đến nay 2019 luôn thua lỗ khủng, đang trong tình trạng tấn thối lưỡng nan. Đó là chưa nói những hồ chứa bùn đỏ cực độc hại đang lơ lửng trên cao độ, mưa to trên thượng nguồn hay động đất nhẹ có thể tràn hay vỡ hồ chứa (có thể lắm), với khối lượng bùn đỏ đó sẽ tuôn xuống hạ lưu tàn phá từ Nam Trung bộ đến sông Vàm Cỏ Đông (tỉnh Long An), các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai (Biên hòa), Sài Gòn là tâm điểm hứng chịu thảm họa bùn đỏ hủy diệt môi sinh.

 - Hợp tác khai thác dầu khí với Venezuela: Ngày 29/06/2006, Quốc hội ban hành Nghị quyết 66/NQQH quy định: “Dự án có vốn đầu tư quy mô từ 20.000 tỷ trở lên, có sử dụng vốn Nhà nước 30% trở lên phải thông qua Quốc hội”.

Dự án hợp tác đầu tư khai thác dầu khi với Venezuela, cỗ phần vốn đầu tư phía Việt Nam hơn 20.000 tỷ, tất cả là vốn Nhà nước (100%).

Khi Quốc hội không thông qua, không biết tuân lịnh ai, lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) lách: giảm vốn đầu tư từ 956 triệu USD và hơn 30% vốn nhà nước xuống còn 547 triệu USD cho dưới 20.000 Tỷ VND khỏi thông qua Quốc hội. Để vốn nhà nước dưới 30%, các vị kê vào 584 triệu USD gọi là phí tham gia (hoa hồng) nhằm hạ con số hơn 30% xuống còn 29,9%  vốn Nhà nước để không phải thông qua Quốc hội.

Tổng số vốn Việt Nam hợp tác đầu tư khai thác dầu khí ở Venezuela lên đến 1,825 tỷ USD (1 tỷ 825 ngàn USD), tương đương với 36.000 tỷ VND – tính hối xuất lúc bấy giờ 1USD=19.500 VND .

Vốn đầu tư khai thác dầu khí ở Venezuela 1 tỷ 825 ngàn USD= phân nửa (1/2) tổng dự trữ ngoại hối của VN lúc bấy giờ coi như mất trắng. Có lẽ từ đó mới có việc Bộ Công an bắt đầu điều tra vụ nầy và Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí VN Nguyễn Vũ Trường Sơn xin từ chức.

Công an điều tra thì cứ điều tra. Muốn biết những ai đạo diễn, diễn viên trong vụ nầy hãy hỏi thêm các ông: cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (đang là Bí thư Hà Nội)… sẽ rõ.

Tham khảo những bức ảnh đính kèm dưới đây:

Bản quyền hình ảnh AFPImage caption - TBT Nông Đức Mạnh thăm Venezuela hồi 2007. (Từ nhiều năm qua, Đảng CSVN đề cao quan hệ với Venezuela như 'đối tác toàn diện' và quốc gia hữu nghị đặc biệt, gần bằng đồng minh ý thức hệ ở Cuba)

Bản quyền hình ảnh GETTYIMAGESImage caption -Tổng thống Hugo Chavez và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác dầu khí ở Hà Nội hồi năm 2006.


25/03/2019

       T.T

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire