26/05/2021

Chủ nghĩa xã hội mang lại đói nghèo và tham nhũng(*)

LS Cù Huy Hà Vũ

 Tôi cũng xin nói ngay rằng “chủ nghĩa xã hội” mà tôi nêu trong bài viết này là “giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa cộng sản bằng chuyên chính (độc tài) của Đảng cộng sản” theo quan niệm của Mác và đồ đệ của ông trong đó có ban lãnh đạo ĐCSVN. Đó không phải “chủ nghĩa xã hội” theo quan niệm của Quốc tế II, theo đó “chủ nghĩa xã hội” thực hiện trong khuôn khổ tư bản chủ nghĩa. tức trong khuôn khổ cạnh tranh chính trị giữa nhiều đảng phái.

Trước hết phải khẳng định rằng chủ nghĩa tư bản không gì khác hơn là kinh tế tư nhân đồng nhất với kinh tế thị trường, còn chủ nghĩa xã hội lại chủ trương xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, tức là xóa bỏ kinh tế tư nhân, xóa bỏ kinh tế thị trường thông qua “công hữu hóa tư liệu sản xuất” mà sản phẩm là các doanh nghiệp Nhà nước.


Thực tế ở Việt Nam cho thấy chủ nghĩa xã hội chỉ mang lại đói nghèo cho tuyệt đại đa số người dân, đẩy Việt Nam đến bờ vực phá sản với lạm phát 900% vào năm 1985 dẫn tới ăn mày đầy đường!

Để sống sót, từ năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam phải tiến hành “Đổi mới”, bước đầu đi theo chủ nghĩa tư bản bằng cách thừa nhận kinh tế tư nhân đồng nhất với kinh tế thị trường và “tự diễn biến hòa bình” từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa tư bản này đã cơ bản hoàn tất với việc Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức cho đảng viên làm kinh tế tư nhân vốn bị đảng này coi là “bóc lột”. Mặc dầu vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không chịu công khai thừa nhận sự phá sản của chủ nghĩa xã hội và để bao biện cho việc rốt cuộc đã phải thực hiện kinh tế thị trường – hiện thân của chủ nghĩa tư bản – đảng này đã biến báo kinh tế thị trường bằng cách gắn cho nó cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”: “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên sự bao biện này của Đảng Cộng sản Việt Nam là công cốc. Thực vậy, như đã nêu trên, “chủ nghĩa xã hội” hay “xã hội chủ nghĩa” đồng nhất với “xóa bỏ kinh tế thị trường”. Vậy khi thay “xã hội chủ nghĩa” trong “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” bằng “xóa bỏ kinh tế thị trường” thì ta có “kinh tế thị trường định hướng xóa bỏ kinh tế thị trường” ngớ ngẩn không kể xiết! Ngoài ra, chỉ riêng việc Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm các nước thuộc Liên hiệp Châu Âu (EU) đầu năm 2013 luôn khẩn khoản đề nghị các nước này công nhận Việt Nam có “nền kinh tế thị trường” chứ không phải “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” cũng đã đủ cho thấy để tồn tại và phát triển trong thế giới ngày nay, Việt Nam không thể không từ bỏ chủ nghĩa xã hội!

Chủ nghĩa xã hội cũng đồng nhất với tham nhũng. Như trên đã đề cập, chủ nghĩa xã hội chủ trương quốc hữu hóa nền kinh tế. Nhà nước trực tiếp kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp nhà nước, nghĩa là nhà nước vừa là người quản lý đồng nhất với giám sát, kiểm soát tài sản quốc gia vừa là người sử dụng tài sản ấy, tức là làm cái chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi” theo cách nói dân gian. Nói cách khác, nhà nước không phải chịu bất cứ giám sát, kiểm soát nào trong việc sử dụng tài sản quốc gia và chính lỗ hổng thể chế này đã tạo ra tham nhũng – tham nhũng thể chế!

Tóm lại, doanh nghiệp nhà nước là kênh chủ yếu để những người nắm giữ quyền lực Nhà nước, mà ở đây là các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tham nhũng tột mức bằng mọi thủ đoạn, làm đất nước điêu đứng, mà các vụ VINASHIN, VINALINES là những bằng chứng điển hình. Điều này lý giải vì sao Hiến pháp 1992 hiện hành vẫn khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước kinh doanh kém hiệu quả, cơ bản là lỗ! Trong các lĩnh vực phi kinh doanh cũng vậy, tham nhũng tràn lan bởi sự độc quyền cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã loại trừ tính minh bạch trong sử dụng ngân sách Nhà nước. Tình hình nghiêm trọng đến mức ngay Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã phải thừa nhận tham nhũng chính là quốc nạn.


Cù Huy Hà Vũ

(*) Trích từ một bài viết của LS Cù Huy Hà Vũ

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire